Đề xuất mở cuộc điều tra quốc tế về dịch COVID-19 do Australia kêu gọi được đưa ra xem xét chính thức trong cuộc họp Đại hội đồng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) diễn ra vào ngày 18/5. Theo đó, cuộc bỏ phiếu liên quan đến vấn đề này dự kiến sẽ diễn ra vào sáng 19/5.
Ban đầu có 62 quốc gia ủng hộ đề xuất của Canberra, trong đó có Nga, Ấn Độ, Nhật Bản, Anh, Canada, Indonesia và 27 nước thành viên của Liên minh Châu Âu. Sau đó, các nước như Brazil, Hàn Quốc, Mexico, Thổ Nhĩ Kỳ và New Zealand lên tiếng ủng hộ. Mới đây, 54 quốc gia châu Phi cũng lên tiếng tán thành đề xuất trên.
Bình luận về vấn đề này, Ngoại trưởng Australia Marise Payne khẳng định đây là điều đáng khích lệ khi nhiều quốc gia lên tiếng ủng hộ cuộc điều tra về dịch bệnh, vốn tác động nghiêm trọng tới nền kinh tế thế giới và cướp đi sinh mạng của hơn 300.000 người.
"Tôi không muốn suy đoán về kết quả, các cuộc thảo luận sẽ diễn ra vào tối nay. Tôi nghĩ đó là chiến thắng cho cộng đồng quốc tế", bà Payne nói trong tuyên bố đưa ra hôm 18/5.
Theo ABC News, ngôn ngữ trong dự thảo đề xuất được cân nhắc cẩn thận và không đề cập đến Trung Quốc. Cuộc thảo luận cũng không nhắc tới tới Vũ Hán, nơi dịch bệnh bắt đầu bùng phát.
Nhưng tài liệu này nhấn mạnh, WHO nên làm việc với Tổ chức Thú y Thế giới để xác minh nguồn gốc của virus và con đường lây nhiễm sang người, bao gồm vai trò của các vật chủ trung gian.
Liên quan tới đề xuất của Canberra, Phó Giám đốc Y tế Australia Paul Kelly khẳng định điều quan trọng là "đi đến tận cùng" của những gì đã xảy ra.
"Tôi nghĩ rằng điều quan trọng nhất là thay vì đổ lỗi cho một quốc gia cụ thể hoặc một quốc gia khác, chúng ta cần đi đến tận cùng những gì đã xảy ra. Và một phần trong đó là về nguồn gốc, nơi virus này khởi phát", ông này cho hay.
Bộ trưởng Nông nghiệp Australia David Littleproud khẳng định, cuộc điều tra là trách nhiệm cần phải thực hiện, khi dịch bệnh khiến 300.000 thiệt mạng.
Australia là quốc gia đầu tiên sau Mỹ kêu gọi mở cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc virus SARS-CoV-2, động thái khiến Trung Quốc giận dữ.
Trung Quốc trước đó khẳng định đề xuất của Australia là hành động mang động cơ chính trị, hùa theo Mỹ. Bắc Kinh sau đó ngừng nhập khẩu thịt bò từ 4 lò mổ của Australia, động thái mà các chuyên gia tin rằng là hành động trả đũa.
Canberra sau đó đề xuất đối thoại nhưng Trung Quốc đã phớt lờ.
Bình luận