• Zalo

11 năm chuyển nhượng mùa đông: MU mua ít, thắng nhiều

Thể thaoThứ Sáu, 01/02/2013 10:44:00 +07:00Google News

(VTC News)- MU luôn tỏ ra hết sức khôn ngoan trên TTCN mùa đông, nơi họ chi ít nhưng thành công rất nhiều.

(VTC News)- MU luôn tỏ ra hết sức khôn ngoan trên TTCN mùa đông, nơi họ chi ít nhưng thành công rất nhiều.


Năm 2003 thị trường chuyển nhượng mùa đông chính thức mở cửa tại Anh, ghi dấu hàng loạt bản hợp đồng thành công nhưng cũng không thiếu những phi vụ mua hớ đáng chú ý. Hãy cùng nhìn lại những diễn biến đáng chú ý của thị trường này trong suốt 10 năm qua tại Anh.

Năm 2003

Tổng chi tiêu: 35 triệu bảng

Bản hợp đồng đắt giá nhất: Jonathan Woodgate (từ Leeds tới Newcastle) 9 triệu bảng

Jonathan Woodgate tới Newcastle vơi giá 9 triệu bảng 

Bản hợp đồng thất bại: Lee Bowyer (từ West Ham sang Leeds United). 100.000 bảng. Được tung hô là một trong những tài năng trẻ xuất sắc nhất nước Anh khi đó, Lee Bowyer tới West Ham với sứ mệnh cứu vớt đội bóng này khỏi nguy cơ xuống hạng nhưng những chấn thương liên miên khiến anh chỉ ra sân được vỏn vẹn 10 trận đấu trước khi chuyển sang Newcastle ngay mùa sao đó.

Chi mạnh tay nhất: Manchester City. Hai thương vụ Robbie Fowler và David Sommeil khiến ngân quỹ của nửa xanh thành Manchester sụt 9,5 triệu bảng, một số tiền không nhỏ đối với một đội bóng khi đó mới lên hạng được 2 năm.

Mua sắm nhiều nhất: Birmingham City (Christophe Dugarry Clemence, Jamie Clapham, Matthew Upson, Piotr Swierczewski)

Không tham gia: Manchester United, Arsenal, Chelsea, Liverpool

Điểm nhấn: Stephen Clemence gia nhập Birmingham với giá 900.000 bảng nhưng ngay lập tức trở thành ngôi sao của đội bóng thành này dưới sự dẫn dắt của Steve Bruce.

Năm 2004

Tổng chi tiêu: 50 triệu bảng

Bản hợp đồng đắt giá nhất: Jose Antonio Reyes (từ Sevilla tới Arsenal) 19,5 triệu bảng

Jose Antonio Reyes - thương vụ bom tấn của Arsenal năm 2004 

Bản hợp đồng thất bại: Ricardinho (từ Sao Paolo sang Middlesbrough).

Chuyển tới sân Riverside với tư cách là ĐKVĐ thế giới nhưng chỉ 3 tháng sau Ricardinho đã phải cuốn gói mà không được đá một trận nào cho Middlesbrough.

Chi mạnh tay nhất: Arsenal với bản hợp đồng sáng giá Jose Antonio Reyes đứng đầu với 19,5 triệu bảng. Xếp sau là Manchester United với 12,8 triệu bảng chi cho thương vụ Louis Saha. Chelsea cũng tỏ ra không kém cạnh khi mua Scott Parker với 10 triệu bảng từ Charlton

Mua sắm nhiều nhất: West Ham (Andy Melville, Nigel Reo-Coker, Bobby Zamora)

Không tham gia: Liverpool

Điểm nhấn: Thương vụ Reyes quả là món hời với Arsene Wenger. Với phong độ xuất sắc của mình chàng trai người Tây Ban Nha đã giúp Arsenal vượt mặt đại kình địch Man Utd để tiến tới chức vô địch Premier League năm đó.

Năm 2005

Tổng chi tiêu: 50 triệu bảng

Bản hợp đồng đắt giá nhất: Jean-Alain Boumsong (từ Rangers tới Newcastle) 8 triệu bảng

Bản hợp đồng thất bại: Nigel Quashie (từ Portsmouth sang Southampton). Được mua về với mục đích giúp Southampton trụ hạng nhưng Nigel Quashie không đóng góp gì đáng kể cho đội bóng chủ sân St.Mary’s, kết quả là 5 tháng sau Southampton phải nói lời giã biệt với Premier League.

Chi mạnh tay nhất: Newcastle chi hơn 10 triệu bảng cho 3 cái tên Boumsong, Celestine Babayaro và Amady Faye.

Mua sắm nhiều nhất: Tottenham (Mounir El Hamdaoui, Mido, Andy Reid và Michael Dawson)

Không tham gia: Manchester United, Chelsea

Điểm nhấn: Mikel Arteta chuyển tới Everton với bản hợp đồng cho mượn từ Real Sociedad, anh hòa nhập rất nhanh với các đồng đội mới và đóng vai trò thủ lĩnh của Everton cho tới khi chuyển sang Arsenal hè năm 2011.

Arteta chuyển tới Everton và nhanh chóng trở thành thủ lĩnh tại đây 

Năm 2006

Tổng chi tiêu: 70 triệu bảng

Bản hợp đồng đắt giá nhất: Dean Ashton (từ Norwich tới West Ham), Emmanuel Adebayor (từ Monaco tới Arsenal),  Nemanja Vidic (từ Spartak Moscow tới Manchester United). Tất cả đều có giá 7 triệu bảng.

Vidc và Evra là hai thương vụ quá hời của Sir Alex 

Bản hợp đồng thất bại: Emmanuel Olisadebe (Từ Panathinaikos tới Portsmouth). Cầu thủ người Nigeria không thể hiện được nhiều tại sân Fratton Park và phải ra đi ngay trong mùa hè sau đó.

Chi mạnh tay nhất: 15 triệu bảng là số tiền mà Arsenal đã bỏ ra để mang về sân Highbury Manuel Adebayor, Theo Walcott và Abou Diaby

Mua sắm nhiều nhất: Portsmouth mua tới 9 cầu thủ với tổng giá trị là 12 triệu bảng

Manuel Adebayor cũng chơi rất xuất sắc khi còn khoác áo Arsenal 

Không tham gia: Aston Villa, Middlesbrough, Newcastle

Điểm nhấn: Man Utd chỉ mất 12 triệu bảng cho hai thương vụ Nemanja Vidic và Patrice Evra nhưng từ đó đến nay cả hai luôn là những trụ cột không thể thiếu của Quỷ đỏ, góp công không nhỏ vào những vinh quang mà MU dành được sau năm 2005.

Năm 2007

Tổng chi tiêu: 62 triệu bảng

Bản hợp đồng đắt giá nhất: Ashley Young (từ Watford tới Aston Villa) 10,65 triệu bảng

Ashley Young trở thành bản hợp đồng đắt giá nhất mùa đông năm 2007 

Bản hợp đồng thất bại: Lucas Neil (Từ Blackburn Rovers tới West Ham). Gia nhập West Ham với mức lương 75.000 bảng/tuần nhưng Lucas Neil nhanh chóng để lại thất vọng khi dính chấn thương nặng ngay trong trận ra mắt và ngồi ngoài suốt 4 tháng sau đó.

Chi mạnh tay nhất: West Ham móc hầu bao những 16,5 triệu bảng để mua về Matthew Upson, Luis Boa Morte, Callum Davenport, Nigel Quashie và Lucas Neil

Mua sắm nhiều nhất: Liverpool bổ sung lực lượng với 7 cầu thủ, trong đó có những cái tên như Arbeloa, Mascherano, Padelli.

Không tham gia: Chelsea, Arsenal

Điểm nhấn: John Carew gia nhập Aston Villa từ Lyon và trở thành chân sút số 1 của đội bóng này trong mùa giải 2006/2007 với 17 bàn thắng.

Năm 2008

Tổng chi tiêu: 160 triệu bảng

Bản hợp đồng đắt giá nhất: Nicolas Anelka (từ Bolton tới Chelsea) 15 triệu bảng

Bản hợp đồng thất bại: Felipe Caicedo (Từ Basel tới Man City). Sven Goran Eriksson đánh giá rất cao những tố chất của tiền đạo gốc Ecuador này nhưng 5 bàn thắng trong 3 năm đủ để cho thấy “tài năng” của Caicedo.

Chi mạnh tay nhất: Để có được Anelka, Ivanovic và Franco Di Santo, Chelsea chịu tiêu tốn 27,5 triệu bảng trong ngân quỹ của mình

Anelka trong ngày ra mắt Chelsea 

Mua sắm nhiều nhất: Derby County trong cơn vật lộn nhằm tránh xuống hạng đã mang về 8 cầu thủ với tổng giá trị… 3,8 triệu bảng

Điểm nhấn: Gary Cahill chuyển tới Bolton từ Aston Villa với giá 4,5 triệu bảng. Đây được coi là bước đệm trong sự nghiệp của cầu thủ này bởi không lâu sau đó anh gia nhập Chelsea sau màn trình diễn chói sang tại sân Rebook.  

Năm 2008 là năm đầu tiên tất cả các CLB tại giải Ngoại hạng đều tham gia kỳ chuyển nhượng mùa đông.

Năm 2009

Tổng chi tiêu: 180 triệu bảng

Bản hợp đồng đắt giá nhất: Nigel de Jong (từ Hamburg tới Man City) 16 triệu bảng

Bản hợp đồng thất bại: Savio Nsereko (Từ Brescia tới West Ham). Được kỳ vọng là sự thay thế xứng đáng cho Craig Bellamy (chuyển sang Man City) nhưng tiền đạo người Đức gốc Uganda này nhanh chóng bị “tống khứ” sang Fiorentina mà không ghi nổi lấy một bàn cho West Ham.

Chi mạnh tay nhất: Tottenham và Man City cùng bỏ ra số tiền 48 triệu bảng để bổ sung lực lương với những cái tên sáng giá như Craig Bellamy, Wayne Bridge, Shay Given, Pascal Chimbonda, Robbie Keane, Jermaine Defoe

2009 là năm Man City bắt đầu thể hiện sự bành trướng của mình trên TTCN 

Mua sắm nhiều nhất: Portsmouth mua 6 cầu thủ và mượn Jerrmain Pennant từ Liverpool để thực hiện mục tiêu trụ hạng.

Không tham gia: Liverpool

Điểm nhấn: Chuyển tới Spurs mùa đông năm 2009, Jemain Defoe thể hiện một phong độ quá ấn tượng với 68 lần “đốt lưới” đối phương tính cho đến thời điểm này.

Năm 2010

Tổng chi tiêu: 30 triệu bảng

Bản hợp đồng đắt giá nhất: Younes Kaboul (từ Portsmouth tới Spurs) 11 triệu bảng

Trong một mùa chuyển nhượng ảm đạm, Younes Kaboul nổi lên như một trong những bản hợp đồng đáng chú ý 

Bản hợp đồng thất bại: Benni McCarthy (Từ Blackburn Rovers tới West Ham). West Ham tiếp tục cho thấy mình là một “gã khờ” trên TTCN, lần này là với Benni McCarthy, tiền đạo người Nam Phi chấn thương ngay trong trận ra mắt và mất hút luôn từ đó.

Chi mạnh tay nhất: Dưới sự tác động của cơn bão tài chính nên TTCN mùa đông năm 2010 khá ảm đạm, Tottenham chỉ với hai bản hợp đồng Kaboul và Eidur Gudjohnsen, tổng trị giá 9 triệu bảng, trở thành CLB bạo chi nhất.  

Mua sắm nhiều nhất: Wigan mua 5 cầu thủ với giá 3,5 triệu bảng, trong đó có Victor Moses, người vừa chuyển sang khoác áo Chelsea.

Không tham gia: Aston Villa, Chelsea

Điểm nhấn: Thủ thành người Bosnia Asmir Begovic từ vai dự bị trở thành tấm lá chắn vững chắc của Stoke sau khi chuyển đến từ Portsmouth với giá 3, 25 triệu bảng.

Năm 2011

Tổng chi tiêu: 225 triệu bảng

Bản hợp đồng đắt giá nhất: Fernando Torres (từ Liverpool tới Chelsea) 50 triệu bảng

Bản hợp đồng thất bại: Cũng chính là Torres, có lẽ không cần phải nói nhiều về trường hợp của cựu sát thủ Athletico Madrid nữa. Màn trình diễn của anh trong màu áo xanh đủ để gói gọn trong hai từ: thất vọng.

Ngày đánh dấu sự xuống dốc của Fernando Torres 

Chi mạnh tay nhất: Chelsea với 50 triệu bảng cho Torres và 25 triệu bảng để mang về David Luiz từ Benfica

Mua sắm nhiều nhất: Aston Villa mua 4 cầu thủ chỉ trong 3 ngày, trong đó có những cái tên như Darren Bent và Jean Makoun

Điểm nhấn: Các CĐV của Liverpool đã có thể quên hình ảnh Torres trong tâm trí bởi họ đã có một người hung mới trên hàng công: Luis Suarez. Tiền đạo người Uruguay chuyển tới Liverpool từ Ajax với giá 22,8 triệu bảng, một cái giá không hề rẻ nhưng sau đó anh đã chứng minh mình xứng đáng đến từng xu với phong độ quá xuất sắc.

Luis Suarez - người hùng mới trong mắt CĐV Liverpool 

Năm 2012

Tổng chi tiêu: 60 triệu bảng

Bản hợp đồng đắt giá nhất: Papiss Cisse (từ Freiburg tới Newcastle United) 10 triệu bảng

Viên ngọc đen của Newcastle: Papiss Cisse  

Bản hợp đồng thất bại: Marvin Sordell (Từ Watford tới Bolton). Chơi đúng 3 trận cho Bolton trước khi mất hút, cách Sordell ra đi cũng giống cách mà anh đến với giải Ngoại hạng: chẳng được ai quan tâm

Chi mạnh tay nhất: Lại là Chelsea với 20 triệu bảng dành cho Kevin de Bruyne, Cahill, Lucas Piazon và Patrick Bamford.

Mua sắm nhiều nhất: 7 cái tên mới được QPR mua về với mục tiêu giúp đội nhà không phải quay về giải hạng Nhất quá sớm, bao gồm Bobby Zamora, Djibril Cisse và Nedum Onuoha.

Không tham gia: Stoke City

Điểm nhấn: Gary Cahill trình diễn một phong độ tuyệt vời trong màu áo Chelsea, góp công không nhỏ vào chức vô địch Champions League lần đầu tiên trong lịch sử đội bóng này. Ngoài ra còn phải kể đến Papiss Cisse với 13 bàn thắng trong 14 trận chơi cho Newcastle, trong đó có cú vô lê thần sầu vào lưới Chelsea.

Năm 2013

Tổng chi tiêu: 127 triệu bảng

Chi mạnh nhất: QPR (22,44 triệu bảng), thứ hai là Liverpool (22 triệu bảng). Man City là đội thu về nhiều nhất (17,8 triệu bảng) nhờ vụ bán Balotelli cho AC Milan.

Bản hợp đồng đắt giá nhất: Daniel Sturridge, Christopher Samba (13.2 triệu bảng)


Nguyễn Lâm
Bình luận
vtcnews.vn