Mới đây, trình bày trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã cho biết Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 – 2020 dự kiến tiêu tốn khoảng hơn 10,5 triệu tỷ đồng theo giá thực tế (tương đương khoảng 480 tỷ USD).
Trả lời phỏng vấn báo điện tử VTC News, các chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển, TS Nguyễn Trí Hiếu và TS Nguyễn Minh Phong cho rằng kế hoạch này có nhiều điểm cần cụ thể hóa hơn. Các chuyên gia cũng đánh giá tiền nhiều hay ít không quan trọng bằng cách làm.
- Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 – 2020 dự kiến tiêu khoảng hơn 10,5 triệu tỷ đồng. Theo ông lĩnh vực nào cần được tái cấu trúc đầu tiên?
TS Nguyễn Trí Hiếu: Tái cơ cấu nền kinh tế là vấn đề rất lớn, có nhiều điểm cần lưu ý. Trong đó có vấn đề tái cơ cấu ngân hàng và nợ xấu. Xử lý nợ xấu nhỏ hơn nhiều so với con số 10,5 triệu tỷ đồng. Tổng nợ xấu của Việt Nam đang là khoảng 25 tỷ USD. Nhưng khi xử lý, không cần toàn bộ số tiền này. Chỉ cần dùng một nửa, từ 10 tỷ tới 12 tỷ USD là có thể xử lý dứt điểm nợ xấu.
Chúng ta cần xử lý ngân hàng yếu kém, xử lý nợ xấu tồn động trong ngành ngân hàng. Nói chung về ngành tài chính, thị trường vốn phải được thiết lập. Việt Nam mới có thị trường tiền tệ, thị trường vốn cho trung và dài hạn khá èo uột.
Bên cạnh tái cơ cấu ngành ngân hàng, cần sớm tái cơ cấu nợ công, khu vực doanh nghiệp có vốn Nhà nước. Nợ công Việt Nam đang lên tới con số rất lớn trong khi khu vực doanh nghiệp Nhà nước có nhiều yếu kém.
Đặc biệt, kế hoạch này phải tính tới bội chi ngân sách Nhà nước. Hiện tại, bội chi ngân sách rất lớn. Phải tính toán làm sao mà trám được lỗ hổng này.
TS Nguyễn Minh Phong: Tái cấu trúc kinh tế phải đồng thời cùng nhiều lĩnh vực, chứ thực hiện từng lĩnh vực một thì rất khó. Nhưng trước hết, cần ưu tiên tái trúc khu vực doanh nghiệp Nhà nước và phát triển mảng, một số ngành, sản phẩm trọng điểm.
Khi tái cấu trúc được 2 khu vực này rồi, sẽ tạo mạch dẫn sang các khu vực khác. Về tổng thể, cần làm đồng thời, không thể làm cái này trước, cái này sau được.
- Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 – 2020 dự kiến tiêu khoảng hơn 10,5 triệu tỷ đồng. Số tiền này có quá nhiều không thưa ông?
TS Nguyễn Trí Hiếu: Bản kế hoạch chỉ đưa ra con số chung chung chứ không nói cụ thể, chi tiết 10,5 triệu tỷ đồng đó được sử dụng vào những mục đích gì. Ví dụ tái cơ cấu ngân hàng, xử lý nợ xấu, an sinh xã hội, hỗ trợ kinh doanh được cấp bao nhiêu tiền.
Vì vậy, con số 10,5 triệu tỷ đồng không nói lên được điều gì nếu không đi kèm chương trình thực hiện cụ thể.
TS Nguyễn Minh Phong: Đây chỉ là con số đăng ký, con số tạm tính, thực tế có thể tốn hơn rất nhiều. Muốn biết hết bao nhiêu cần phải chỉ ra những con số đó ở đâu ra, được đầu tư cho dự án nào mới biết thừa hay thiếu.
Về cơ bản thì chỉ có thể khẳng định kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế sẽ tiêu tốn nhiều tiền và đa dạng. Nhà nước phải chịu trách nhiệm ở một số phần đặc biệt liên quan đến hạ tầng công cộng, khu vực công và những hoạt động đầu tư mang tính chất nguồn.
Với tinh thần đó, tiền càng nhiều thì càng ít. Nói bao nhiêu là đủ thì vô cùng lắm. Nhưng dù là bao nhiêu tiền thì cũng cần phải nhớ tiền đó đến từ những nguồn thu ngân sách, tức là tiền của dân, những nguồn tiền xã hội hóa trên cơ sở thu hút đầu tư tư nhân, thu hút đầu tư nước ngoài và trong nước.
TS Đinh Thế Hiển: Phải nhìn chi tiết số liệu phân bổ ngân sách mới tính số tiền làm cái gì, số tiền kia làm cái gì rồi cộng vào mới lên tới mấy trăm tỷ USD. Nhưng vấn đề tiền ở đâu để làm. Bây giờ huy động 10 tỷ USD đã là khó nói gì tới việc huy động hàng trăm tỷ USD.
Tái cơ cấu kinh tế: Vấn đề là làm thế nào chứ không phải Nhà nước quản lý bao nhiêu tiền.
TS Đinh Thế Hiển
Nhớ lại trong khủng hoảng tài chính châu Á năm 1998, nền kinh tế Indonesia lớn hơn nền kinh tế Việt Nam bây giờ. Indonesi là đất nước 200 triệu dân và diện tích 2 triệu km2. Trong khi đó, Việt Nam chỉ có 90 triệu dân.
Khi khủng hoảng tài chính kinh tế 1998 nổ ra, nền kinh tế Indonesia bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhưng chỉ cần Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) rót 7 tỷ USD là nền kinh tế phục hồi. Trong khoảng thời gian từ 1998 tới 2003, thị trường chứng khoán đã phục hồi bằng mốc trước năm 1998. Đến bây giờ, thị trường chứng khoán tăng gấp mấy lần.
Như vậy, vấn đề chính là cách thức làm như thế nào chứ không phải Nhà nước quản lý bao nhiêu tiền.
- Còn vấn đề gì mà Kế hoạch này cần lưu tâm thưa ông?
TS Nguyễn Trí Hiếu: Kế hoạch cần phải chú ý tới làm sao tăng cường tính cạnh tranh của cả nền kinh tế. Trong đó các doanh nghiệp phải nội địa hóa. Hiện tại, doanh nghiệp FDI chiếm rất lớn trong xuất khẩu. Xuất khẩu của họ chiém tổng 60% kinh ngạch xuất khẩu. Rõ ràng, sự cố Samsung Galaxy Note 7 bị ngừng sản xuất đã ảnh hưởng nhiều đến xuất khẩu của Việt Nam thời gian qua.
Doanh nghiệp FDI đóng góp số lượng nhiều nhưng thực chất về lượng thì ít. Nhiều doanh nghiệp FDI khai lỗ, không đóng thuế, chuyển giao công nghiệp hạn chế. Không thể dựa vào doanh nghiệp FDI, cần phải nội địa hóa doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam. Các doanh nghiệp Việt Nam phải có vai trò quan trọng trong xuất khẩu.
TS Đinh Thế Hiển: Tái cấu trúc kinh tế cần lưu tâm đến 3 vấn đề: Mất cân đối ngân sách và đầu tư Nhà nước dàn trải và đầu tư Nhà nước quá lớn.
Thứ nhất, mất cân đối ngân sách có 2 vấn đề là chi thường xuyên quá lớn, chiếm 97% ngân sách. Chi phí Nhà nước hàng năm rất lớn, không nước nào chi nhiều như vậy.
Nguồn vốn đầu tư Nhà nước phải làm đường xá, an sinh xã hội,… huy động từ xã hội hóa thiếu hợp lý. Cuối cùng, những khoản chi đó đều là tiền nộp của người dân. Khi tiền nộp của người dân không được chi tiêu hiệu quả, người dân không có tiền tiêu xài, doanh nghiệp không sản xuất được. Nó tạo vòng xoáy không phát triển.
Thứ hai, cần phải quan tâm tới vấn đề đầu tư dàn trải, không trọng điểm. Thứ ba là đầu tư Nhà nước lớn nhưng không hiệu quả. Tái cấu trúc kinh tế cần phải giải quyết cấp bách 2 vấn đề này. Thế nhưng Kế hoạch tái cấu trúc mà Bộ Kế hoạch đầu tư đưa ra lại không hướng tới điều này.
Kế hoạch này chỉ tính rót cho tỉnh này bao nhiêu, ngành này bao nhiêu. Đó là sai ngay từ đầu trong vấn đề tái cấu trúc.
Trước khi nói tới đầu tư, cần phải giải quyết tình trạng bội chi. Nhiều bộ máy phải giảm biên chế, sáp nhập, giảm chi phí nhân lực, văn phòng,… Giải quyết vấn đề bội chi thì tính tới việc Nhà nước nên làm gì, không nên làm gì, cần sửa luật để tư nhân có thể tham gia một số lĩnh vực nhằm giảm chi phí cho ngân sách.
Bình luận