• Zalo

100% ĐBQH là chuyên trách mà không chuyên nghiệp cũng khó đảm bảo thực quyền

Tin nhanh 24hThứ Ba, 26/05/2020 11:55:00 +07:00Google News
(VTC News) -

ĐBQH cho rằng không nên nhấn mạnh tới số lượng 100% đại biểu Quốc hội là chuyên trách mà phải tập trung về tính chuyên nghiệp.

Sáng 26/5, Quốc hội thảo luận dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội. Dự luật này được Quốc hội xem xét lần đầu tại kỳ họp thứ 8 và sẽ thông qua tại kỳ họp này.

Trong phiên thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo luật, đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) cho rằng Đoàn ĐBQH không phải cơ cấu tổ chức của Quốc hội, bởi trong Hiến pháp không quy định.

Đoàn ĐBQH thực chất là hình thức sinh hoạt của Quốc hội, các ĐBQH, là bộ máy hành chính bảo đảm cho ĐBQH hoạt động độc lập tại các địa phương.

100% ĐBQH là chuyên trách mà không chuyên nghiệp cũng khó đảm bảo thực quyền - 1

Đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau). (Ảnh: Quochoi.vn)

Liên quan tới ý kiến cho rằng cần tăng cường ĐBQH là chuyên gia, ông Vân nói rằng điều này là không đúng bởi ĐBQH là chính trị gia, phải nắm chắc được nguyên lý vận hành của các thiết chế quyền lực nhà nước, các nguyên lý vận hành của thể chế chính trị, kinh tế, xã hội để khởi xướng chính sách.

“Nếu ĐBQH là chuyên gia, am hiểu sâu từng lĩnh vực cụ thể là không đúng nguyên lý tổ chức vận hành của thiết chế quyền lực cao nhất đó là Quốc hội”, ông khẳng định. 

Vị đại biểu đoàn Cà Mau nhấn mạnh điều quan trọng hiện nay là phải tăng cường năng lực cho ĐBQH, trước hết là năng lực pháp lý, năng lực lập pháp của ĐBQH. Ông cho rằng không nên nhấn mạnh vào số lượng mà phải tập trung vào tính chuyên nghiệp. 

"Cho dù có 100% chuyên trách mà không chuyên nghiệp thì cũng không đảm bảo thực quyền, vẫn thiếu hiệu quả", ông chia sẻ quan điểm.

Khẳng định hạt nhân hoạt động của Quốc hội chính là ĐBQH, ông Vân cho biết trong quá trình chuyển đổi từ một Quốc hội hoạt động hình thức sang một Quốc hội hoạt động thực chất, thực quyền, cần phải tăng cường năng lực cho ĐBQH, trước hết là tăng cường năng lực pháp lý, điều kiện bảo đảm cho ĐBQH, trong đó đáng chú ý nhất là năng lực luật pháp của các ĐBQH, quyền trình dự án luật, sáng kiến pháp luật…

Cũng theo vị đại biểu này, quyền trình dự án luật, quyền sáng kiến pháp luật của ĐBQH nếu không được bảo đảm thì quyền khởi xướng chính sách chỉ thiên về Chính phủ.

"Lúc đó Quốc hội sẽ không còn nắm giữ được vai trò chủ đạo là cơ quan duy nhất nắm giữ quyền lập hiến, lập pháp", ông cho hay. 

Cùng với đó, vị đại biểu đoàn Cà Mau cho rằng cần có quy định tiêu chuẩn Tổng Thư ký Quốc hội.

"Tổng Thư ký Quốc hội không phải là nhân vật chính trị mà là nhân vật hành chính. Tổng Thư ký Quốc hội phải là người am tường thủ tục, trình tự hoạt động của Quốc hội, để tư vấn cho Chủ tịch Quốc hội điều hành Quốc hội thực chất, thực quyền hơn", ông Vân nhấn mạnh. 

Song Hy
Bình luận
vtcnews.vn