• Zalo

10 vấn đề, sự kiện trong nước nổi bật năm 2018 do VOV bình chọn

Thời sựThứ Sáu, 28/12/2018 10:15:00 +07:00Google News

Đài Tiếng Nói Việt Nam (VOV) bình chọn 10 vấn đề, sự kiện trong nước nổi bật năm 2018.

1. Đảng ban hành nhiều Nghị quyết quan trọng thực hiện Nghị quyết Đại hội XII

Năm 2018, Đảng ta ban hành nhiều Nghị quyết nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ trọng tâm mà Đại hội XII của Đảng đã đề ra, có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển bền vững của đất nước, tác động mạnh mẽ, sâu rộng đến cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đặc biệt, tại Hội nghị lần thứ 7, Trung ương thông qua Nghị quyết “Về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”; Hội nghị Trung ương 8 ban hành Quy định “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”; Hội nghị Trung ương 9 quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhiệm kỳ 2021- 2026; lần đầu tiên Trung ương tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

1

 

2.Quốc hội và Chính phủ đổi mới mạnh mẽ phương thức hoạt động, quyết nghị và chỉ đạo thắng lợi nhiều vấn đề quan trọng của đất nước

Với phương châm xây dựng một Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động và phục vụ nhân dân, trong năm qua, Thủ tướng và các Phó Thủ tướng, các thành viên Chính phủ đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện thể chế, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, cải cách thủ tục hành chính, thu hút đầu tư trong và ngoài nước, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, vừa chăm lo cải thiện đời sống nhân dân.

Lần đầu tiên Quốc hội yêu cầu Chính phủ báo cáo kết quả 3 năm triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, về tài chính quốc gia, đầu tư công trung hạn. Trước đây, Quốc hội chỉ thực hiện đánh giá việc thực hiện các Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội theo giai đoạn 5 năm (5 năm mới đánh giá 1 lần). Hoạt động giám sát thông qua chất vấn và trả lời chất vấn bằng cách “hỏi nhanh, đáp gọn”; các phiên họp Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực sự dân chủ, minh bạch, hiệu quả; thực hiện lấy phiếu tín nhiệm với các chức danh được Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.

2

 

3. Thực hiện thành công mục tiêu “kép”: vừa giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, GDP cả năm đạt trên 7%

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, năm 2018, nước ta thực hiện đạt và vượt 12 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội. GDP đạt 7,08%, là mức cao nhất trong gần một thập kỷ qua. Nhiều kỷ lục khác cũng được xác lập, như về dự trữ ngoại hối, xuất khẩu, xuất siêu… Đáng lưu ý, dù tăng trưởng cao, Việt Nam vẫn duy trì được ổn định kinh tế vĩ mô với việc giữ được mục tiêu về chỉ số giá tiêu dùng (CPI), thâm hụt ngân sách giảm, thị trường chứng khoán ổn định.

3 3

 

4.Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch nước

Với số phiếu tán thành gần như tuyệt đối, tại Kỳ họp thứ 6, các đại biểu Quốc hội khóa XIV đã bầu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giữ chức Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đây là sự kiện chính trị quan trọng, đáp ứng mong muốn, nguyện vọng của cử tri và nhân dân cả nước. Trong hoàn cảnh hiện nay, với điều kiện khách quan và đòi hỏi thực tiễn, việc Tổng Bí thư giữ chức Chủ tịch nước sẽ tạo thuận lợi cho công tác lãnh đạo đối nội và đối ngoại, có lợi cho đất nước, góp phần củng cố, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

4 3

 

5.Quốc hội phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), nước ta tiếp tục hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng

Ngày 12/11/2018, Quốc hội thông qua Nghị quyết Phê chuẩn Hiệp định CPTPP cùng các văn kiện liên quan. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, CPTPP có thể giúp GDP và xuất khẩu của Việt Nam đến năm 2035 tăng tương ứng 1,32% và hơn 4%. Việc phê chuẩn CPTPP thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, trong đó hội nhập kinh tế quốc tế là trọng tâm, tham gia các khu vực thương mại tự do và các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, tiếp tục thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước theo các tiêu chuẩn quốc tế.

5 3

 

6.Việt Nam tổ chức thành công Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN năm 2018

Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN năm 2018 ( gọi tắt là WEF ASEAN 2018) với thông điệp “Cách mạng Công nghiệp 4.0 là tương lai của ASEAN” thu hút sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng quốc tế. Việt Nam đã có sáng kiến xây dựng sự kết nối về ý tưởng, về đổi mới và sáng tạo giữa ASEAN và Diễn đàn Kinh tế Thế giới. Các đại biểu tham gia Diễn đàn đánh giá cao những đề xuất của Việt Nam, trong đó có đề xuất lấy ASEAN làm trung tâm, xây dựng các quy tắc của ASEAN trong hợp tác chia sẻ dữ liệu, thành lập khuôn khổ kết nối các vườn ươm sáng tạo quốc gia với mạng lưới vườn ươm của toàn khu vực... Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế thế giới Clau-xơ Soáp (Klaus Schwab) đánh giá, WEF ASEAN 2018 là sự kiện thành công nhất trong 27 năm tổ chức Diễn đàn này. Có gần 8.000 tin bài, 7 triệu người tham gia tương tác trên mạng xã hội, 13.000 lượt bài viết và bình luận trên Facebook, và 90.000 lượt người xem trực tuyến các phiên thảo luận của Diễn đàn.

6 3

 

7. Công tác phòng, chống tham nhũng, đấu tranh chống tiêu cực được triển khai mạnh mẽ. Nhiều cán bộ cấp cao bị xử lý kỷ luật

“Không có vùng cấm”, “không ngoại lệ” và “không hạ cánh an toàn” - quyết tâm chính trị mạnh mẽ, dứt khoát, rõ ràng của Đảng, Nhà nước, đứng đầu là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng được toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ủng hộ, hưởng ứng. Nhiều cán bộ cấp cao ở các bộ, ngành, địa phương kể cả nghỉ hưu hay đương chức bị xử lý kỷ luật nghiêm khắc về Đảng, chính quyền và cả xử lý hình sự. Trong 3 năm qua, có trên 60 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý đã bị thi hành kỷ luật, trong đó có 5 Ủy viên Trung ương Đảng đương nhiệm (3 người bị đưa ra khỏi Ban Chấp hành Trung ương). Năm 2018, Đảng và Nhà nước xử lý nhiều cán bộ cấp cao, một số người là cấp tướng trong công an và quân đội.

7 3

 

71 (3) 3

 

8. Gian lận trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia 2018; một số trường học thiếu an toàn

Việc hàng loạt cán bộ trong ngành giáo dục ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình… can thiệp, sửa điểm thi trong kỳ thi trung học phổ thông quốc gia gây chấn động dư luận. Hàng trăm bài thi đã được điều chỉnh điểm với mức nâng gần tối đa cho mỗi bài thi với những cách thức rất tinh vi. Có nhiều bài thi từ 1 điểm được nâng lên 8, thậm chí 9 điểm. Cùng với gian lận thi cử thì bạo lực học đường tiếp tục là vấn đề nóng của ngành giáo dục. Trong đó phải kể đến vụ một cô giáo ở Quảng Bình bắt học sinh tát một bạn cùng lớp hơn 200 cái khiến em này phải nhập viện hay vụ việc Hiệu trưởng trường Dân tộc nội trú Thanh Sơn, Phú Thọ bị bắt do bị tố cáo xâm hại tình dục hàng chục học sinh nam của trường trong thời gian dài mà không hề bị cán bộ, giáo viên trong trường ngăn chặn. Những vụ việc đáng buồn này gióng lên hồi chuông cảnh báo về những góc khuất trong ngành giáo dục như bệnh thành tích, sự thờ ơ, vô cảm của một bộ phận cán bộ, giáo viên, phụ huynh.

8 3

 

9. Thời tiết cực đoan, thiên tai bất thường gây thiệt hại nặng nề cho nhiều ngành, địa phương, đơn vị

Thiên tai làm thiệt hại về kinh tế khoảng 20.000 tỷ đồng, làm 218 người chết và mất tích. Mưa lớn không chỉ làm ngập lụt ruộng đồng mà còn khiến nhiều tuyến phố tại các đô thị lớn nhất cả nước như Hà Nội, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh, Khánh Hòa… ngập sâu, chìm trong biển nước. Hồi đầu tháng 9/2018, mưa lũ đã khiến nhiều tỉnh ở Tây Bắc bị cô lập, sạt lở đường, giao thông ách tắc nghiêm trọng. Qua các vụ việc này cho thấy, ngoài nguyên nhân do thiên tai thì “nhân tai” cũng chiếm một phần quan trọng. Đối với các thành phố, qua đây cho thấy những bất cập rất lớn trong công tác quy hoạch đô thị, nhất là khả năng tiêu thoát nước.

9 3

 

10.Bóng đá Việt Nam tạo kỳ tích với dấu ấn Park Hang Seo và thành quả của việc làm bóng đá chuyên nghiệp, bài bản

Năm 2018 thực sự là một năm thành công rực rỡ của bóng đá Việt Nam với 3 kỳ tích ở cấp độ châu lục và khu vực: Đội tuyển Việt Nam lên ngôi Vô địch thuyết phục tại Giải vô địch bóng đá Đông Nam Á (AFF Suzuki Cup) sau 10 năm chờ đợi; đội tuyển Olympic Việt Nam đứng thứ 4 tại ASIAD 2018; đội tuyển U23 Việt Nam gây “địa chấn” với chức Á quân Giải bóng đá U23 châu Á tại Thường Châu (Trung Quốc). Thành công của bóng đá nước nhà có dấu ấn đậm nét của HLV người Hàn Quốc – ông Park Hang-seo, đã truyền cảm hứng khát vọng, tinh thần đoàn kết và lan tỏa niềm tự hào dân tộc đến hàng chục triệu người dân Việt Nam. Đây cũng là kết quả của một quá trình đầu tư, đào tạo bài bản các tuyến cầu thủ của các câu lạc bộ như Hà Nội T & T, Hoàng Anh Gia Lai, Sông Lam Nghệ An.

10 3

 

(Nguồn: agazine.vov.vn)
Bình luận
vtcnews.vn