Bất chấp hai vụ IPO gây thất vọng của ứng dụng gọi xe Uber và Lyft, 2019 vẫn là một năm ấn tượng của hoạt động IPO trên thế giới. Mức tăng giá trung bình của các cổ phiếu chào sàn tại Mỹ trong năm nay cao hơn mức tăng của chỉ số S&P 500.
Hãng dầu lửa quốc doanh Saudi Aramco của Ả-rập Xê-út cũng đặt một dấu ấn mới trong lịch sử khi trở thành công ty niêm yết đầu tiên đạt mức vốn hóa 2 nghìn tỷ USD.
Dưới đây là 10 vụ IPO lớn nhất thế giới năm 2019 được trang CNBC điểm qua, dựa trên dữ liệu từ FactSet:
1. Saudi Aramco
Ngày 5/12, đại gia dầu khí Saudi Aramco đạt giá trị vốn hóa 1.700 tỷ USD và trở thành công ty được định giá cao nhất thế giới. Vốn hóa trị trường của Aramco tăng lên 2.000 tỷ USD trong ngày thứ hai giao dịch trên sàn chứng khoán Saudi Arabia, Tadawul. Ngày 27/12 vừa qua, giá trị của công ty đạt 1.870 tỷ USD, mỗi cổ phiếu tăng gần 0,5% kể từ khi IPO.
2. Alibaba
Gã khổng lồ thương mại điện tử Trung Quốc Alibaba giữ danh hiệu IPO lớn thứ hai năm 2019 cho buổi ra mắt tại Hong Kong. Giá trị vốn hóa của tập đoàn đạt 12,9 tỷ USD trong ngày 19/11. Cổ phiếu niêm yết tại Hong Kong của Alibaba đã tăng gần 10% trong ngày giao dịch thứ hai. Tính đến ngày 27/12, Alibaba trên sàn giao dịch Hong Kong tăng 13,5%, vốn hóa công ty tăng lên 557,9 tỷ USD.
3. Uber
Vụ IPO gây tranh cãi nhất năm qua có lẽ thuộc về Uber Technologies. Vụ IPO lớn nhất trong năm của Mỹ (ngày 9/5) được định giá từ 75,5 tỷ USD đến 82,4 tỷ USD và được kỳ vọng đạt 120 tỷ USD sau khi IPO. Tuy nhiên, vào ngày đầu tiên IPO, vốn hóa của Uber chỉ vỏn vẹn 69,7 tỷ USD, cổ phiếu sụt giá 33%. Ngày 27/12 vừa qua, hãng gọi xe có giá trị vốn hóa là 51,5 tỷ USD.
4. Budweiser
Vụ IPO Budweiser của Anheuser-Busch InBev là một "bom tấn" năm 2019 khác trên sàn chứng khoán Hong Kong. Ngày 23/9, Budweiser được định giá 5 tỷ USD. Trong ngày đầu IPO, cổ phiếu của Budweiser tăng khoảng 4% với giá trị vốn hóa 9,8 tỷ USD. Đến ngày 27/12, vốn hóa thị trường của công ty đã đạt 46,7 tỷ USD.
5. Ngân hàng Tiết kiệm bưu điện Trung Quốc (Postal Savings Bank of China)
Ngân hàng Tiết kiệm Bưu điện Trung Quốc, công ty điều hành mạng lưới các chi nhánh ngân hàng bán lẻ lớn nhất quốc gia này chào sàn hồi đầu tháng 11 tại Thượng Hải. Các cổ phiếu niêm yết tại Thượng Hải của ngân hàng tăng hơn 2% kể từ khi IPO. Hiện, vốn hóa thị trường của ngân hàng đạt 104,1 tỷ USD.
6. Shenzhen Transition Holdings
Nhà sản xuất thiết bị di động Shenzhen Transsion làm dậy sóng thị trường khi giá trị vốn hóa cao gấp 42,8 lần vào ngày đầu IPO (4 tỷ USD). Ngày 27/12, công ty được định giá 5 tỷ USD.
7. Avantor
Đứng thứ 7 là vụ IPO của nhà sản xuất hóa chất Avantor ở thị trường Mỹ với giá trị vốn hóa thị trường là 2,9 tỷ USD. Hiện nay, vốn hóa thị trường Avantor đạt 10,4 tỷ USD với giá cổ phiếu tăng 30%.
8. Lyft
Lyft là công ty đứng đầu làn sóng các công ty công nghệ cao được ra mắt vào năm 2019. Vốn hóa thị trường của Lyft tăng lên 22,2 tỷ USD vào ngày đầu tiên IPO, nhưng nhanh chóng sụt giảm vào ngày tiếp theo. Đến ngày 27/12, giá trị vốn hóa công ty chỉ còn 13,6 tỷ USD, giá cổ phiếu giảm hơn 36%.
9. XP
Nhà cung cấp dịch vụ tài chính XP IPO trên sàn Nasdaq hồi đầu tháng 12. Đây cũng là vụ IPO lớn nhất năm của một công ty Brazil. Nền tảng fintech này tăng giá 2,25 tỷ USD trong ngày IPO đầu tiên từ mức 14,9 tỷ USD ban đầu. Ngày 27/12, giá trị công ty tăng lên 21,2 tỷ USD, cổ phiếu tăng gần 12%.
10. TeamViewer
Một trong những vụ IPO lớn nhất của châu Âu năm 2019 là công ty phần mềm TeamViewer của Đức với 2,2 tỷ EUR (2,453 tỷ USD) trong ngày đầu tiên IPO. Hiện nay, vốn hóa thị trường của công ty ở mức 7,4 tỷ USD.
Bình luận