Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Thanh Nga, Trung tâm tư vấn tâm lý tuổi vị thanh thiếu niên chia sẻ bí kíp giúp trẻ thông minh, đồng thời rèn thói quen sống lành mạnh hơn mỗi ngày.
Thường xuyên nghe nhạc
Nghe nhạc là cách nhanh nhất để trau dồi nhận thức và trí thông minh cho trẻ ngay từ khi còn trong bụng mẹ. Từng có rất nhiều kết quả thí nghiệm về những ảnh hưởng của âm nhạc Mozart đến con người. Kết quả cho thấy nhạc Mozart khiến hai bán cầu não của con người hoạt động cùng lúc khi nghe nhạc.
Nhiều thí nghiệm khác chỉ ra âm nhạc giúp tăng khả năng sáng tạo, đồng thời giúp trẻ rèn luyện kỹ năng tập trung và cải thiện kết quả học tập. Ngoài ra, học nhạc cụ cũng giúp trẻ rèn luyện khả năng tự kiểm soát, phản xạ và ghi nhớ thông tin.
Hấp thu đầy đủ dinh dưỡng
Trước 3 tuổi là giai đoạn vàng để trẻ phát triển trí não. Vì thế, trẻ cần ăn uống thường xuyên, đủ chất. Những món ăn chứa glucose, sắt, vitamin A, B, kẽm và axit folic có ích cho trí não trẻ nhỏ. Nếu được ăn uống đầy đủ, quan trọng nhất là bữa sáng, các em sẽ có thêm năng lượng học tập, khả năng ghi nhớ và tập trung cũng được cải thiện.
Nuôi dưỡng tính tò mò
Phụ huynh có thể kích thích tính tò mò, sự sáng tạo và khuyến khích trẻ khám phá những ý tưởng mới. Hãy thường xuyên trò chuyện và đặt câu hỏi cho trẻ bắt đầu bằng vế câu "đố con biết tại sao", "con có nghĩ rằng" hoặc khích lệ trẻ bằng câu nói "con có thể thử", "hãy làm đi". Qua đó sẽ giúp trẻ có thêm những kỹ năng mới, đồng thời hướng dẫn trẻ đi ra ngoài và mở mang tầm mắt thay vì ngồi nhà xem tivi mỗi ngày.
Nuôi con bằng sữa mẹ
Các nhà nghiên cứu chỉ ra nhiều lợi ích khi nuôi con bằng sữa mẹ, không chỉ ngăn chặn các bệnh nguy hiểm mà cũng cung cấp đầy đủ dưỡng chất cần thiết cho phát triển sức khoẻ và não bộ của trẻ.
Những em bé sơ sinh được nuôi bằng sữa mẹ sẽ khỏe và thông minh hơn. Trẻ sơ sinh được bú mẹ trong chín tháng, lớn lên sẽ thông minh hơn những đứa bé chỉ được bú mẹ trong khoảng một tháng trở xuống.
Chơi các trò chơi tư duy, logic
Chơi game giúp cải thiện nhiều kỹ năng và nâng cao trí tuệ cho trẻ. Đặc biệt, các trò chơi cải thiện khả năng suy luận, phán đoán và phản xạ. Ngoài ra, chơi game cũng giúp trẻ nâng cao kỹ năng phối hợp tay-mắt và học cách đưa ra quyết định.
Thường xuyên vận động
Một khảo sát của Thụy Điển với một triệu thanh niên 18 tuổi cho thấy sức khỏe liên quan chặt chẽ với chỉ số IQ của con người. Ngoài ra, nghiên cứu chỉ ra, nếu trẻ em từ 9 đến 10 tuổi tập thể dục 20 phút trước khi làm bài kiểm tra thì kết quả sẽ được cải thiện đáng kể.
Thói quen đọc sách
Đọc sách giúp trẻ phát triển khả năng viết và diễn đạt tốt hơn. Ngoài ra, kiến thức sách vở giúp trẻ có cái nhìn mới mẻ về thế giới và tiếp nhận những kiến thức mới. Trong quá trình đọc sách, não bộ trẻ sẽ tích hợp, xử lý thông tin theo cách riêng. Quá trình này giúp trẻ rèn luyện khả năng tư duy và nâng cao trí nhớ.
Ngủ sớm và ngủ đủ giấc
Những đứa trẻ ngủ sớm, ngủ đủ giấc có khả năng ngôn ngữ, toán học tốt hơn. Đồng thời, theo một số nghiên cứu trên thế giới cho thấy, những trẻ ngủ sớm có ít nguy cơ mắc chứng rối loạn giảm chú ý hơn trẻ ngủ muộn. Các nhà tâm lý khuyên trẻ ở độ tuổi mẫu giáo cần ngủ 11 tiếng mỗi ngày, trẻ dưới 12 tuổi ngủ đủ 10 tiếng.
Không khen trẻ thông minh
Các bậc phụ huynh hãy khen ngợi sự cố gắng của trẻ nhưng đừng bao giờ khen con thông minh. Những trẻ được đánh giá cao về trí thông minh thường có xu hướng tự tin thái quá, và những sai lầm hay thất bại sẽ làm trẻ bị tổn thương.
Khi trẻ được đánh giá cao về sự nỗ lực thường cố gắng phấn đấu học tập hơn, không sợ thách thức và sẽ đứng dậy đi tiếp khi thất bại.
Học ngoại ngữ
Việc sử dụng hai ngôn ngữ trở lên giúp não bộ con người liên tục hoạt động và sẵn sàng "ứng phó" với những tình huống bất ngờ. Đối với trẻ nhỏ, học ngoại ngữ và sử dụng song song tiếng mẹ đẻ giúp trẻ nâng cao khả năng tập trung và xử lý thông tin.
Ngoài ra, người biết sử dụng hai ngôn ngữ trở lên ít có nguy cơ mắc bệnh Alzheimer hơn người sử dụng một ngôn ngữ.
Bình luận