Đồng thời, Đoàn công tác cũng tiến hành khảo sát hoạt động của Điện lực Thành phố Thái Bình khi sáp nhập. Tham gia Đoàn công tác có ông Hồ Mạnh Tuấn - Thành viên Hội đồng thành viên Tổng công ty và đại diện lãnh đạo các Ban chuyên môn của Tổng công ty.
Theo báo cáo, từ đầu năm 2019 đến nay, Công ty Điện lực Thái Bình đã thực hiện được một số chỉ tiêu quan trọng như: Tổng sản lượng điện thương phẩm là 2.342,39 triệu kWh, đạt 81,05% so với kế hoạch giao, tăng 10,27% so với cùng kỳ 2018; Giá bán điện bình quân là 1.743,51 đồng/kWh tăng 18,41 đồng/kWh so với kế hoạch năm 2019; Chỉ số tiếp cận điện năng là 5,38, thấp hơn 0,13 ngày so với cùng kỳ năm 2018 và thấp hơn kế hoạch giao 0,62 ngày; Các chỉ tiêu dịch vụ khách hàng đề thực hiện tốt so với cùng kỳ năm 2018; Thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt chiếm tỉ lệ 34,03%, thấp hơn kế hoạch giao 10,02%.…
Về công tác đầu tư xây dựng (ĐTXD), sửa chữa lớn (SCL), sửa chữa thường xuyên (SCTX), trong 10 tháng đầu năm 2019 các công trình ĐTXD, SCL, SCTX đã được Công ty tập trung đẩy nhanh triển khai để khai thác kịp thời, phát huy hiệu quả kinh tế, giảm bán kính cấp điện góp phần đáng kể vào công tác giảm tổn thất điện năng, cụ thể: Thực hiện đúng tiến độ 28 dự án theo kế hoạch của Tổng công ty giao và đang triển khai thực hiện 07 dự án bổ sung (dự kiến hoàn thành trước 31/12/2019); Đối với dự án JICA, Công ty mới thực hiện được 50% khối lượng công việc theo Hợp đồng, cần phải đẩy nhanh tiến độ; Đối với công tác cập nhật phần mềm QLĐT, Công ty đã cập nhật đầy đủ trên hệ thống phần mềm QLĐTXD theo quy định của Tổng công ty; Công ty đã thực hiện công tác lựa chọn nhà thầu với 54 gói thầu từ nguồn vốn ĐTXD với tổng giá trúng thầu tiết kiệm 4,98% so với tổng giá gói thầu và đã hoàn thành 5/7 chỉ tiêu được giao năm 2019; Công ty đã thực hiện công tác lựa chọn nhà thầu với 70 gói thầu từ nguồn vốn ĐTXD với tổng giá trúng thầu tiết kiệm 5,1% so với tổng giá gói thầu và đã hoàn thành 6/7 chỉ tiêu được giao năm 2019.
Về công tác tổ chức và lao động tiền lương, Công ty Điện lực Thái Bình đã thực hiện theo đúng quy định, quy chế về công tác tổ chức, công tác cán bộ và công tác tuyển dụng của Tập đoàn Điện lực và của Tổng công ty. Chính vì vậy, năng suất lao động theo khách hàng đã đạt 98,74% kế hoạch năm 2019. Trong công tác tiền lương, Công ty đã thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách có liên quan trực tiếp đến công nhân, viên chức và người lao động. Bên cạnh đó, Công ty đã luôn luôn chú trọng công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực theo đúng quy định của Tập đoàn.
Về việc sử dụng các phần mềm dùng chung, Công ty đã thực hiện đầy đủ theo chỉ đạo của Tổng công ty đối với công tác khai thác, quản lý vận hành hệ thống phần mềm dùng chung và hệ thống hạ tầng Viễn thông và Công nghệ thông tin.
Bên cạnh đó, Công ty Điện lực Thái Bình đã đề xuất một số giải pháp tăng năng suất lao động, giải pháp phát triển nguồn nhân lực, giải pháp tiết kiệm điện và sử dụng điện hiệu quả, giải pháp hoàn thiện, đổi mới tổ chức quản lý để hoàn thành kế hoạch các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh năm 2019, 2020 và 5 năm giai đoạn 2016-2020.
Sau khi nghe báo cáo của Công ty Điện lực Thái Bình, ông Hồ Mạnh Tuấn – Thành viên Hội đồng thành viên đã đánh giá cao về tính trung thực nội dung của báo cáo. Báo cáo đã thể hiện được những tồn tại và đề xuất phương án khắc phục chi tiết cho từng hạng mục.
Ông đồng tình với việc phân tích 4 yếu tố bất lợi ảnh hưởng đến việc làm giảm tổn thất điện năng. Thứ nhất, việc đầu tư xây dựng, sửa chữa các công trình trên lưới 110kV khá chậm. Thứ hai, đường dây trung áp của Công ty Điện lực Thái Bình có nhiều cấp điện áp và các điểm liên kết không tốt. Thứ ba, trong ba năm gần đây, Công ty Điện lực Thái Bình tiếp nhận hệ thống cấp điện hạ áp của 74 xa nông thôn. Thứ tư, việc truyền tải và đo đếm trên lưới 110kV chưa hợp lý. Ông Tuấn đề nghị Công ty Điện lực Thái Bình cần giải quyết, quyết liệt bài toán giảm tổn thất điện năng.
Đối với độ tin cậy trong vận hành lưới điện, Công ty Điện lực Thái Bình cần phải tổng hợp những số liệu chính xác và trung thực hơn, khi phát hiện ra các thông tin bất lợi cần phải báo cáo và có phương án xử lý kịp thời. Ông Hồ Tuấn cho biết từ năm 2020 nếu phát hiện ra những con số không tin cậy thiếu trung thực thì Tổng công ty sẽ có chế tài mạnh, ông đề nghị ban kỹ thuật phải quan tâm, xem kỹ, giám sát chặt chẽ. Đối với năm 2019, ông đề nghị công ty cần chú trọng hơn trong việc đánh giá mức độ hài lòng của khách hàng và các hoạt động sản xuất kinh doanh trong tháng tri ân khách hàng.
Ông Tuấn cũng chia sẻ thêm, đến năm 2020 ngành điện gặp nhiều khó khăn trong việc đảm bảo cung cấp nguồn điện và cả trong cơ cấu tài chính. Tổng công ty sẽ cùng với Tập đoàn đối mặt với những thách thức lớn. Chính vì vậy, các Công ty cần phải chủ động lên phương án với các tình huống cực đoan, có phương án đối mặt với bức xúc của dư luận, kiến nghị khách hàng... Tiếp theo, đại diện các Ban chuyên môn của Tổng công ty có ý kiến thảo luận, đánh giá về các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh đã đạt được và chưa đạt được của Công ty Điện lực Thái Bình.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng – Giám đốc Điện lực Thành phố Thái Bình cho biết Điện lực Thành phố sau sáp nhập đã triển khai hoạt động theo mô hình tổ chức mới kể từ ngày 01/01/2019 gồm: 04 phòng, 06 đội và 02 tổ sản xuất trực thuộc Ban Giám đốc; 04 tổ sản xuất trực thuộc Phòng Kinh doanh với tổng số 176 cán bộ công nhân viên.
Tính đến ngày 30/9/2019, cơ cấu nhân sự như sau: Ban Giám đốc gồm 01 Giám đốc và 03 Phó Giám đốc (01 đồng chí phụ trách kinh doanh; 02 đồng chí phụ trách kỹ thuật tại 02 địa bàn Thành phố và huyện Vũ Thư); 04 phòng ban (Phòng Tổng hợp; Phòng Tài chính kế toán; Phòng Kế hoạch, kỹ thuật & an toàn; Phòng Kinh doanh); 06 đội sản xuất (01 đội quản lý vận hành đường dây & trạm biến áp; 05 đội Quản lý tổng hợp); 02 tổ sản xuất trực thuộc Ban Giám đốc (01 tổ trực vận hành Điện lực và 01 Tổ Kiểm tra giám sát mua bán điện).
Được sự quan tâm của Tổng công ty, PC Thái Bình, Điện lực Thành phố đã được đầu tư cải tạo lưới điện trung và hạ áp, thay thế công tơ cơ khí bằng công tơ điện tử đo xa… Khi sáp nhập, quy mô hoạt động tổ chức của Điện lực Thành phố lớn hơn, trong quá trình triển khai công việc đặc biệt là sửa chữa lưới điện, khắc phục sự cố lưới điện... dễ dàng huy động nhân lực hỗ trợ nhau hơn để thực hiện các công việc, giảm được số lao động gián tiếp khi tập trung thực hiện các công việc chuyên môn tại các phòng Điện lực. Sau khi sáp nhập, số lượng khách hàng của Điện lực Thành phố được tăng lên.
Những khách hàng này chủ yếu là thành phần sinh hoạt nông thôn của huyện Vũ Thư nên giá bán bình quân được tăng lên. Tuy nhiên, khi thực hiện việc sát nhập còn tồn tại nhiều khó khăn như: Cơ sở tại trụ sở chính làm việc nhỏ, chật chội trong khi số lao động của các phòng, các tổ được tăng cường lên; Lưới điện hạ áp ở khu vực Vũ Thư đã cũ, việc cải tạo sửa chữa lưới điện chưa được đầu tư nhiều, gây khó khăn cho công tác quản lý và kinh doanh bán điện; Địa bàn quản lý rộng nên bán kính đi lại đến trụ sở chính để làm việc xa, không thuận tiện trong việc bàn giao trực tiếp hiện trường khi tiến hành công việc; Khối lượng quản lý, xử lý sự cố vẫn tổ chức hoạt động ở hai khu vực nhưng khi tính định biên thì chỉ được tính một nơi nên thiệt thòi trong công tác quản lý và chế độ tiền lương; Lưới điện rộng mà duy trì một tổ vận hành cũng là bất cập cho việc điều hành, xử lý sự cố, theo dõi công việc trên hiện trường công tác, tiếp nhận các thông tin chăm sóc khách hàng… nhất là khi trời mưa giông, nắng nóng (nếu bố trí 01 người trực thì ko nhận hết các cuộc gọi chăm sóc khách hàng với hơn 152.526 khách hàng sử dụng điện); Số lao động nữ nhiều (70 lao động) chiếm 39,78%, trong khi đó việc thu tiền đại đa số thu qua các ngân hàng và các tổ chức trung gian khác nên việc sắp xếp lao động nữ làm việc theo quy định còn gặp nhiều khó khăn ảnh hưởng đến kết quả thực hiện nhiệm vụ SXKD của đơn vị
Tại buổi làm việc, Phó Tổng giám đốc Lê Văn trang đã ghi nhận những nỗ lực của các cán bộ công nhân viên của Công ty Điện lực Thái Bình trong lao động sản xuất để hoàn thành nhiệm vụ của Tổng công ty giao. Bên cạnh đó, Phó Tổng giám đốc cũng yêu cầu lãnh đạo Điện lực Thành phố Thái Bình báo cáo những mặt thuận lợi và khó khăn khi thực hiện công tác sáp nhập điện lực và vấn đề sử dụng lao động trong đơn vị. Phó Tổng giám đốc ghi nhận các ý kiến đề xuất của Điện lực Thành phố Thái Bình.
Kết thúc buổi làm việc, Phó Tổng Giám đốc Lê Văn Trang đại diện đoàn kiểm tra đã nhất trí, ủng hộ đối với đề xuất của Công ty Điện lực Thái Bình. Đồng thời, Phó Tổng Giám đốc đã giao nhiệm vụ cho các ban chuyên môn của Tổng công ty nghiên cứu, phối hợp đề xuất sớm giải pháp khắc phục các vấn đề vướng mắc mà đơn vị gặp phải, lập biên bản tổng hợp ý kiến hai bên đã trao đổi báo cáo Tổng giám đốc và Hội đồng thành viên Tổng công ty.
Bình luận