Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội công bố 10 sự kiện tiêu biểu của Thủ đô năm 2020 sau khi lấy ý kiến bình chọn của các sở, ngành, cơ quan của thành phố.
1. Tổ chức thành công Đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2020 - 2025
Là Đảng bộ lớn nhất cả nước, địa bàn bị tác động lớn của đại dịch COVID-19, nhưng với tinh thần đoàn kết và quyết tâm chính trị rất cao, Thành ủy Hà Nội thực hiện nghiêm túc, gương mẫu, bài bản Chỉ thị số 35-CT/TW của Trung ương, vận dụng sáng tạo vào thực tiễn Thành phố, lãnh đạo tổ chức thành công đại hội 17.118 chi bộ, 2.310 tổ chức cơ sở Đảng và 50 đảng bộ cấp trên cơ sở, tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ Thành phố thành công thực chất và trọn vẹn, tạo nhiều dấu ấn tốt đẹp.
2. Thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép”: Vừa phòng, chống đại dịch COVID-19 vừa phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội
Là địa bàn trọng điểm, có số lượng người tiếp nhận, sàng lọc, cách ly và điều trị rất lớn, nguy cơ lây nhiễm cao, Thành phố kịp thời chỉ đạo, thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Thành phố chủ động đánh giá tác động của dịch bệnh tới các ngành kinh tế; đẩy mạnh các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô. Kinh tế Thủ đô đã phục hồi mạnh trong Quý IV với mức tăng trưởng GRDP 5,77%. GRDP cả năm 2020 tăng 3,98%.
3. Tổ chức thành công nhiều hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn của Thủ đô và đất nước
Năm 2020, Hà Nội đã tổ chức và phối hợp tổ chức thành công, có sức lan tỏa nhiều hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn của Thủ đô và đất nước như: Kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng bộ thành phố Hà Nội; 90 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam - Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; 75 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh nước Cộng hòa XHCN Việt Nam; 1010 năm Thăng Long - Hà Nội; kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh; Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc…
4. Quốc hội thông qua Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội; Thành phố triển khai thực hiện Nghị quyết thí điểm mô hình chính quyền đô thị
Ngày 19/6/2020, Quốc hội thông qua Nghị quyết số 115/2020/QH14 về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội.
Nghị quyết có ý nghĩa quan trọng, góp phần giúp Thành phố huy động được thêm nguồn lực tài chính để phát triển kinh tế xã hội của Thành phố trong giai đoạn 5 năm tới; tạo cơ chế hỗ trợ, hợp tác hiệu quả giữa các quận và huyện trên địa bàn Thành phố.
5. Tổ chức thành công Hội nghị “Hà Nội 2020 - Hợp tác đầu tư và phát triển” trong bối cảnh đặc biệt
Đây là Hôi nghị đầu tiên và lớn nhất trong nước, khu vực trong năm 2020 với hơn 2.500 đại biểu, doanh nghiệp trong nước và quốc tế.
Tại Hội nghị, Thành phố trao quyết định chủ trương đầu tư cho 229 dự án, với tổng số vốn 405.570 tỷ đồng (tương đương 17,6 tỷ USD).
6. Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới được tập trung chỉ đạo quyết liệt, sâu sát, đạt kết quả toàn diện, nổi bật
Hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới trước 2 năm, 7 huyện, thị xã và 367/382 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (bằng 96,3%); 23 xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Sản xuất nông nghiệp của Hà Nội tăng trưởng 4,2% - mức tăng cao nhất trong 9 năm trở lại đây.
7. Nhiều công trình giao thông lớn hoàn thành và đưa vào sử dụng; giải quyết dứt điểm vi phạm trật tự xây dựng tại 8B Lê Trực và tạo chuyển biến cơ bản nhiều vấn đề dân sinh bức xúc
Nhiều công trình thuộc hệ thống hạ tầng giao thông quan trọng của Thành phố (Dự án xây dựng đường Vành đai 2, đoạn Ngã Tư Vọng - Ngã Tư Sở; Dự án đường Vành đai 3 đi thấp bằng cầu qua hồ Linh Đàm; Dự án cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long, cầu vượt nút giao Hoàng Quốc Việt - Nguyễn Văn Huyên…) hoàn thành, đưa vào khai thác, sử dụng, phát huy hiệu quả, cải thiện bộ mặt đô thị. Hoàn thành trồng mới bổ sung 600.000 cây xanh.
Thành phố cũng đưa Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông vào hoạt động; hoàn thành xử lý vi phạm trật tự xây dựng tại 8B Lê Trực; tạo chuyển biến căn bản trong quản lý, thu gom, vận chuyển rác thải tại Khu liên hiệp xử lý chất thải rắn Nam Sơn.
8. Giáo dục và đào tạo Thủ đô tiếp tục khẳng định vị trí dẫn đầu về chất lượng
Ngành Giáo dục Hà Nội chủ động ứng phó với diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh COVID-19, đảm bảo an toàn cho hơn 2 triệu học sinh các cấp học trên toàn Thành phố.
Với tinh thần “Tạm dừng đến trường, không dừng việc học”, Hà Nội kịp thời tổ chức các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành giáo dục, là địa phương đầu tiên trong cả nước triển khai dạy học trên truyền hình và các phương pháp giáo dục từ xa để đảm bảo tốt nhất chương trình học, nhất là lớp cuối cấp.
9. Tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước” được phát huy mạnh mẽ
Năm 2020, ngay sau khi đợt dịch COVID đầu tiên được khống chế, Thành phố liên tục tổ chức các sự kiện liên kết phát triển kinh tế, du lịch, tổ chức các Tuần văn hóa với các địa phương trong cả nước để góp phần thúc đẩy liên kết vùng, hợp tác phát triển giữa các địa phương trong cả nước.
Ủy ban MTTQ Thành phố nhận được sự đăng ký, ủng hộ của các tổ chức, cá nhân cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 là 243,076 tỷ đồng; ủng hộ khắc phục hậu quả lũ lụt với tổng số tiền và hàng hóa trị giá trên 124,8 tỷ đồng; huy động Quỹ Vì biển đảo được 44 tỷ đồng...
10. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm
Tiếp tục đảm bảo quốc phòng thường xuyên, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc. Bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn các mục tiêu, địa bàn trọng điểm, gần 2.000 sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội, hội nghị quốc tế, hoạt động lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và các đoàn khách quốc tế diễn ra trên địa bàn. Đặc biệt, bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVII, Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37…
Bình luận