Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Trương Đình Bắc cho biết: Khí hậu mùa Đông - Xuân thuận lợi cho các dịch bệnh truyền nhiễm phát sinh và phát triển, đặc biệt là các bệnh lây qua đường hô hấp, đường tiêu hóa như: cúm mùa, cúm gia cầm, bệnh tiêu chảy cấp, bệnh tay chân miệng...
"Đặc biệt, mùa Xuân cũng là mùa Lễ hội nên việc mổ lợn diễn ra nhiều hơn. Hiện nay, nhiều nơi vẫn giữ thói quen ăn tiết canh lợn và làm món nem chạo làm từ thịt lợn sống. Điều này rất nguy hiểm nếu nhiễm liên cầu khuẩn lợn”, ông Bắc nói.Bệnh nhân bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn.
Thông tin trên được chia sẻ tại chương trình gặp gỡ báo chí truyền thông phòng chống dịch bệnh mùa Đông Xuân diễn ra ngày 1/12.
Theo Cục Y tế dự phòng: Từ đầu năm đến tháng 11/2015, cả nước ghi nhận 82 trường hợp mắc mới, 10 trường hợp tử vong do liên cầu khuẩn lợn. Và cách đây 1 tuần, đã có 2 người phải nhập viện vì nhiễm liên cầu khuẩn lợn.
Tác nhân gây bệnh liên cầu lợn là một loại liên cầu khuẩn có tên là Streptococcus suis (S.suis). Vi khuẩn này thường cư trú ở đường hô hấp trên đặc biệt là xoang mũi, tai, hầu họng lợn. Tuy nhiên, vi khuẩn cũng có thể có trong đường tiêu hóa và đường sinh dục của lợn.
Clip: Những hình ảnh rợn người từ quán tiết canh đến bệnh viện
Đó là lý do tại sao, có những gia đình tự nuôi lợn, thấy lợn rất khỏe mạnh nhưng khi ăn tiết canh vẫn mắc liên cầu khuẩn và tử vong.
Khi phát bệnh trên người, vi khuẩn liên cầu này thường gây bệnh viêm màng não mủ hoặc nhiễm trùng huyết. Với bệnh cảnh viêm màng não thường sốt cao, đau đầu, buồn nôn, nôn, ù tai, điếc, cứng gáy, rối loạn tri giác… xuất huyết đa dạng ở một số nơi trên cơ thể.
Một số trường hợp xuất hiện các triệu chứng nhiễm khuẩn, nhiễm độc tiêu hoá với triệu chứng sốt, đi cầu nhiều lần, phân lỏng, cơ thể lạnh, run... trước khi có biểu hiệu của viêm màng não.
Với trường hợp bị nhiễm trùng huyết, bệnh nhân sốt cao liên tục, phát ban hoại tử từ màu hồng cánh sen, chuyển sang đỏ tím, lan ra toàn thân rồi hoại tử đen.
Nếu nặng, bệnh nhân có thể bị sốc nhiễm độc, trụy mạch, cơ thể lạnh, tụt huyết áp, nhiễm khuẩn huyết cấp tính, rối loạn đông máu nặng, suy hô hấp, suy đa phủ tạng... hôn mê và tử vong. Bệnh nhân bị suy đa phủ tạng thì khả năng tử vong chiếm tỷ lệ 45%- 50%.
Nam Anh
Bình luận