1. Lễ hội chùa Hương
Hội chùa Hương diễn ra trên địa bàn xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Ngày mùng sáu tháng Giêng khai hội. Lễ hội thường kéo dài đến tháng 3 Âm lịch.
Trước khi vào chùa, du khách phải nghỉ lại ở các làng quanh bến Đục, bến Yến. Vì thế, đi hội chùa Hương, du khách dễ có dịp hòa mình vào không khí của hội làng truyền thống.
2. Lễ hội khai ấn đền Trần
Lễ khai ấn đền Trần diễn ra đêm 14 và ngày 15 tháng Giêng, tại đền Trần phường Lộc Vương, TP.Nam Định.
Du khách tham gia lễ hội đền Trần chủ yếu cầu thăng quan, thành đạt trong công việc bằng hình thức xin hoặc mua ấn.
Bên cạnh đó, lễ hội có các hoạt động văn hoá phong phú và độc đáo như đấu vật, múa rồng, chọi gà, ném vòng cổ chai, chơi đu, chơi cờ thẻ...
3. Lễ hội chợ Viềng
Hội chợ Viềng họp cả ngày vào mùng 8 tháng Giêng Âm lịch. Sản phẩm được đem ra mua bán ở đây chủ yếu là các cây trồng, vật nuôi, từ cây trồng để lấy gỗ, cây hoa cây cảnh, các loại cây ăn quả..., và cả các vật dụng sản xuất nhỏ của nhà nông.
4. Lễ hội bà Chúa Kho
Hội bà Chúa Kho (làng Cổ Mễ, phường Vũ Ninh, TP.Bắc Ninh) khai hội vào ngày 14 tháng Giêng. Đa số người làm ăn đến hành lễ “vay vốn” đền bà Chúa Kho với mong muốn cầu cho công việc trong năm mới được suôn sẻ, phát đạt.
5. Lễ hội Yên Tử
Lễ hội Yên Tử được tổ chức từ ngày mùng 10 tháng Giêng Âm lịch và kéo dài trong 3 tháng mùa xuân tại vùng núi Yên Tử (xã Thượng Yên Công, TP.Uông Bí, Quảng Ninh).
Trong dịp lễ hội, rất nhiều người hành hương tìm đến cõi Phật để thể hiện đức tin, cầu lộc, cầu tài và du xuân, vãn cảnh, thưởng ngoạn không khí thanh bình.
6. Lễ hội chùa Bái Đính
Lễ hội chùa Bái Đính diễn ra từ ngày mùng 6 tháng Giêng đến hết tháng 3 Âm lịch. Lễ hội có các hoạt động mang tính chất văn hóa tâm linh như rước kiệu, viết thư pháp...
Bên cạnh đó còn có những hoạt động liên quan đến tâm linh tín ngưỡng như tổ chức lễ cầu nguyện quốc thái dân an, thả chim phóng sinh, biểu diễn trống hội, hát chèo...
7. Lễ hội đền Hùng
Lễ hội đền Hùng sẽ được tổ chức từ ngày 5-10/3 Âm lịch tại khu di tích lịch sử đền Hùng, TP.Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.
Phần lễ trong ngày hội chính gồm 2 phần là lễ rước kiệu vua và lễ dâng hương. Phần hội có nhiều trò chơi dân gian đặc sắc. Đó là những cuộc thi hát xoan (tức hát ghẹo), thi đấu vật, thi kéo co, thi bơi...
8. Lễ hội núi Bà Đen
Lễ hội núi Bà Đen (Tây Ninh) khai mạc vào mùng 4 tháng Giêng. Đây là một trong những lễ hội mùa xuân lớn nhất phương Nam.
Bên cạnh các hoạt động tín ngưỡng, khách còn có thể tham gia theo dõi các chương trình chiếu phim, biểu diễn nghệ thuật, thi đấu thể dục thể thao, các trò chơi dân gian mang đậm bản sắc văn hóa…
9. Lễ hội Bà Chúa Xứ
Lễ hội Bà Chúa Xứ (còn gọi là lễ Vía Bà) được tổ chức từ đêm 23-27/4 Âm lịch, tại Miếu Bà Chúa Xứ (phường Núi Sam, Châu Đốc, tỉnh An Giang).
Đây là một trong những lễ hội lớn nhất miền Tây Nam Bộ, là dịp để tỏ lòng thành kính Bà Chúa Xứ, vị thần được suy tôn là Bà mẹ của xứ sở Châu Đốc.
10. Lễ hội chùa Bà Thiên Hậu
Lễ hội chùa Bà Thiên Hậu (Bình Dương) là một lễ hội dân gian mang những nét văn hoá độc đáo riêng của vùng Ðông Nam Bộ. Lễ hội chùa được tổ chức từ 13-15/1 Âm lịch. Hoạt động độc đáo của lễ hội là màn rước kiệu Bà đi khắp các đường phố cùng đội múa lân, sư tử, rồng, cờ ngợp trời.
Video: Hàng nghìn người rẽ sóng nhường đường cho xe cứu thương trong lễ hội
Bình luận