Vào năm 1944, Hồng quân Liên Xô thực hiện 10 chiến dịch tiến công chiến lược quy mô lớn, qua đó giải phóng gần như toàn bộ lãnh thổ Liên Xô và tiêu diệt hơn 130 sư đoàn quân địch. Các chiến dịch này cũng khiến Bulgaria, Romania, và Phần Lan đổi phe và tham gia liên minh chống phát xít, còn Đức Quốc xã đứng bên bờ diệt vong.
Đặc điểm nổi bật của các chiến dịch này là tốc độ tiến quân nhanh của Hồng quân, sự phối hợp hiệu quả giữa các quân chủng, yếu tố bất ngờ ở cấp chiến thuật và chiến dịch, cũng như mức độ hiệu quả của oanh tạc cấp tập dọn đường bằng không quân và pháo binh.
Tại Moscow vào ngày 4/11/1944, trong một diễn văn nhan đề "Kỷ niệm 27 năm Cách mạng XHCN tháng Mười vĩ đại", lãnh tụ Joseph Stalin lần đầu tiên liệt kê các chiến dịch này, gọi đó là các "đòn đánh".
Đòn số 1: Cuộc tấn công Leningrad-Novgorod (tháng 1-3/1944)
Các lực lượng Xô viết đột phá qua hệ thống phòng thủ được chuẩn bị chắc chắn của Đức ở gần Leningrad và đẩy quân thù lùi sâu 200-280km về phía tây, nhờ đó dỡ bỏ được hoàn toàn sự bao vây đối với thành phố quan trọng thứ 2 của Liên Xô. Các tập đoàn quân 16 và 18 của Cụm tập đoàn quân phương Bắc của Đức hứng chịu một thất bại nặng nề và buộc phải rút lui về tuyến phòng ngự Panther ở biên giới nước cộng hòa Xô viết Estonia.
Đòn số 2: Cuộc tấn công Dnieper–Carpathian (tháng 12/1943 - tháng 4/1944)
Trận chiến giành giật vùng Ukraine hữu ngạn (nằm về bên phải sông Dnieper) là một trong những trận chiến lớn nhất của Thế chiến II, với sự tham gia của tổng cộng 4 triệu quân. Trong một thời gian đáng kể, cuộc tiến công của Hồng quân diễn ra trong điều kiện khó khăn do thời tiết xấu kéo dài và tình trạng lầy lội do tuyết tan vào mùa xuân. Bất chấp các khó khăn đó, Hồng quân vẫn thành công trong việc giải phóng một phần đáng kể lãnh thổ của Ukraine và 1/3 lãnh thổ Moldova, cũng như tiến được tới biên giới quốc gia với Romania. Tư lệnh Cụm tập đoàn quân phương Nam của Đức - Thống chế Erich von Manstein, bị cách chức do thất bại này.
Đòn số 3: Các cuộc tiến công Odessa và Crimea (tháng 3-5/1944)
Vào năm 1941 quân đội Đức mất tới 250 ngày để chiếm được Sevastopol - căn cứ hải quân chính thuộc Hạm đội Biển Đen của Liên Xô. Nhưng vào năm 1944, Hồng quân chỉ mất 3 ngày để tái chiếm căn cứ này. Việc giải phóng miền nam Ukraine và Crimea giúp bảo vệ sườn quân Liên Xô tiến về Romania và giúp tàu chiến của họ quay trở lại căn cứ trên bán đảo Crimea. Một thời gian ngắn sau đó, Liên Xô kiểm soát hoàn toàn khu vực Biển Đen.
Đòn số 4: Cuộc tiến công Vyborg-Petrozavodsk (tháng 6-8/1944)
Mục tiêu chính của cuộc tiến công quy mô lớn ở Karelia vào tháng 6/1944 là buộc Phần Lan phải ra khỏi cuộc chiến tranh. Dù đối phương đã tập trung hơn 70% lực lượng của mình ở eo đất Karelia, Hồng quân vẫn xoay sở được để đột phá qua phòng tuyến của địch và chiếm Vyborg và Petrozavodsk. Trước nguy cơ quân Liên Xô sẽ thọc sâu vào lãnh thổ của mình, chính phủ Phần Lan bắt đầu tìm cách thương thảo hòa bình với Liên Xô.
Đòn số 5: Chiến dịch Belorussia, còn gọi là Chiến dịch Bagration (tháng 6-8/1944)
Trong chiến dịch này, Hồng quân đã cho đối phương thấy thế nào là chiến tranh chớp nhoáng kiểu Liên Xô. Hoạt động chuẩn bị cho chiến dịch được giữ bí mật tuyệt đối, tạo ra sự bất ngờ hoàn toàn cho quân Đức. Chỉ trong 2 tháng giao tranh, các lực lượng của 3 phương diện quân Liên Xô, nhờ phối hợp hiệu quả, đã tiến được 600km về phía tây, đánh bại Tập đoàn quân Trung tâm và giải phóng lãnh thổ Belorussia, miền tây Ba Lan và một số khu vực của vùng Baltic.
Đòn số 6: Cuộc tiến công Lvov-Sandomierz (tháng 7-8/1944)
Chiến dịch này khiến Cụm tập đoàn quân Bắc Ukraine hứng chịu thất bại nặng nề. 32 sư đoàn Đức mất tới 70% nhân lực và 8 sư đoàn bị xóa sổ. Hồng quân giải phóng hoàn toàn Ukraine và cắt đứt liên lạc giữa các lực lượng tập kết của Đức ở phía bắc và phía nam, buộc quân Đức phải đi vòng qua lãnh thổ Hungary và Tiệp Khắc.
Đòn số 7: Chiến dịch tiến công Jassy-Kishinev và Bucharest-Arad (tháng 8-12/1944)
Thất bại lớn của liên quân Đức-Romania tập kết ở Moldova và cuộc đột phá của Hồng quân vào lãnh thổ Romania dẫn tới một cuộc đảo chính do vua Michael I tiến hành vào ngày 23/8 và việc bắt giữ Nguyên soái Ion Antonescu cùng các thành viên trong chính phủ ông này. Romania chuyển sang phe chống phát xít. Vào cuối tháng 10/1944, quân đội Romania đã giúp Phương diện quân Ukraine số 2 của Nguyên soái Rodion Malinovsky giải phóng hầu hết toàn bộ lãnh thổ vương quốc này khỏi quân Đức và Hungary.
Đòn số 8: Cuộc tiến công Baltic (tháng 9-11/1944)
Với kết quả của Chiến dịch Bagration, quân của Cụm tập đoàn quân phương Bắc của Đức triển khai ở vùng Baltic đứng trước nguy cơ bị cắt đứt khỏi lực lượng Đức chủ lực. Dù vậy, trùm phát xít Đức Hitler vẫn hạ lệnh cho khu vực này phải chiến đấu đến cùng.
Trong quá trình giao chiến dữ dội, Hồng quân buộc phải tiến qua hệ thống phòng ngự chiều sâu của địch, đặc biệt là ở khu vực Riga và quần đảo Moonsund. Khi tới bờ biển Baltic phía nam Memel (Klaipeda) vào ngày 10/10, quân Liên Xô cắt đứt Cụm tập đoàn phương Bắc ở tây Latvia. Lực lượng Đức bị Hồng quân vây kín ở Courtland cho đến khi Đức Quốc xã đầu hàng.
Đòn số 9: Cuộc tiến công Đông Karpat và Belgrade (tháng 9-10/1944)
Khi Hồng quân mở cuộc tiến công ở dãy núi Karpat vào đầu tháng 9/1944, họ phải hành động một cách vội vã, không có sự chuẩn bị thích hợp. Lúc đó Hồng quân vội đáp ứng lời kêu gọi giúp đỡ từ phía quân khởi nghĩa ở Slovakia vào cuối tháng 8. Mặc dù quân Liên Xô không kịp mở đường tiến tới quân nổi dậy, họ vẫn thành công trong việc đánh bại Cụm tập đoàn quân Heinrici và chiếm miền đông Slovakia. Đồng thời, quân của Phương diện quân Ukraine số 3 do Nguyên soái Fyodor Tolbukhin chỉ huy, cùng với đội hình Quân giải phóng Quốc gia Nam Tư, đã đánh bật quân thù ra khỏi hầu hết lãnh thổ Nam Tư và tiến vào Belgrade vào ngày 20/10.
Đòn số 10: Cuộc tấn công Petsamo–Kirkenes (tháng 10-11/1944)
Quân Đức không có bước tiến đáng kể nào ở khu vực Bắc cực của Liên Xô trong suốt cuộc chiến tranh. Tuy nhiên, vào đầu tháng 10/1944, chúng vẫn kiểm soát được lãnh thổ Liên Xô nằm về phía tây Murmansk, từ đó bảo vệ được tuyến đường tới nơi có nhiều khoáng sản như đồng, nickel, molybden ở các khu vực phía bắc của Na Uy và Phần Lan đóng vai trò quan trọng thiết yếu đối với Đệ tam Đế chế.
Quân của Phương diện quân Karelia dưới trướng tướng Kirill Meretskov, được sự hỗ trợ của các tàu thuộc Hạm đội phương Bắc và các cuộc đổ bộ đường biển, đã giải phóng khu vực này và tiến vào lãnh thổ Na Uy vào cuối tháng 10/1944.
Bình luận