Vào tháng 1/1977, trong một buổi tối lạnh giá ở Moskva, chỉ huy tình báo CIA (Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ) chạm mặt một người đàn ông kỳ lạ tại một trạm xăng gần đại sứ quán Mỹ. Người đàn ông này chính là Adolf Tolkachev, người sau này trở thành cánh tay đắc lực của tình báo Mỹ.
Cuộc gặp gỡ “tình cờ” này đã được trùm CIA ở Nga lên kế hoạch từ rất lâu trước đó nhằm biến Tolkachev trở thành tay trong cho người Mỹ. Vậy CIA muốn có được thông tin gì từ nhân vật này?
Sau khi gia nhập CIA, Tolkachev được đặt mật danh là “Sphere”. Ông ta làm việc tại Viện nghiên cứu Fazotron ở Moskva trong lĩnh vực công nghệ gây nhiễu radar và hệ thống dẫn đường bằng laser.
Lượng thông tin mật ông ta cung cấp cho Mỹ nhiều đến mức giúp Israel chiếm thế thượng phong trước Palestine. Hiển nhiên, công trạng đi kèm với phần thưởng, mức "lương tháng" được CIA trả cho Tolkachev thậm chí còn cao hơn Tổng thống Mỹ.
Tuy nhiên, mức "lương" Tolkachev được nhận không là gì so với số công nghệ mật mà ông ta chuyển giao cho người Mỹ, bởi chúng có giá trị lên đến hàng chục tỷ USD và phải mất rất nhiều năm để nghiên cứu và phát triển. Thậm chí Lầu Năm Góc còn thừa nhận việc nước Mỹ vẫn đang hưởng lợi từ những thông tin về công nghệ radar và laser do Tolkachev cung cấp.
Vụ việc liên quan đến Adolf Tolkachev, gián điệp làm việc cho CIA trong những năm 1979 - 1985, là thảm họa rò rỉ thông tin hàng không quân sự nghiêm trọng nhất trong lịch sử Liên Xô và cả Nga sau này.
Làm gián điệp để trả thù
Ngay từ khi mới tiếp cận CIA vào tháng 4/1979 để tình nguyện xin làm gián điệp, Tolkachev đã nêu rõ động cơ đằng sau hành động của mình trong một bức thư. Ngoài việc bày tỏ lòng yêu mến nước Mỹ, ông cho biết rằng mình được truyền động lực bởi các nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng Sakharov và Solzhenitsyn.
Tuy nhiên, nội dung ghi chép của Tolkachev tiết lộ rằng ông ta còn một động cơ quan trọng khác: trả thù. Bố vợ của ông phải vào trại lao động dưới thời Joseph Stalin, còn mẹ vợ bị hành quyết vào năm 1938 chỉ vì bà là người Do Thái.
Tolkachev sống cùng gia đình tại tòa nhà - Kudrinskaya Square High Rise, chỉ cách Đại sứ quán Mỹ ở Moskva 400m. Vị trí thuận lợi này đã nhiều lần giúp ông từ khi tiếp cận CIA cho tới quá trình tuồn thông tin mật cho các điệp viên Mỹ.
Để chuẩn bị gặp chỉ huy tình báo CIA, Tolkachev đã đi dạo mỗi tối quanh khu vực đại sứ quán trong nhiều tuần và quan sát những chiếc xe có biển số ngoại giao. Vào một đêm năm 1977, ông ta tiếp cận vị chỉ huy và chỉ hỏi duy nhất một câu: “Ông có phải người Mỹ không?”. Sau đó, Tolkachev để lại một phong thư và bỏ đi. Bức thư trình bày ngắn gọn rằng ông ta muốn thảo luận một số vấn đề “tuyệt mật” với “một quan chức Mỹ thích hợp”.
Sau một thời gian dài trao đổi thư từ, đến đầu năm 1978, Lầu Năm Góc mới gửi thông điệp cho CIA yêu cầu loại thông tin mà Tolkachev tuyên bố sở hữu. Đây là cột mốc quan trọng đánh dấu thời điểm Tolkachev chính thức thiết lập quan hệ với CIA.
Công việc đầy rủi ro, luôn phải sẵn sàng để chết
Vào tháng 4/1980, Tolkachev cung cấp cho Mỹ thông tin về các cuộc thử nghiệm chống nhiễu trên máy bay tiêm kích Liên Xô. Washington nhận xét tin tình báo này rất “độc đáo” và lập tức bố trí phương thức trao đổi tuyệt mật với ông ta.
Tolkachev được cung cấp nhiều thiết bị như camera siêu nhỏ, SRAC - một thiết bị liên lạc khẩn cấp tương tự máy bộ đàm có kích thước bằng hai bao thuốc lá. Thông thường, các thiết bị mới và hướng dẫn sẽ được giấu trong bốt điện thoại công cộng ở Moskva, đôi khi chúng lại được ngụy trang thành chiếc găng tay công nhân bẩn thỉu rơi trên đường.
Mỗi khi muốn gặp gỡ trao đổi với các điệp viên CIA, Tolkachev sẽ ra ám hiệu bằng cách mở một phần cửa sổ nhà bếp của mình vào một thời điểm cụ thể trong ngày. Từng thời điểm mở cửa ám chỉ các hoàn cảnh gặp gỡ khác nhau. Nếu không thể gặp mặt, ông ta sẽ liên lạc qua SRAC.
Dù được chuẩn bị cẩn thận và trang bị nhiều thiết bị tân tiến như vậy, nhưng việc đưa tài liệu mật ra ngoài dưới sự giám sát của KGB (Ủy ban An ninh Quốc gia Liên Xô) vẫn vô cùng khó khăn. Tolkachev càng gặp nhiều rủi ro hơn do phải tìm kiếm cả các tài liệu không liên quan trực tiếp đến lĩnh vực ông ta phụ trách.
Trong hoàn cảnh đó, việc tiếp cận các nghiên cứu mật mà không gây nghi ngờ là điều bất khả thi. Năm 1980, để đề phòng trường hợp xấu nhất, Tolkachev đã yêu cầu CIA cung cấp một viên thuốc độc để tự tử.
“Tôi có thể giữ bí mật với gia đình mình, nhưng không bao giờ qua mắt được KGB”, Tolkachev nói.
Bị phát hiện và xử tử
Năm 1983, Fazotron đưa ra nhiều quy định bảo mật mới, khiến công việc gián điệp của Tolkachev thêm phức tạp. Nghiêm trọng hơn, một cuộc điều tra đã được tiến hành trong chính bộ phận của ông ta nhằm tìm ra chân tướng các vụ rò rỉ thông tin liên quan đến hệ thống nhận dạng mục tiêu trên máy bay chiến đấu của Liên Xô.
Tolkachev, với viên thuốc độc do CIA cung cấp luôn giấu sẵn dưới lưỡi, đã thoát được lần kiểm tra này. Tuy nhiên, tình hình sau đó trở nên căng thẳng hơn, quy định của viện nghiên cứu cũng được siết chặt.
Rắc rối thực sự xảy ra vào tháng 6/1985, thời điểm KGB đặt nhiều nghi ngờ với Tolkachev, nhiều ý kiến còn cho rằng cơ quan này rất có thể đã phát hiện ra thân phận gián điệp của ông ta.
Ngày 13/6/1985, Tolkachev có cuộc gặp với một đặc viên CIA. Khi tới điểm hẹn, hai người bị hơn một chục sĩ quan phản gián Liên Xô ập vào bắt giữ và giải đến Lubyanka - trụ sở KGB. Cơ quan an ninh Liên Xô sau đó đã thu được máy ảnh, tài liệu, tiền bạc... mà điệp viên CIA định trao cho Tolkachev, nhưng không thu được thông tin nào khác từ người này. Một tuần sau, điệp viên CIA được trả tự do về Mỹ, nhưng Adolf Tolkachev thì không may mắn như vậy.
Vụ bắt giữ điệp viên CIA được công bố rộng rãi trên báo chí Liên Xô từ tháng 6/1985, nhưng mãi đến tháng 9 cùng năm, thông tin về vụ bắt giữ Tolkachev mới được công khai.
Theo hồ sơ vụ việc của CIA, nguyên nhân gián điệp CIA bị bại lộ là do Aldrich Ames, một đặc vụ CIA, đã phản bội và đầu quân KGB vào năm 1985. Tuy nhiên, các nguồn tin của Nga khẳng định rằng trước khi Ames tiết lộ, Liên Xô cũng phát hiện ra Tolkachev từ lâu và lợi dụng việc này để cung cấp thông tin tình báo giả cho ông ta, nhằm phá hoại nỗ lực sao chép công nghệ Liên Xô của Mỹ.
Vào năm 1986, Adolf Tolkachev bị xử tử vì tội phản quốc.
Năm 2015, CIA đã giải mật hơn 900 trang mô tả chi tiết về hoạt động tình báo của Tolkachev.
Bình luận