Năm 2023 chứng kiến sự bùng nổ của những câu, cụm từ được "viral" trên nhiều nền tảng mạng xã hội như TikTok, Facebook, YouTube... Từ nghệ sỹ, nhà sáng tạo nội dung số, người bán hàng online đến người dùng bình thường đều có thể trở thành người dẫn đầu xu hướng chỉ với một câu nói “gây bão” và chúng trở thành từ khóa thống trị mạng xã hội trong một khoảng thời gian.
Cùng điểm lại những câu nói, cụm từ “khuấy đảo" mạng xã hội trong năm 2023.
Đúng nhận sai cãi
Cụm từ “đúng nhận sai cãi” tràn ngập mạng xã hội khoảng đầu năm 2023 trong rất nhiều bài đăng, dòng trạng thái, video ngắn… Đây là cụm từ cửa miệng của cô đồng online thường xem bói bằng cách bổ cau. Cô đồng này sau đó bị Công an thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương bắt và khởi tố vì tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Mỗi lần "phán" về gia cảnh hay quá khứ của khách hàng, cô đồng này thường hất hàm hỏi: "Đúng nhận sai cãi", “đúng nhận sai cãi cho tôi”, ý là nếu thấy cô phán đúng thì nhận, thấy sai thì phải phản hồi ngay. Tuy nhiên, người nghe luôn “đứng hình”, ngớ người vì cô nói nhanh đến chóng cả mặt, ít ai nghe kịp để còn nhận hay cãi.
Câu nói cửa miệng của cô đồng này bị cư dân mạng đua nhau nhại lại. Rất nhiều TikToker ăn theo, làm lại các clip xem bói theo hướng cười cợt kỹ xảo hành nghề mê tín dị đoan của các thầy bói, thay vì dùng quả cau thì họ dùng loại quả khác như lê, mít, thanh long... khiến người xem cười đau bụng.
Ăn nói xà lơ
"Ăn nói xà lơ" là cụm từ được các Gen Z dùng chỉ việc nói không đúng sự thật, hoặc một nhận định không chuẩn, không có giá trị. Một bạn trẻ chưa tìm hiểu kỹ lưỡng, chưa hiểu rõ vấn đề mà đã nhanh mồm, nhanh miệng phát biểu có thể bị bạn bè phán là "ăn nói xà lơ".
Cụm từ này được cho là trở thành xu hướng sau khi một đoạn clip livestream bán hàng được lan truyền trên TikTok. Bé gái con nữ chủ shop thốt lên những lời không hay và bị mẹ chấn chỉnh bằng câu “Ăn nói xà lơ! Sao con nói dị!?” với giọng điệu hài hước. Không ngờ, nhờ câu nói này lại "bắt trend" và đến nay vẫn được giới trẻ sử dụng phổ biến trong giao tiếp hàng ngày và trong các clip đăng mạng xã hội.
You don't hợp with me
Câu nói "You don't hợp with me" xuất hiện trong tập mở màn mùa thứ 3 của show Rap Việt, xuất phát từ nam rapper Thái VG. Xuyên suốt chương trình, rapper Việt kiều thường nói "You don't hợp with me" (Bạn không hợp với tôi) khi nhận xét một thí sinh nào đó không phù hợp với phong cách của anh.
Ngược lại, trước thí sinh mình yêu thích, Thái VG nói: "She's over hợp", có thể hiểu là: "Cô ấy quá hợp với tôi". Cụm từ "over hợp" (rất hợp) cũng thường được anh dùng để nhận xét phần trình diễn của các thí sinh.
Với độ phủ sóng của Rap Việt, câu nói này nhanh chóng "viral" trên mạng xã hội. Rất nhiều bạn trẻ sử dụng cụm từ trên đính kèm dòng trạng thái của mình khi đăng tải hình ảnh lên mạng xã hội.
Kiếp nạn thứ 82
Cụm từ “kiếp nạn thứ 82” ra đời có thể từ sự liên tưởng đến bộ phim kinh điển Tây du ký. Trong phim, thầy trò Đường Tăng phải trải qua tổng cộng 81 kiếp nạn mới hoàn tất hành trình thỉnh kinh, công đức viên mãn.
Nhưng trên thực tế, nhiều khi người ta tưởng mình đã vượt qua mọi kiếp nạn, đã "khổ tận cam lai" rồi nhưng thử thách mới vẫn xuất hiện. Qua 81 kiếp nạn vẫn chưa xong, hóa ra còn có kiếp nạn thứ 82. Dân mạng dùng cụm từ “Kiếp nạn thứ 82” để miêu tả những tình huống oái oăm, khó xử hoặc bi hài mà người ta gặp phải trong cuộc sống... Tuy nhiên, họ nói về những "kiếp nạn" này một cách dí dỏm, hài hước nhằm gây tiếng cười và tạo ra sự kết nối giữa các thành viên trong cộng đồng mạng hơn là để than thở.
Cụm từ “kiếp nạn thứ 82” ra đời có thể từ liên tưởng đến bộ phim kinh điển Tây du ký. Tuy đây chỉ là chuyện nhỏ so với những khó khăn ghê gớm mà thầy trò Đường Tăng đã trải qua nhưng nó cũng cần thái độ tích cực, sự kiên nhẫn, quyết tâm và lòng dũng cảm để vượt qua.
Flexing
"Flex" vốn là từ lóng của tiếng Anh để chỉ sự phô diễn cơ bắp và sức mạnh của bản thân. Sau đó, từ này được nhiều rapper sử dụng trong các tác phẩm của mình để chỉ hành động khoe khoang quá đà gây khó chịu cho những người xung quanh. Có thể xem rapper Ice Cube là người tiên phong trong việc sử dụng từ "flex" trong bản rap Was A Good Day. Sau đó, từ này được nhiều rappder nổi tiếng khác sử dụng như Cardi B, Drake, Travis Scott, A$AP Rocky…
Từ đó, từ "flex" và trào lưu flexing trở nên phổ biến trên thế giới. Ở Việt Nam, trào lưu sử dụng từ "flex" được bắt đầu cũng từ việc các rapper sử dụng từ này trong bài hát của họ. Cụ thể, rapper 16 Typh đã khiến từ "flex" nổi lên sau khi đưa nó vào ca khúc Don’t Waste My Time để tham dự cuộc thi Rap Việt mùa 1.
Trào lưu "flex" làm dậy sóng mạng xã hội khi một trang được lập ra để mọi người có thể vào khoe thành tích đáng tự hào mà mình từng đạt được. Không chỉ các bạn trẻ tài năng, nhiều người nổi tiếng cũng thi nhau "đu trend". Trong trào lưu này, "flexing" được dùng với ý nghĩa tích cực hơn chứ không phải phê phán thói khoe khoang, gây khó chịu cho người khác.
Ra đời cùng với "flexing", các cụm từ "check VAR" (kiểm tra lại thông tin "flexing" của người khác), "pressing" (dùng lý lẽ, luận điểm để gây áp lực cho đối phương) hay "thoát pressing" (phản công lại người đang tạo áp lực cho mình) cũng được giới trẻ sử dụng rộng rãi.
À lôi
“À lôi” hay “clip à lôi" là những từ khóa được nhắc đến nhiều nhất hồi tháng 7/2023. "À lôi" (hoặc "à lôi nỏ") là trong ngôn ngữ dân tộc Tày có nghĩa là "hả?" hay "trời ơi", thể hiện cảm xúc ngạc nhiên đến sửng sốt trước một sự vật hay sự việc nào đó.
Từ khóa “à lôi” bắt đầu được cư dân mạng biết đến nhiều qua một clip lan truyền trên TikTok với hình ảnh những chàng trai mặc trang phục dân tộc hét lên “à lôi, à lôi”... Sau đó, rapper Bùi Xuân Trường - Double2T cũng bắt trend, anh kết hợp với Masew phát hành MV mang tên À Lôi.
Gwenchana
Gwenchana là phiên âm của một cụm từ được sử dụng phổ biến trong các cuộc hội thoại thường ngày của người Hàn Quốc. Khi được hỏi “Bạn có ổn không?”, nếu muốn trả lời "tôi ổn", "tôi không sao" thì bạn có thể nói "Gwenchana".
"Gwenchana" thành từ khóa gây bão khắp mạng xã hội nhờ vào sự biến tấu “hài hước” của một anh chàng gen Z trên TikTok. Người này đăng video quay cảnh vừa khóc vừa liên tục lặp lại "gwenchana".
Mặc dù nói "tôi ổn" nhưng biểu cảm buồn bã, cam chịu kèm theo lại nói là "không ổn lắm đâu".
Kiwi kiwi
Theo ngôn ngữ gen Z, “kiwi kiwi” là từ được dùng để khen một món đồ ăn, thức uống nào đó mình thấy ngon, dịch nôm na là “ngon ngon”.
Việc “kiwi kiwi” trở thành từ khóa bắt nguồn từ một clip lan truyền trên TikTok. Trong đoạn clip, Tiktoker trẻ uống trà kiwi, cảm thấy rất ngon và sảng khoái nên cứ liên tục lặp đi lặp lại cụm từ “kiwi kiwi”. Clip nhận được lượng tương tác khủng và cư dân mạng trẻ đua nhau dùng cụm từ này để biểu đạt sự hài lòng trước món ăn mình thưởng thức.
Mãi mận mãi keo
"Mãi mận" là cách gen Z nói trại cụm từ "mãi mặn mà". "Mãi keo" là từ ghép do gen Z biến tấu, trong đó keo là chất kết dính. Nghĩa của cụm từ "mãi keo" là dính mãi vào nhau, thân thiết nhau không tách rời.
"Mãi mận mãi keo" trong ngôn ngữ mạng năm 2023 có nghĩa là giữ mãi tình cảm gắn bó không thể tách rời. Đây là cụm từ gen Z thường sử dụng để thể hiện tình bạn, tình yêu gắn bó.
Mỳ tôm thanh long
Câu hát “Lần đầu tiên trái thanh long có trong mỳ tôm” xuất hiện với tần suất dày đặc trên mạng xã hội bắt nguồn từ một bài hát quảng cáo mỳ tôm thanh long của Việt Nam. Tuy bài hát này được trình bày theo phong cách "thời xưa" khá nhạt nhòa, không phù hợp với xu hướng hiện tại nhưng giới trẻ lại đua nhau xem rồi “nghiện” lúc nào không hay.
Bài hát này đang được lan truyền khắp cõi mạng. Nhiều người cho biết họ thích vì lời ca bắt tai, dễ nghe. Một số người vì nghe quá nhiều nên thuộc luôn giai điệu bài hát, thậm chí chỉ nhìn thấy quả thanh long thôi cũng nhớ ngay đến bài hát đang viral.
Bình luận