Công chức, viên chức sẽ được tăng lương nhiều hơn. Ảnh: internet
Tại hội thảo “Định hướng cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức” vừa tổ chức tại Hà Nội, Bộ Nội vụ đề xuất mức lương tối thiểu đối với cán bộ, công chức trong cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội theo 3 phương án.
Phương án 1: Bằng mức lương tối thiểu vùng I của khu vực doanh nghiệp (vùng có thị trường lao động phát triển nhất). Như vậy tính theo mức lương tối thiểu vùng cao nhất quy định tại Nghị định số 70/2011/NĐ-CP thì mức lương tối thiểu năm 2012 là 2.000.000 đồng/tháng. Điều này giúp cán bộ, công chức sống được bằng tiền lương, thu hút được người giỏi vào làm cán bộ, công chức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước. Tuy nhiên tiền lương của cán bộ, công chức ở các vùng nông thôn sẽ cao hơn nhiều so với lao động trên cùng địa bàn.
Phương án 2: Bằng mức bình quân của các mức lương tối thiểu vùng (4 vùng) của khu vực doanh nghiệp, đồng thời áp dụng hệ số tăng thêm đối với cán bộ, công chức ở những vùng có thị trường lao động phát triển để mức lương tối thiểu của cán bộ, công chức cao hơn mức lương tối thiểu vùng của khu vực doanh nghiệp trên cùng địa bàn. Mức này là 1.680.000 đồng/tháng.
Phương án 3: Xác định nhu cầu của bản thân người lao động bằng mức chi tiêu bình quân đầu người của cả nước do Tổng cục thống kê công bố cộng thêm nhu cầu nuôi dưỡng cha mẹ, con cái. Với cách tính này mức lương tối thiểu năm 2012 là 3.150.000 đồng/tháng.
Về mức lương tối thiểu đối với viên chức sự nghiệp, Bộ Nội vụ dự kiến 2 phương án:
Phương án 1: Áp dụng lương tối thiểu vùng như đối với doanh nghiệp để tiền lương của viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập bằng với khu vực thị trường, tạo tính cạnh tranh với các đơn vị sự nghiệp ngoài công lập, phù hợp với việc tuyển dụng viên chức theo hình thức hợp đồng làm việc.
Phương án 2: Áp dụng lương tối thiểu như đối với cán bộ, công chức. Phương án này tạo nên sự thuận lợi trong việc tuyển dụng người trong các đơn vị sự nghiệp công lập vào làm việc trong các cơ quan Đảng, Nhà nước và tổ chức chính trị - xã hội. Tuy nhiên lại gây nên sự bất bình đẳng giữa các đơn vị sự nghiệp trong và ngoài công lập.
Bộ Nội vụ cũng đề xuất và chia lộ trình thực hiện cải cách chính sách tiền lương thành 2 giai đoạn.
Giai đoạn 2013-2015: Hàng năm tập trung nguồn lực ưu tiên điều chỉnh mức lương tối thiểu đối với cán bộ, công chức, viên chức phù hợp với phát triển kinh tế - xã hội.
Giai đoạn 2016-2020: Từ năm 2016 thực hiện mở rộng quan hệ mức lương tối thiểu - trung bình - tối đa từ 1-2,34-10 như hiện nay lên 1-3,2-15, trên cơ sở đó ban hành hệ thống bảng lương, ngạch, bậc mới, đảm bảo tính hợp lý phù hợp với thứ bậc trong hệ thống chính trị.
Sắp xếp lại các chế độ phụ cấp lương trên cơ sở xem xét đưa một số chế độ phụ cấp lương hiện hành vào mức lương theo quan hệ tiền lương mới. Nâng mức phụ cấp chức vụ lãnh đạo của chức danh Thứ trưởng và tương đương từ hệ số 1,3 hiện nay lên 1,8.
Về chế độ nâng lương, Bộ Nội vụ đề nghị tiếp tục thực hiện chế độ nâng lương thường xuyên; sửa đổi thời gian được nâng lương trước thời hạn 12 tháng khi có thông báo nghỉ hưu; nâng tỷ lệ từ 5% lên 10% cán bộ, công chức, viên chức được nâng lương trước thời hạn do lập thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ;
Quy định rõ trong thời gian nữ cán bộ, công chức mang thai và nghỉ thai sản theo pháp luật về lao động và bảo hiểm xã hội được tính là thời gian hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cộng với thành tích trong thời gian giữ bậc còn lại để ưu tiên xét nâng bậc lương trước thời hạn.
Về cơ chế quản lý tiền lương và thu nhập, Bộ Nội vụ đề nghị đẩy mạnh việc thực hiện quản lý cán bộ, công chức theo vị trí việc làm; khoán quỹ tiền lương và kinh phí quản lý hành chính cho các đơn vị trực tiếp sử dụng cán bộ, công chức;
Bãi bỏ các quy định hiện hành về cơ chế quản lý tài chính và biên chế đối với các cơ quan như kho bạc, thuế, hải quan, ngân hàng nhà nước, Ủy ban chứng khoán, Ủy ban giám sát tài chính quốc gia hoặc giảm dần mức tiền lương cao hơn của cán bộ, công chức thuộc các cơ quan nêu trên tương ứng với mức tăng lương theo lộ trình;
Nghiêm cấm các khoản chi ngoài lương có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước; tăng cường phân cấp và tăng tính tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập…
Nhiều đại biểu cho rằng: cán bộ, công chức hiện nay không sống nổi bằng lương là một trong những nguyên nhân làm nảy sinh nhũng nhiễu, tiêu cực, làm suy giảm đạo đức cán bộ, công chức và hiệu lực thực thi công vụ. Vì thế, “cải cách chính sách tiền lương phải tiến tới đảm bảo cho cán bộ, công chức, viên chức sống được bằng tiền lương ở mức trung bình khá trong xã hội”.
Trí Đức - Hoàng Lan
Bình luận