• Zalo

Báo Hàn: Trung Quốc dùng chiến thuật ‘biển người’

Thế giớiThứ Sáu, 03/08/2012 01:49:00 +07:00Google News

(VTC News) – Trung Quốc đưa gần 9.000 tàu cá ra Biển Đông đánh bắt cá là chiêu “khẳng định chủ quyền ở vùng biển tranh chấp", hãng tin Yonhap của Hàn Quốc nói.

(VTC News) – Hãng tin Yonhap của Hàn Quốc nói, việc Trung Quốc loan tin đưa gần 9.000 tàu cá ra Biển Đông đánh bắt cá là chiêu “khẳng định chủ quyền ở vùng biển tranh chấp”. 


Lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông do Trung Quốc đơn phương áp đặt đã kết thúc hôm 1/8 vừa qua. Báo chí nước này ngay sau đó loan tin, gần 9.000 tàu cá sẽ “đồng loạt ra khơi” – điều được nói là không bình thường.

Trung Quốc đang muốn dùng chiến thuật 'biển người' ở Biển Đông 

“Việc ngư dân các nước làm lễ mở màn mùa đánh bắt cá, hoặc tổ chức ra khơi đồng loạt cũng là việc bình thường. Nhưng nếu quả thực 9.000 tàu cá cùng lúc ra khơi thì trước nay chưa từng có”, đại diện Hội nghề cá Việt Nam cho biết.

Trong khi đó, hãng tin Yonhap của Hàn Quốc bình luận, có vẻ như Trung Quốc đang dùng chiến thuật ‘biển người’ ở Nam Hải (tức Biển Đông của Việt Nam). Theo đó, hành động này của Trung Quốc “nhằm thực hiện ý đồ thể hiện quyền lực với những vùng biển có tranh chấp”.

Tờ Hoa Nam buổi sáng của Hồng Công thì cho rằng, kế hoạch đánh bắt cá xa bờ của tỉnh Hải Nam (Trung Quốc) chắc chắn có tính tới chuyện xua tàu cá ra những vùng biển đang chưa được thống nhất chủ quyền với Việt Nam và Philippines.

“Tranh chấp sẽ xảy ra giữa tàu cá Trung Quốc với tàu cá và tàu chấp pháp của Việt Nam, Philippines do nhiều nơi ở Biển Đông còn đang có tranh chấp chủ quyền. Đây là biện pháp tuyên bố, thể hiện chủ quyền của Bắc Kinh”, tờ Hoa Nam buổi sáng nhận định.

Hãng tin Yonhap cho rằng, Trung Quốc xua hàng ngàn tàu cá ra Biển Đông, tuy chưa nói sẽ tiến vào những vùng biển tranh chấp, nhưng bộc lộ rõ ý đồ “thị uy, cản trở” tàu cá Việt Nam, Philippines.

“Điều này gợi nhớ lại vụ tranh chấp bãi đá Hoàng Nham/ Scarborough giữa Trung Quốc và Philippines. Ước tính có hơn 100 tàu cá Trung Quốc ập tới bãi đá và bao vây tàu cá Philippines”, bài viết trên Yonhap nói.


Dưới góc độ quân sự, Hoa Nam buổi sáng dẫn lời chuyên gia quốc phòng Trung Quốc cho rằng, nước này đang “từng bước cụ thể hóa việc thay đổi lập trường bị động trong quá khứ”.

Theo đó, sau việc đưa tàu hải giám Trung Quốc thực hiện tuần tra trái phép ở Biển Đông, tàu cá nước này sẽ lại được xua đến đây để nghiễm nhiên biến vùng tranh chấp thành “ao nhà của Trung Quốc”.

Báo này dẫn lời chuyên gia luật của Đài Loan cho rằng, trong thời gian tới, sẽ xuất hiện những ‘đợt sóng’ mới trên Biển Đông về tranh chấp lãnh hải.

“Với việc tỉnh Hải Nam đóng mới hàng loạt tàu cá trọng tải lớn, rõ ràng Trung Quốc đang muốn thể hiện ưu thế trên biển. Thế nhưng, Việt Nam và Philippines sẽ không chịu ngồi yên để Trung Quốc muốn gì được nấy. Họ sẽ có phản ứng đáp trả, do vậy, căng thẳng trên Biển Đông chưa thể giảm đi”, chuyên gia này nói.

>>Báo chí Trung Quốc đang hiếu chiến thế nào? 
Hãng tin Reuters hôm 2/8 dẫn nguồn tin riêng nói Cty dầu khí Trung Quốc đã “âm thầm gặp gỡ các đối tác nước ngoài để bàn chuyện đấu thầu, khai thác dầu khí ở Biển Đông”.

Tuy nhiên, nguồn tin của Reuters không nói rõ tọa độ những lô dầu khí nêu trên.


“Trung Quốc đang triển khai tiến công trên cả ba mặt trận. Đầu tiên họ dùng chính sách ngoại giao, sau đó là những hành động gây hấn của tàu hải giám – lực lượng bán quân sự, và tương lai sẽ là xua tàu cá tới vùng tranh chấp, đồng thời mời thầu dầu khí trên Biển Đông”, bài viết trên Reuters phân tích.

Trong diễn biến liên quan, chính phủ Philippines hôm 2/8 đã cảnh báo Trung Quốc đang làm xấu thêm tình hình trên Biển Đông.

Cũng cần nói thêm rằng, báo chí quốc tế lâu nay luôn chỉ trích Trung Quốc về chính sách ‘diều hâu’, và những đòi hỏi phi lý ở Biển Đông.

Gần đây nhất, ngày 23/6/2012, Tổng công ty dầu khí hải dương Trung Quốc ngang ngược thông báo chào thầu quốc tế tại 09 lô dầu khí nằm trong phạm vi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Ngay sau đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị nêu rõ, việc phía Trung Quốc ngang nhiên mời thầu quốc tế tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam là hành động phi pháp và không có giá trị.

Đáp lại những lời khiêu khích trên báo chí Trung Quốc, Ấn Độ khẳng định Biển Đông thuộc sở hữu chung của thế giới và kêu gọi các bên giải quyết tranh chấp qua đối thoại dựa trên luật pháp quốc tế.

Văn Việt

Bình luận
vtcnews.vn