• Zalo

1 phiếu bé ngoan đang ‘cõng’ bao nhiêu người lớn ‘hư'?

Kinh tếThứ Sáu, 23/11/2012 07:00:00 +07:00Google News

VTC News xin trích đăng toàn bộ bài viết của Nhà báo, phụ huynh Đỗ Doãn Hoàng về những nhìn nhận trong nội dung quảng cáo đánh vào trẻ em hiện nay.

LTS: “Trẻ em như búp trên cành”, như tờ giấy trắng cần được uốn nắn, nâng niu với những gì trong sáng, nhân văn nhất. Tuy nhiên, nhiều quảng cáo hiện nay đang khiến các cháu “mê lú”, dẫn đến những đòi hỏi sản phẩm này, sản phẩm kia vì tin vào lời quảng cáo. Chính điều này đã đẩy phụ huynh và trẻ nhỏ vào nhiều tình huống dở khóc dở cười.
Chúng tôi xin trích đăng toàn bộ bài viết của Nhà báo, phụ huynh Đỗ Doãn Hoàng (Sống ở Hoàng Mai, Hà Nội; công tác tại Báo Lao Động) về những nhìn nhận trong vấn đề quảng cáo đánh vào trẻ em hiện nay.

"Ăn dỗ" trẻ em


Cậu con lớn của tôi sinh ngày 3/10/2001, năm nay cháu đã học lớp 6, nặng 45kg. Thoắt cái mà sự kiện tôi cực lực bất bình viết trên báo vệ thảm nạn quảng cáo trên phiếu bé ngoan đã trôi qua đủ… 7 năm. Bây giờ đưa đứa con thứ 2 đủ 5 tuổi (sinh ngày 17/1/2008), đã lại đi mẫu giáo lớn. Lại nhận phiếu bé ngoan mỗi thứ Sáu cuối tuần.

Những ngày này, đọc được thông tin còn trường mẫu giáo phát bé ngoan kèm quảng cáo, chợt buồn cho những bài báo của mình, đúng là “châu chấu đá xe”: “báo chí, quyền lực thứ tư” đã cực lực công kích rồi mà nạn ấy vẫn nhởn nhơ tồn tại.

Ngửa mặt nhìn ra sân trường, úp mặt nhìn vào phiếu bé ngoan của thằng con thứ 2 hôm nay, đúng là vẫn lại gặp… toàn cảnh quảng cáo “ăn dỗ” trẻ con. Phải nói đây là trò không lương thiện tí nào, lỗi không phải chỉ ở một mình đám doanh nghiệp sấp mặt vì tiền, mà ở cả các cô giáo mầm non, các nhà trường, ở tất cả chúng ta.

Chúng ta đã làm gì để xã hội tồn tại những chuyện phản nhân văn đến vậy?
 
Chiếc cân con tôi đo chiều cao của nó trên lớp, đồ chơi của các cháu, bờ tường cháu vẫn nhìn mỗi ngày…đều có hình ảnh quảng cáo sản phẩm.

Quảng cáo với người lớn thì không sao, chứ trẻ con “đầu xanh có tội tình gì”! Bọn thò lò mũi xanh nó làm sao ý thức được bố mẹ đang lo lắng điều gì, bố mẹ muốn “thiên thần bé” của mình ăn gì, chơi gì, và việc quảng cáo làm các cháu “mê lú” đòi hỏi các cái sản phẩm kia, đã đẩy phụ huynh và trẻ nhỏ vào nhiều tình huống dở khóc dở cười.

Ứng xử với “trẻ em như búp trên cành” thế là độc ác, là phản nhân văn, là trục lời bằng mọi giá.

Tôi ví dụ luôn với bức ảnh tôi chụp mà VTC News đã đăng: quảng cáo sữa hươu cao cổ trên phiếu bé ngoan.

Con tôi bị béo phì, tôi kiên quyết muốn cháu bớt khẩu phần sữa để có thể phát triển bình thường. Nhà tôi nghèo, công chức lương thiện lương ba cọc ba đồng, chờ mãi Chính phủ chả tăng, thế mà sau khi nhận phiếu bé ngoan cháu “nghiện” sữa hươu cao cổ, nó cứ lăn lộn ăn vạ chỉ uống một mình sữa ấy thôi.

Thử hỏi tôi lấy đâu ra tiền? Thử hỏi con tôi chìm lút sâu mãi vào đại nạn béo phì thì ai thương gia đình tôi? Đấy là chưa kể đủ thứ quảng cáo phản cảm khác. Phản cảm ở đâu, chứ đừng phản cảm ngay trên phiếu bé ngoan đầy thiêng liêng của các thiên thần bé.

Sự xấu hổ của “một người khỏe hai người vui”

Quốc tế người ta có “đạo luật riêng” trong vấn đề quảng cáo hướng tới trẻ em. “Búp trên cành” đụng vào dễ… gẫy. “Trang giấy trắng” hễ bôi là “bẩn”. Doanh nghiệp nhiều khi họ sấp mặt vì tiền thì đã đành. Họ biết chúng ta đều dành tất cả cho con em, cho tương lai. “Hy sinh đời bố củng cố đời con” cũng phải làm.

Cho nên  họ cứ nhè vào cái sự đòi hỏi của trẻ nhỏ để móc hầu bao người lớn. Cho nên, ứng xử với “búp trên cành”, “trang giấy trắng”, “thiên thần nhỏ” thì phải khác, phải bảo vệ các cháu đặc biệt.

Tuy nhiên, ở ta dường như lĩnh vực quảng cáo hướng tới trẻ em bị bỏ ngỏ. Chúng ta chưa thấy vai trò của việc này thì chúng ta sẽ phải lãnh đủ.

Trẻ nứt mắt ra, họ đã cho “tổng đài chị Thỏ Ngọc” quảng cáo thời trang vô cùng sành điệu, “tổng đài” khác dẫn dụ đủ thứ game, đủ thứ đồ ăn thức uống “trên trời”…

Một thời gian dài họ coi tổng đài là thứ móc tiền điện thoại của bố mẹ, bị chửi bới dữ dội, giờ họ mới thêm cái câu “nhớ xin phép bố mẹ trước khi gọi cho chị”…

Ví dụ đơn giản khác: 90% số cán bộ trong cơ quan tôi đều gặp phải tình huống dở khóc dở cười, khi trẻ nhỏ trong nhà hỏi cha mẹ ông bà “một người khỏe hai người vui” là thế nào ạ?


Họ quảng cáo thuốc tráng dương bổ thận, rồi chăn gối quật cường giữa lúc hàng triệu gia đình Việt Nam đang ăn cơm tối. Lại quảng cáo trên Truyền hình Việt Nam trước chương trình thời sự 19h. Đấy là quảng cáo hướng tới… người lớn. Nhưng hậu quả tai hại của nó vẫn ụp lên đầu cả trẻ con.

Tôi xin thưa, quê tôi nghèo, lại trình độ hạn chế, “phương tiện truyền thông nhà nước” nói gì là tin hết.

Vừa rồi bà con chết như ngả rạ bởi vì tin vào quảng cáo thuốc huyết áp, uống vào là khỏi lo, khỏi phải uống thuốc huyết áp thông thường mỗi ngày. Bà con tin, bỏ thuốc định kỳ, thế là chết.

Tôi không đào mả họ lên để nhắn nhủ thế này được: rằng, quảng cáo thì cứ có tiền là cái gì cũng hô hào tốt nhất, xịn nhất, bọn còn lại đểu hết, quảng cáo là cái mồm Xuân Tóc Đỏ quảng cáo thuốc lậu, bà con mà tin quảng cáo thì còn phải… đội mồ dậy kêu oan vài lần nữa.

“Chiến cơ siêu hạng” chở chị Thỏ Ngọc đi đâu?


Trở lại với các thiên thần bé của chúng ta. Như đã nói, quảng cáo “tráng dương bổ thận” còn tổn hại đến trẻ em, huống hồ các trò hướng thẳng vào trẻ em.

Con tôi ngày nào cũng đòi ăn bim bim. Bởi ở mỗi gói nó có vài cái hình lắp ghép bé xíu thả sẵn vào trong. Có khi là cái hình siêu nhân, có khi là robot trái cây. Mà bim bim thì chiên nấu bằng mỡ thối, dầu ăn bẩn thỉu trưng đi rán lại nghìn lần. Họ còn nói có hóa chất gây ung thư.

Tóm lại, ăn nhiều ăn ít đều… rất độc hại. Ai cũng biết vậy nhưng hễ trẻ khóc là nó đòi bim bim.

Nếu như 100% đàn ông trên thế gian thích sử dụng những cái ô tô xịn, thì tôi cũng dám nói, 100% trẻ em Việt Nam đều thích bim bim. Là bởi vì: chúng nó đòi cái đồ chơi trong đó. Rồi nó ăn mãi, nó nghiện bim bim.

Điều cần mở ngoặc để cân nhắc nữa: kênh truyền hình Bi… dẫn dụ trẻ em gọi điện thoại đến tổng đài chị Thỏ Ngọc, rồi các trò chơi nhiều khi bố mẹ không thích tí nào, cứ liên hồi kỳ trận.

Xem tivi, nghiện tivi, rồi ào ra đầu ngõ mua các đồ chơi trên truyền hình đó. Mua băng đĩa, mua xếp hình, mua chiến cơ, mua truyện tô màu, tóm lại là mua đủ thứ. Trẻ em nghiện các trò chơi, dẫn đến nghiện tiêu tiền của bố mẹ, lý do là từ… tivi, và nhiều trò quảng cáo trên đó.
 

Đôi khi tôi bất bình, tại sao nhiều trò chơi vô bổ như vậy lại cứ được phát sóng. Thì cứ nói là “học mà chơi chơi mà học”, nhưng xin thưa, quá nhiều trò không đáng để chơi, chơi rồi cũng chả cho các cháu bồi bổ “học” một kỹ năng nào cả. Cái duy nhất các cháu có được là: nghiện  mua đồ chơi.

Trò “chiến cơ siêu hạng” gần đây được nhà tivi tổ chức thi chơi ầm ĩ, các cháu mê mải một cách đáng sợ, mê mải ở mức bố mẹ các cháu phát sợ nhưng (vì “nể” con) không sao… từ chối được! Bố mẹ công chức như chúng tôi, các cháu mua đồ chơi vài lần thì… rỗng túi.

Bỗng dưng tôi ngộ ra: doanh nghiệp họ cần quảng cáo, bèn tung tiền điều khiển “một số đơn vị” đem trò chơi, sản phẩm vào trường, lên sóng để “dụ dỗ” trẻ con, rồi cái họ hướng tới chính là… túi tiền của phụ huynh.

“Nếu nói sai tôi xin lên giá treo cổ!”

Trở lại vụ quảng cáo trên phiếu bé ngoan. Xin hỏi: ai trục lợi trong “thương vụ quảng cáo” này? Tại sao các cán bộ giáo dục họ không quảng cáo… “các con ơi hãy gọi dạ bảo vâng”, “hãy rửa tay xà phòng đúng cách sau mỗi lần đi vệ sinh”  trên đó? Hoặc đơn giản là cứ in hình bông hoa sen tuyệt vời như lâu nay chúng ta vẫn làm. Vì sao?

Vì doanh nghiệp họ muốn quảng cáo sản phẩm của họ. Vì sao doanh nghiệp lại xông vào in phiếu bé ngoan nhỉ? Vì cán bộ giáo dục, các nhà trường cho phép. Họ “hợp tác” với nhau. Vì sao họ hợp tác với nhau kỳ dị, tréo ngoe thế? Vì tiền!

Nếu ai đó bảo: các người tham gia in phiếu bé ngoan có quảng cáo sữa, đồ chơi, “ăn dỗ trẻ con” kia không được gì nhờ “thương vụ in phiếu” thì tôi (phụ huynh, nhà báo) sẵn sàng lên giá treo cổ.

Tôi có chị bạn làm một ấn phẩm hướng tới trẻ em, in đẹp, dày, bán đắt, toàn tranh ảnh. Chị ta bảo, phải chi cho các nhà trường đến một phần tư, một phần ba mức giá bìa mấy chục nghìn một ấn phẩm.

Việt Nam là quốc gia có dân số trẻ. Nhà nào chẳng có trẻ con. Làm ăn hướng tới “bọn thò lò mũi xanh” là “ngon xơi” nhất, chị bạn tấm tắc.

Như vậy, trước khi đả phá doanh nghiệp nào đó “xâm nhập” vào cả phiếu bé ngoan của trẻ nhỏ, chúng ta cần đả phá người được quyền duyệt in phiếu bé ngoan có quảng cáo.

Có lẽ, đây là một vấn đề lớn và đầy bi hài: lợi nhuận. Phía sau lợi nhuận, là một cách nhìn nhẫn tâm của chúng ta trong lĩnh vực giáo dục. Buông lỏng quản lý, đánh mất nhiều giá trị thiêng liêng trong trồng người.

Ngay cả việc các nhà trường cứ mỗi thứ Sáu hàng tuần là xé cho bất kỳ trẻ nhỏ nào một phiếu bé ngoan dù bé đó rất hư, điều đó cũng thật tai hại.

Hãy cho phiếu bé ngoan về đúng vai trò vị trí cần thiết của nó.

Tôi từng dự nhiều lớp họp phụ huynh, cô giáo chủ nhiệm ra chiều rộng lượng bảo: năm nay tôi cho 100% các cháu đạt học sinh giỏi. Làm như thế cho “đẹp lý lịch” của các cháu trong năm học tới. Con tôi cười khẩy, thế thì con phấn đấu làm quái gì.

Phiếu bé ngoan bị quảng cáo chỉ là một ví dụ, không mới mẻ gì, nhưng nó cũng là một giọt nước tràn ly để chúng ta cần xem lại mình, xem lại tất cả, một cách có hệ thống.

Túm lại, dù thế nào, thì chuyện quảng cáo trên phiếu bé ngoan, nó cũng xuất phát từ sự tha hóa của những “người lớn hư”.

Đ.D.H
Bình luận
vtcnews.vn