• Zalo

1 lít xăng 'cõng' 8.000 đồng thuế môi trường: Quan chức Bộ Tài chính tiết lộ lí do

Chính sách thuế và cuộc sốngThứ Tư, 18/01/2017 16:29:00 +07:00Google News

Đại diện Bộ Tài chính cho rằng đề xuất tăng thuế môi trường đối với mặt hàng xăng dầu nhằm ứng phó với việc thuế nhập khẩu xăng dầu giảm xuống, không để giá xăng thấp hơn các nước, tránh buôn lậu.

Bộ Tài chính trong dự thảo Luật thuế bảo vệ môi trường sửa đổi vừa được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi đã đề xuất nâng khung thuế bảo vệ môi trường với xăng lên tối đa 8.000 đồng/lít.

710a9f89f4-1-gia-xang-giam-aazr

 Mỗi lít xăng tới đây sẽ phải cõng 8.000 đồng thuế bảo vệ môi trường.

Cùng đó, mức thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng dầu khác cũng được kiến nghị tăng gấp đôi, thậm chí gấp 3 so với hiện nay.

Cụ thể, đối với xăng (trừ xăng etanol) mức thuế dự kiến sẽ tăng từ 1.000 - 4.000 đồng/lít lên 3.000 - 8.000 đồng/lít, riêng xăng E5 và E10 cũng được đề xuất áp mức từ 2.500 - 7.2000 đồng/lít.

Đối với dầu diezel, sắc thuế sẽ đánh 3.000-6.000 đồng/lít thay vì 500 - 2.000 đồng như hiện hành. Mỗi kg dầu ma dút cũng có thể sẽ phải chịu thuế tối đa gấp 3 lần hiện nay, tức là tăng 900-4.000 đồng.

Xem video: "Cõng" 8.000 đồng tiền thuế môi trường/lít, giá xăng sắp tăng vọt

Việc đề xuất nâng khung thuế bảo vệ môi trường với xăng lên tối đa 8.000 đồng/lít đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận.

Chiều 17/1, trao đổi với phóng viên về đề xuất nới khung thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu lên tối đa 8.000 đồng/lít xăng, ông Vũ Khắc Liêm, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế, Bộ Tài chính cho biết động thái này là để ứng phó với việc thuế nhập khẩu xăng dầu giảm mạnh trong các hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã cam kết với các nước.

Cụ thể, theo ông Vũ Khắc Liêm, trong biểu thuế ATIGA, mức thuế nhập khẩu đối với các loại dầu là 0%, các loại xăng về 8% vào năm 2021, về 5% vào năm 2023 và 0% vào năm 2024.

Từ đó, ông Vũ Khắc Liêm cho rằng, khi hội nhập sâu rộng thì cũng phải cơ cấu lại nguồn thu chi ngân sách. Hơn 10 năm trước, thu ngân sách phụ thuộc nhiều vào thuế xuất nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt hàng nhập khẩu… Nay đã hội nhập, thuế nhập khẩu cắt giảm mạnh, thuế thuế nhập khẩu xăng dầu sắp tới chỉ còn 0%, 5% thì việc thu thuế bảo vệ môi trường là để bù đắp nguồn thu.

Bên cạnh đó, theo Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế, đề xuất nới khung thuế lên mức 4.000 đồng-8.000 đồng/lít xăng là nhằm giữ giá xăng dầu của Việt Nam không thấp hơn các nước xung quanh khi giảm thuế nhập khẩu, góp phần tránh phát sinh buôn lậu.

Trước lo ngại việc tăng thuế môi trường sẽ tạo gánh nặng lên vai người dân, theo ông Vũ Khắc Liêm, việc tăng thuế đã tính toán phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, sức cạnh tranh của nền kinh tế và khả năng chịu đựng của doanh nghiệp.

Liên quan đến sử dụng tiền thu được từ thuế môi trường, theo ông Vũ Khắc Liêm, hiện không tính toán được hàng năm nhà nước đầu tư cho môi trường là bao nhiêu. Ngoài ngân sách đầu tư, tối thiểu 1% tổng thu ngân sách, thì còn vốn vay ODA cùng các quỹ về môi trường. Tuy nhiên, theo ông Liêm, ngân sách đầu tư cho vấn đề môi trường là rất lớn.

“Thuế môi trường là để góp phần bảo vệ môi trường. Chúng ta không thể nói thuế bảo vệ môi trường là trực tiếp chi cho môi trường. Nói chi cho môi trường nhưng chi từ ngân sách nhà nước còn nhiều khoản còn lớn hơn, chứ cái này rất nhỏ”, ông Vũ Khắc Liêm cho biết.

Hoàng Hưng
Bình luận
vtcnews.vn