Theo báo cáo "Những ứng dụng di động phổ biến với người Việt năm 2023" của Công ty nghiên cứu thị trường Q&Me công bố tháng 3/2023, trung bình người Việt sử dụng 20,5 ứng dụng trên điện thoại trong một tuần.
Nhu cầu đến từ người dùng
Có trong tay thiết bị di động thông minh, người dùng Việt hoàn toàn làm chủ hệ sinh thái các ứng dụng theo nhu cầu cá nhân. Tuy nhiên, số lượng ứng dụng dày đặc là một trong những nguyên nhân khiến người dùng khó tối ưu dung lượng thiết bị cũng như thời gian thao tác.
Một khảo sát của Visa tại Việt Nam cho thấy, cứ 3 người Việt được hỏi thì có 1 người lựa chọn "muốn sử dụng ứng dụng giúp tôi tiếp cận tất cả ứng dụng cùng một lúc".
Không khó để lý giải nhu cầu sử dụng ứng dụng “all in one” của người dùng Việt Nam và trên thế giới: mở ra ngàn tiện ích khác nhau chỉ qua một cú chạm, không cần cài đặt hay gỡ cài đặt, đồng bộ tài khoản cá nhân từ nền tảng chính, tốc độ xử lý nhanh chóng tương đương ứng dụng riêng biệt bên ngoài…
Xu thế tất yếu
Theo dự đoán từ tập đoàn nghiên cứu công nghệ Gartner, đến năm 2027, 50% dân số toàn cầu sẽ sử dụng tích cực hàng ngày các nền tảng chứa hệ sinh thái mini app.
Nhu cầu trải nghiệm mini app của người dùng tăng, cũng chính là giai đoạn các doanh nghiệp và cơ quan Nhà nước “nhập cuộc” phát triển mini app để gia tăng kết nối và tiếp cận người dùng. Hay nói khác đi, xu hướng sử dụng các nền tảng công nghệ “all in one” của người dùng là động lực để nhiều bên thay đổi chiến lược phát triển, một chuyên gia kinh tế nhận định.
Thực tế chứng minh, năm 2020, tỷ lệ người sử dụng mini app trong các ứng dụng lớn tại Việt Nam là 32%, tăng lên 53% vào năm 2021, con số ấy vẫn đang lớn dần theo thời gian. Trong khi đó, tỷ lệ người sử dụng một ứng dụng đơn lẻ lại giảm từ 13% xuống còn 12%, chứng minh các ứng dụng lớn đã và đang phục vụ hiệu quả nhu cầu của người dùng bằng “siêu thị” ứng dụng nhỏ bên trong nền tảng.
Nổi bật có thể nhắc đến Zalo - ứng dụng liên lạc phổ biến nhất Việt Nam có 75 triệu người dùng - với hàng loạt mini app, mở ra hàng ngàn tiện ích chỉ với một cú chạm.
Không chỉ là ‘mảnh đất màu mỡ’ để các doanh nghiệp tiếp cận, phục vụ hàng chục triệu khách hàng tiềm năng với các tiện ích như ăn uống, đọc báo, xem phim, đặt chỗ, du lịch... Zalo mini app còn được nhiều địa phương và cơ quan Nhà nước ứng dụng như một công cụ chuyển đổi số hiệu quả.
Phạm Khương (Chuyên viên Thiết kế, 26 tuổi, TP.HCM) bắt đầu một ngày làm việc với rất nhiều ứng dụng trên điện thoại. Buổi sáng, Khương kiểm tra tin nhắn của khách hàng qua các ứng dụng liên lạc. Những hoạt động còn lại trong ngày, từ ăn uống, mua sắm, giải trí, di chuyển, thanh toán… Khương sử dụng lần lượt các nền tảng tương ứng.
Khương cho biết có nhiều ứng dụng đáp ứng riêng từng nhu cầu cá nhân là rất tiện lợi. Tuy nhiên, anh vẫn mong muốn được trải nghiệm một ứng dụng lớn đủ sức chứa nhiều tiện ích nhỏ khác nhau bên trong. “Mới đây, khi đổi điện thoại, tôi phải lặp lại thao tác tải về và đăng nhập hơn 50 ứng dụng đang dùng ở thiết bị cũ, khá mất thời gian”, Khương chia sẻ.
Năm 2023, nhiều tỉnh thành như Tây Ninh, Đồng Nai, Long An, Bình Định,... triển khai Zalo mini app hành chính công để phục vụ người dân. Xa hơn, mini app trên Zalo còn hỗ trợ người dùng trên cả nước ở nhiều lĩnh vực quan trọng gắn liền với những nhu cầu cấp thiết trong đời sống xã hội như mini app “Phòng chống thiên tai Việt Nam”, “Bảo hiểm Xã hội”, “TTDK Đặt lịch đăng kiểm”...
Sự tiện dụng, đơn giản cùng thói quen sử dụng Zalo của đại đa số người dân đã giúp các mini app nhận được nhiều phản hồi tích cực. Ở phía doanh nghiệp và cơ quan Nhà nước, Zalo mini app giúp các đơn vị tối ưu nguồn lực, tận dụng các tiện ích có sẵn của Zalo, tăng độ tin cậy với người dùng nhờ được nền tảng xác thực, tránh các ứng dụng giả mạo,...
Có thể nói, các ứng dụng “all in one” đối với người dùng đang dịch chuyển từ xu hướng sang nhu cầu tất yếu. Việc các nền tảng không ngừng nâng cấp, mở rộng tiện ích sẽ giúp nền tảng cũng như các đơn vị phát hành mini app gia tăng lợi thế cạnh tranh, chinh phục người dùng trong thời đại số.
Bình luận