Kiến trúc là ngành học tổng hoà và cân bằng giữa hai yếu tố mỹ thuật và kỹ thuật. Hiểu một cách đơn giản, kiến trúc là sự sắp xếp không gian sao cho phù hợp với mục đích sử dụng và mang tính thẩm mỹ cao.
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo nguồn nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM đến năm 2025, Kiến trúc được dự đoán là 1 trong 8 nhóm ngành thu hút nhiều lao động nhất tại TP.HCM, với khoảng 10.800 người/năm.
Do đó, học ngành Kiến trúc sinh viên sẽ không phải lo lắng về vấn đề việc làm với nhiều cơ hội nghề nghiệp hấp dẫn. Cũng chính vì vậy, ngành Kiến trúc là một trong những ngành được quan tâm lựa chọn hàng đầu mỗi mùa tuyển sinh.
Sau đây là thông tin tổng hợp của một số trường đại học đào tạo ngành Kiến trúc ở Việt Nam.
Đại học Kiến trúc Hà Nội
Tiến sĩ Vương Hải Long (Trưởng khoa Kiến trúc), Đại học Kiến trúc Hà Nội cho biết, trong 5 năm qua, học sinh, sinh viên không chỉ học trên lớp mà còn được học tập trong hệ thống xưởng thiết kế. Đây là môi trường đào tạo nhiều ưu điểm vượt trội so với giảng đường truyền thống.
Chọn ngành này, sinh viên được cung cấp các kiến thức cơ bản, chuyên sâu về nghề, tiếp cận với nhiều kỹ năng mềm hiện đại (công nghệ BIM; các phần mềm quản lý thông minh).
Sinh viên còn sử dụng tốt các phần mềm thiết kế, đồ họa, các kỹ năng tin học văn phòng, dựng phim, AR, VR… có điều kiện sáng tạo và phát triển nghề nghiệp. Từ đó, hướng tới đào tạo kiến trúc sư tiên tiến, hội nhập với khu vực và quốc tế.
Năm nay, Đại học Kiến trúc Hà Nội tuyển sinh nhóm ngành Kiến trúc các khối V00 (Toán, Vật lý và Vẽ hình họa mỹ thuật), V01 (Toán, Ngữ văn, Vẽ Hình họa mỹ thuật) và V02 (Vẽ mỹ thuật, Toán, Tiếng Anh). Trong đó điểm Vẽ mỹ thuật nhân hệ số 2, được tính trên thang điểm 40. Điểm chuẩn ngành Kiến trúc là 28,80, ngành Kiến trúc cảnh quan lấy 26,70 điểm.
Đại học Xây dựng Hà Nội
Đại học Xây dựng Hà Nội khẳng định, kiến trúc là một trong những ngành chủ lực làm nên thương hiệu khoa Kiến trúc & Quy hoạch. Chương trình đào tạo kiến trúc sư sẽ được tổ chức theo hai mô hình chính là mô hình đào tạo tích hợp cử nhân kiến trúc - kiến trúc sư/ thạc sĩ kiến trúc cho cùng một ngành và mô hình đào tạo tuần tự hai giai đoạn.
Sau khi tốt nghiệp, kiến trúc sư được đào tạo có thể làm chủ các nguyên tắc, khái niệm, phương pháp trong kiến trúc, hiểu các vấn đề liên quan đến thực hành chuyên môn và đặc biệt, có khả năng hội nhập quốc tế cao trong việc phát triển trình độ, năng lực hành nghề chuyên môn.
Năm 2023, điểm chuẩn trúng tuyển nhóm ngành Kiến trúc của trường này như sau: Kiến trúc (21,05), Kiến trúc công nghệ (20,64), Kiến trúc nội thất (21,53), Kiến trúc cảnh quan (19,23).
Các tổ hợp xét tuyển gồm: V00 (Toán, Vật lý, Vẽ hình họa mỹ thuật), V02 (Vẽ mỹ thuật, Toán, Tiếng Anh) và V10 (Toán,Tiếng Pháp, Vẽ mỹ thuật).
Đại học Kiến trúc Đà Nẵng
Thông tin từ Đại học Kiến trúc Đà Nẵng, ngành kiến trúc đào tạo kiến thức về thiết kế công trình kiến trúc, thiết kế quy hoạch khu ở ; khả năng lĩnh hội nghệ thuật kiến trúc và nắm bắt các xu hướng thiết kế đương đại. Sinh viên tốt nghiệp biết vận dụng linh hoạt các tiêu chuẩn xây dựng và tính năng vật liệu vào thiết kế, đảm bảo 3 yếu tố: công năng, nghệ thuật và kỹ thuật.
Năm 2023, điểm chuẩn trúng tuyển ngành Kiến trúc của trường này dao động từ 19 - 21 điểm, tùy tổ hợp xét tuyển.
Đại học Khoa học, Đại học Huế
Thông tin từ Đại học Khoa học (Đại học Huế), khoa Kiến trúc luôn lấy phương châm đào tạo lực lượng kiến trúc sư với trình độ và chất lượng cao để đáp ứng tốt nhất nhu cầu của thị trường về các mặt công tác tổ chức và cải thiện không gian - môi trường sống, sinh hoạt và làm việc.
Năm 2023, điểm chuẩn trúng tuyển ngành Kiến trúc của trường này là 16,5 điểm, xét tuyển các tổ hợp khối V00, V01, V02.
Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TP.HCM
Bài viết trên website Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TP.HCM nhấn mạnh, ngành Kiến trúc dành cho các thí sinh có khả năng tư duy chiến lược, năng khiếu nghệ thuật, có tìm hiểu và đam mê kiến trúc.
Năm 2023, ngành Kiến trúc, Đại học Bách khoa TP.HCM có điểm chuẩn là 59,36, theo công thức tính điểm xét tuyển riêng của trường.
Ngoài ra, bạn cũng có thể theo đuổi ngành Kiến trúc tại một số trường đại học khác như: Đại học Văn Lang, Đại học Duy Tân, Đại học Quốc tế Hồng Bàng.
Bình luận