Ngày 24/9, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ ra Chỉ thị về việc sử dụng sách giáo khoa (SGK), trong đó yêu cầu giáo viên không để cho học sinh viết, vẽ vào SGK.
Một trong những nội dung của chỉ thị nêu rõ: "Hướng dẫn học sinh nghiên cứu sách giáo khoa để thực hiện các hoạt động học và ghi kết quả học tập vào vở, không viết, vẽ vào sách giáo khoa".
Tuy nhiên, nhiều giáo viên cho rằng, Bộ ra Chỉ thị như vậy bất khả thi, không phù hợp với điều kiện thực tế.
Thầy giáo Trần Mạnh Tùng, giáo viên dạy Toán ở Trường Lương Thế Vinh (cơ sở Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội) chỉ ra dẫn chứng việc Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu học sinh không được viết vào SGK là bất khả thi.
Thầy Tùng cho rằng, xem kỹ cả 184 trang của cuốn SGK Toán lớp 1 thì thấy, trừ trang bìa và mục lục, trang nào cũng cần học sinh phải viết, vẽ trực tiếp vào sách. Vị giáo viên này cho rằng SGK như hiện nay tạo hứng thú học tập, phù hợp với xu thế phát triển chung.
Thầy Tùng nói: "Với SGK hiện này, các em học sinh được quan sát, thao tác ngay trên hình vẽ, số liệu được cung cấp; điền kết quả tương ứng với mỗi hình vẽ, mỗi yêu cầu; được học Toán, làm Toán cùng trong một quyển sách...
Bên cạnh đó, SGK được in màu, có nhiều hình vẽ minh họa, có nhiều loại câu hỏi phong phú. Học sinh có thể tô màu, nối hình, viết số, điền số, khoanh hình, đếm hình… rất phù hợp xu hướng. Ở các nước tiến bộ, SGK cũng được thiết kế như thế".
Video: Năm 2019-2020, học sinh lớp 1 có SGK mới
Thầy Tùng phân tích: "Nếu so sánh SGK hiện giờ với sách cách đây 30 - 40 năm trước là cổ hủ, lạc hậu. Sao không mua một chiếc tivi đen trắng về để xem? Sao lại đòi hỏi sách phải dùng được nhiều lần mà không quan tâm đến tính thuận tiện, hiệu quả của việc dùng một lần?".
Thầy Tùng cho rằng, dường như Bộ Giáo dục và Đào tạo đang chạy theo dư luận và đưa ra yêu cầu chưa phù hợp với thực tế và bất khả thi.
"Yêu cầu giáo viên không để cho học sinh viết, vẽ vào SGK là bất khả thi. Nếu Bộ trưởng dạy được dù chỉ một tiết chương trình Toán lớp 1 mà không cho học sinh viết vào sách, tôi xin bỏ nghề dạy học", thầy Trần Mạnh Tùng khẳng định.
Cũng có cùng quan điểm này, cô giáo Võ Hoài Thương (đang dạy tại một trường tiểu học ở Hà Nội) cho biết, việc yêu cầu học sinh lớp 1 không viết, vẽ vào SGK là rất khó. Bởi các em ở lứa tuổi này chưa biết đọc, biết viết thì làm sao có thể chép đề bài vào vở rồi làm.
Cô giáo Thương lấy ví dụ, những bài tập trong sách giáo khoa Toán lớp 1 nội dung của bài yêu cầu học sinh tô màu, nối, điền vào chỗ trống.
"Với những bài điền số vào các chỗ trống trong các hình vẽ về bút chì, ô tô... không lẽ học sinh phải vẽ các hình này vào vở rồi mới làm sao. Bài nào cũng chép thì học sinh lấy đâu ra thời gian tiếp thu kiến thức.", cô giáo Hoài Thương cho hay.
Cô Thương cho rằng việc thiết kế các hình ảnh, hình vẽ trực quan sinh động giúp cho học sinh lớp 1 dễ dàng tiếp nhận kiến thức hơn. Nếu nghiên cứu trong SGK còn kết quả phải ghi vào vở thì đi ngược lại mục đích của việc thiết kế này.
Năm học 2018-2019, sỹ số học sinh lớp 1 của trường từ 45-50 học sinh mỗi lớp nên giáo viên này thể hiện sự quan ngại với khả năng thực thi trong thực tế của chỉ thị này.
Không chỉ gây khó khăn đối với những học sinh chưa thuộc mặt chữ, đối với học sinh các lớp lớn hơn như lớp 4, lớp 5 nhiều giáo viên cũng cho rằng quy định này của chỉ thị đang gây khó, "câu giờ" không cần thiết.
Trong khi đó, cô Nguyễn Thị Loan (giáo viên ở huyện Vũ Thư, Thái Bình) cho rằng: "Không biết Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã xem kỹ SGK lớp tiểu học và vở bài tập các môn của bậc THCS chưa? SGK được thiết kế là để học sinh viết trực tiếp vào sách, nếu không cho học sinh viết vào sách thì giáo viên phải làm sao? Phải chăng Bộ chỉ đạo tuỳ hứng?”.
Bình luận