Sức hút của tuyển Việt Nam ở thời điểm này là rất mạnh mẽ, khiến cho những tấm vé xem bóng đá trở thành món hàng cực nóng ở thời điểm hiện tại. Dù đã có những điều chỉnh nhưng công tác phân phối vé vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của người hâm mộ.
Lời than thở "mua được vé còn khó hơn trúng xổ số" thậm chí còn xuất hiện nhiều hơn khi VFF chuyển sang bán vé kiểu 4.0. Nhưng yêu bóng đá Việt Nam, khao khát đến sân cổ vũ đội nhà thi đấu cần phải được thể hiện văn minh, trước hết người hâm mộ không nên tiếp tay cho nạn phe vé, và càng không được phép cho mình cái quyền vượt tường rào vào làm loạn trụ sở VFF để đòi cho được tấm vé vào sân.
VFF cố gắng, nhưng chưa hoàn thiện
Phải thừa nhận, việc chuyển bán vé từ hình thức xếp hàng nhiều bất cập sang bán vé trực tuyến là bước đi đúng đắn của VFF, thể hiện thái độ cầu thị, lắng nghe dư luận để hướng đến sự thay đổi. Tuy nhiên, như cách ví von của BLV Quang Huy, bán vé cũng "giống như một người tập thể lực, phải nâng dần dần khối lượng lên chứ không thể đùng một cái tập nặng ngay được, quá tải là đương nhiên".
Ở vòng bảng, cổng bán vé trực tuyến chỉ phân phối 4.000 vé, trong khi đường bán vé trực tiếp một lần nữa gây ra những bất cập. Rút kinh nghiệm, VFF quyết định 25.000 vé trận bán kết lượt về Việt Nam vs Philippines chỉ được bán online. Nhưng số lượng vé chỉ tăng lên sáu lần, còn số lượng người mua thì nhân lên gấp hàng trăm, thậm chí hàng nghìn lần.
Theo thông tin từ VFF, có thời điểm hệ thống ghi nhận tới gần 30 ngàn lượt truy cập và thao tác cùng lúc. Trong khi đó, với 25 ngàn vé bán chia làm nhiều đợt, mỗi đợt khoảng 5 ngàn vé thì chỉ có khoảng hơn 1 ngàn người có thể giao dịch thành công (tạm coi mỗi người mua đều chọn số vé tối đa được phép là 4 chiếc).
Nhu cầu quá lớn của người hâm mộ so với lượng vé bán ra khiến hàng nghìn vé "bốc hơi" nhanh chóng, nên về vấn đề này, rất khó để đổ lỗi cho hình thức phân phối. Sức chứa sân Mỹ Đình quá nhỏ so với nhu cầu xã hội, do đó xác suất mua được vé khan hiếm là chuyện dễ hiểu. Cũng như dòng người xếp hàng mua vé, không phải tất cả đều được "đền đáp" với tấm giấy thông hành vào sân.
Chừng nào cung và cầu còn chênh lệch quá lớn như vậy, tình trạng quá tải là điều không thể tránh khỏi. Câu hỏi đúng dành cho nhà tổ chức không phải là "phương thức bán vé nào hiệu quả?", mà phải là "thực hiện các phương thức bán vé sao cho hiệu quả?". Cách làm của người Malaysia và Thái Lan có thể gợi ý một vài câu trả lời cho VFF.
LĐBĐ Thái Lan (FAT) không tự phân phối vé trực tuyến, thay vào đó họ giao cho một đơn vị khác là Thai Ticket Major. Thai Ticket Major có một nền tảng bán vé online không chỉ cho bóng đá mà cả các sự kiện thể thao, giải trí... khác. Tất nhiên hệ thống của họ đủ tốt để đối mặt với hàng chục ngàn lượt truy cập. Tương tự như vậy, LĐBĐ Malaysia (FAM) bán 40.000 vé trực tuyến trên hệ thống của Ticket Hot Line và 25% số vé bán trực tiếp được giao cho 2 công ty bán lẻ.
VFF đương nhiên không thể có nền tảng kỹ thuật tốt như các công ty công nghệ, thương mại điện tử và tổ chức bán hàng cũng không giỏi bằng các doanh nghiệp bán lẻ. Việc tìm một (hoặc nhiều) đối tác phân phối vé để chia sẻ gánh nặng có lẽ sẽ tốt hơn cho liên đoàn. Thay vì giải quyết bài toán quá tải khó nhằn, vấn đề dành cho VFF sẽ là làm thế nào để kiểm soát được các đơn vị được ủy quyền này.
Video: Không thể cho phép những cảnh tượng phá cửa, xông vào trụ sở VFF đòi mua vé thế này
Phe vé: Vấn đề không nằm ở cách phân phối
Tại sao vé chợ đen không xuất hiện rầm rộ, công khai ở các giải đấu lớn trên thế giới như ở Việt Nam? Tại sao không ai đi phe vé máy bay, mà vé xem bóng đá luôn bị đẩy giá lên cực cao so với giá gốc?
Sáng nay, phe vé vẫn xuất hiện trên mạng, hỉ hả rao 5 triệu đồng/cặp hoặc bán sang tay trực tiếp tại Mỹ Đình với giá 6 triệu đồng cho 1 cặp vé VIP. Rõ ràng, giống như "con voi chui lọt lỗ kim", lỗ hổng dành cho phe vé luồn lách, kiếm lời vẫn rất lớn.
Nhưng khi mọi chỉ trích cứ đổ hết lên VFF với những nghi ngờ, những kẻ được hưởng lợi trực tiếp và rõ ràng nhất từ vé chợ đen lại được tận hưởng sự yên bình trong tâm bão. Cần phải hiểu rằng, dù những nghi ngờ về sự tiếp tay của VFF có thật hay không, phe vé vẫn có vé để bán.
Nếu người hâm mộ có thể mua được vé, chẳng có lý do gì mà phe vé lại không làm được khi họ sẵn sàng chi nhiều tiền hơn, bỏ nhiều công sức hơn và bày nhiều chiêu trò hơn. Những thử nghiệm của VFF cho thấy rằng thay đổi cách bán không thể dẹp được phe vé, mà chỉ khiến thị trường chợ đen chuyển từ hình thức này sang hình thức khác. Vấn đề có lẽ không nằm ở phương thức bán vé, mà là bản thân tấm vé.
Nhắc lại câu hỏi "tại sao không ai đi phe vé máy bay?" Những tấm vé máy bay cũng gợi ý cho VFF một cách làm đáng để thử nghiệm, tất nhiên đòi hỏi một sự đầu tư nhất định. Thực tế đây cũng là cách mà các giải đấu lớn trên thế giới đang áp dụng.
Ở Anh, việc mua đi bán lại vé bóng đá mà không được sự cho phép của nhà tổ chức là bất hợp pháp. Nhưng làm cách nào để biết một tấm vé có phải là của người đang cầm nó trên tay hay không? Điều đó được kiểm soát bằng hệ thống cơ sở dữ liệu để một tấm vé được gắn với một và chỉ một người mua duy nhất.
Có thể tưởng tượng ra cách làm lý tưởng về mặt lý thuyết như thế này: Mỗi tài khoản chỉ mua một số lượng vé nhất định, trên vé sẽ có thông tin định danh của chủ vé. Phần còn lại là công việc của bộ phận soát vé. Chỉ những người được xác nhận sở hữu đúng tấm vé như thông tin trong cơ sở dữ liệu mới được vào sân.
Kiểm tra an ninh gắt gao như vậy sẽ tránh trường hợp phe vé với giá cao hơn để kiếm chác. Những cá nhân có vé song không có nhu cầu xem bóng đá chỉ có thể trả lại vé cho nhà tổ chức để được hoàn lại tiền. Ai sẽ mua những tấm vé vô giá trị khi họ không phải người mua đầu tiên?
Bán vé kiểu 4.0 sẽ đối phó được với nạn phe vé. Điều đó không sai và việc những kẻ đầu cơ đứng bên ngoài trụ sở VFF chèo kéo các cổ động viên bán lại vé sáng nay là một minh chứng. Tuy nhiên vẫn còn những phe vé kiểu khác, những người đã mua vé thành công, nhưng không thể chống lại cám dỗ từ những khoản chênh lệch giá cực lớn trên thị trường chợ đen.
Để giải quyết triệt để hơn, VFF cần thêm những cải tiến 4.0 khác. Không chỉ là trong phương thức bán vé, mà ngay cả những tấm vé cũng cần 4.0.
Và người yêu bóng đá Việt Nam, hãy thông cảm và tiếp tục chung tay cùng VFF giúp chính những người hâm mộ đến sân văn minh, lịch sự hơn.
"Số lượng người mua được là thiểu số trong những người có nhu cầu và họ nhận những bình luận mang tính kỳ thị khi chia sẻ thông tin đặt vé thành công. Chúng tôi khẳng định đó đều là những người thật và Bưu điện Việt Nam sẽ phụ trách việc này dựa trên danh sách có thật", Tổng Thư ký VFF Lê Hoài Anh trả lời phỏng vấn Zing.vn.
Bình luận