Bốn người đàn ông thư thái ngồi ghế nhựa quan sát những người khác đuổi theo quả bóng trong một trận đấu "phủi". Trên đầu họ là bốn quả tên lửa lần lượt xẹt ngang giữa bầu trời đêm. Tìm kiếm trên YouTube với từ khóa "football in Yemen", đoạn video kéo dài vỏn vẹn 27 giây với những chi tiết như vậy sẽ là một trong những kết quả hiện ra hàng đầu xen giữa các trận đấu của đội tuyển quốc gia Yemen.
Chơi bóng dưới làn đạn có lẽ là một hình ảnh mang tính biểu tượng khi nhắc tới môn thể thao vua ở những đất nước Trung Đông bất ổn về chính trị. Đó cũng là lý do khiến việc Iraq vô địch Asian Cup 2007 hay Syria suýt tham dự World Cup 2018 trở thành những câu chuyện truyền cảm hứng.
Nhưng ít ra ở Iraq và Syria còn có bóng đá thực sự với các giải đấu, các câu lạc bộ và những cầu thủ chuyên nghiệp. Bóng đá Yemen khó mà truyền cảm hứng được khi mà bản thân môn thể thao này còn chẳng sống nổi ở một đất nước đang trải qua "thảm họa nhân đạo tồi tệ nhất thế giới”, theo cách gọi của Liên Hợp Quốc.
Nơi bóng đá không thể sống
Yemen từng có một giải vô địch quốc gia 14 đội, số lượng ngang V-League hiện giờ. Tuy nhiên nó đã bị xóa sổ từ cách đây ba năm khi cuộc nội chiến nổ ra ở đất nước này khiến hàng vạn người thiệt mạng vì bom đạn. nạn đói và dịch bệnh.
Các CLB bóng đá ở Yemen chỉ còn tồn tại trên danh nghĩa chứ không có hoạt động nào. Chỉ có một số đội bóng ở hai thành phố lớn Sana'a và Aden còn duy trì tập luyện và thi thoảng đấu giao hữu với nhau. Dù vậy gần như tất cả các CLB đều không có tiền trả lương cho nhân viên, cầu thủ và huấn luyện viên.
“Tôi phải tính chuyện tìm việc khác để kiếm tiền. Có lẽ tôi sẽ phải đi lính thôi”, BBC dẫn lời Ammad Amr Talal, một cầu thủ của Al Tilal, CLB từng là lớn nhất của Yemen.
Một số ít cầu thủ may mắn tìm được đường ra nước ngoài thi đấu, chủ yếu ở Qatar. Những người ở lại phải đổi nghề để kiếm sống trong cảnh khốn khó. Bóng đá thậm chí còn không phải là một nghề tay trái, dù nhiều người vẫn còn hợp đồng và tập luyện ở các CLB và họ phải tự trang trải các chi phí cho việc di chuyển, ăn uống, trang bị đồ nghề hay thậm chí cả thuê phòng tập gym.
Họ cũng không được tập ở các sân vận động bởi chúng nếu không hư hỏng nặng thì cũng bị biến thành nơi đóng quân của các lực lượng vũ trang. Sân Al Meraissi của CLB Al Yarmouk bị phiến quân Houthi chiếm làm doanh trại (sau khi buộc đội bóng phải giải thể), rồi trở thành mục tiêu oanh tạc của phe Liên quân do Ả Rập Xê Út dẫn đầu.
Đội bóng không có sân nhà
Ở nơi mà "bóng đá không thể sống", việc tổ chức ra một đội tuyển quốc gia để thi đấu các giải quốc tế đã là một nỗ lực tuyệt vời của Hiệp hội bóng đá Yemen (YFA). Thực tế các đội trẻ của Yemen vẫn xuất hiện khá đều đặn ở các giải châu lục, dù kết quả thi đấu khá thảm hại (trừ một điểm sáng năm 2002 khi đội U16 nước này giành ngôi á quân châu Á và được tham dự giải U17 thế giới).
Tất nhiên đội tuyển quốc gia của Yemen không thể tập trung trong nước vì vừa không đủ an toàn, vừa chẳng có đủ cơ sở vật chất. Hiệp hội bóng đá Yemen lập đội tuyển quốc gia bằng cách gom những cầu thủ còn tập luyện thường xuyên ở các CLB trong nước cùng những người thi đấu ở nước ngoài, khoảng 40 người rồi từ đó tuyển chọn, lắp ghép đội hình.
“Cầu thủ của tôi chỉ có thể chơi bóng khi đá giao hữu quốc tế hoặc vòng loại Asian Cup, còn lại chẳng có gì”, HLV Abraham Mebratu, người đã đưa đội tuyển Yemen đến với kỳ Asian Cup đầu tiên trong lịch sử, chia sẻ.
“Chúng tôi không thể đá bóng ở Yemen vì lý do an toàn và điều đó rất khổ sở cho các cầu thủ, những người muốn chơi bóng trước sự cổ vũ của cổ động viên nhà. Phải đá tất cả các trận trên sân khách là rất khó khăn nhưng chúng tôi vẫn nhớ rằng người Yemen nơi quê nhà đang dõi theo".
Ông Mebratu chia tay đội tuyển Yemen ngay sau khi cùng các học trò chính thức vượt qua vòng loại Asian Cup 2019. YFA tìm được người thay thế là HLV Jan Kocian, có lẽ cũng phải nhờ một phần hỗ trợ đáng kể từ FIFA và AFC. Điều đáng chú ý là trong hợp đồng của ông Kocian với YFA một điều khoản rằng cựu danh thủ Tiệp Khắc này sẽ không đặt chân vào lãnh thổ Yemen.
HLV Kocian nhậm chức tháng 10/2018 và gặp đội bóng của mình trong chuyến tập huấn tại Ả Rập Xê Út. Sau đó ông và các học trò của mình chỉ đóng quân ở Qatar. Đội tuyển Yemen, cũng giống như Syria, Afghanistan... không có sân nhà mà phải thi đấu trên các sân trung lập khi được xếp làm đội chủ nhà.
"Bất cứ đội bóng nhỏ nào cũng có thể mơ lớn”, HLV Kocian phát biểu trước khi bước vào Asian Cup. Nhưng giấc mơ của đội tuyển Yemen không chỉ là làm được cái gì đó ở giải đấu này.
“Giấc mơ lớn nhất của họ là nhận được hợp đồng ra nước ngoài thi đấu”, cựu danh thủ Tiệp Khắc từng dự World Cup 1990 chia sẻ.
Chẳng ai lại tới một đất nước như Yemen để tìm kiếm cầu thủ cả, vậy nên cơ hội tốt nhất cho các tuyển thủ Yemen là màn trình diễn của đội tuyển quốc gia tại Asian Cup, nơi họ được thi đấu trước sự chứng kiến của dư luận quốc tế. Dẫu vậy, kể cả khi thua nốt trận đấu với đội tuyển Việt Nam ngày mai và ra về tay trắng thì các cầu thủ Yemen cũng không có gì phải thất vọng. Có mặt ở Asian Cup đã là một kỳ tích đối với họ.
Bình luận