• Zalo

Yatai - ‘Cô gái lọ lem’ của văn hóa ẩm thực Nhật Bản

TrẻThứ Hai, 06/01/2025 14:04:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Yatai chính là tên gọi chung cho những gian hàng ăn uống nhỏ, di động, dựng khắp các con phố ở Nhật Bản vào đầu buổi tối.

Không chỉ đơn thuần là dịch vụ đường phố, Yatai trở thành một phần không thể thiếu trong bức tranh văn hóa ẩm thực xứ sở hoa anh đào. Theo nhiều ghi chép, nguồn gốc của Yatai bắt nguồn từ thời Edo, khi những người bán hàng rong di chuyển khắp các con phố, mang theo những món ăn đơn giản để phục vụ người dân. 

Ban đầu, Yatai chỉ là những chiếc xe đẩy nhỏ, đơn sơ, nhưng dần dần chúng được cải tiến và trở nên đa dạng hơn về hình thức cũng như các món ăn.

Những chiếc đèn lồng đỏ “akachochin" trên các yatai là một phần của cuộc sống về đêm tại quận Hakata. (Ảnh: Kyodo News)

Những chiếc đèn lồng đỏ “akachochin" trên các yatai là một phần của cuộc sống về đêm tại quận Hakata. (Ảnh: Kyodo News)

Sau Thế chiến thứ II, Yatai trở nên phổ biến hơn như một cách xoay sở để thoát khỏi tình trạng bị mất cửa hàng do chiến tranh. Chúng xuất hiện ở khắp các thành phố lớn, đặc biệt là tại Fukuoka, nơi được xem là “thủ phủ” Yatai của Nhật Bản. Fukuoka hiện có hơn 100 quầy hàng lưu động, nhiều hơn toàn bộ phần còn lại của đất nước này cộng lại và tập trung ở các quận trung tâm như Nakasu, Chuo, Nagahama… 

Món ăn đa dạng, gọn nhẹ cùng mức giá phải chăng là những yếu tố khiến trải nghiệm Yatai thu hút. (Ảnh: Planetyze)

Món ăn đa dạng, gọn nhẹ cùng mức giá phải chăng là những yếu tố khiến trải nghiệm Yatai thu hút. (Ảnh: Planetyze)

Yatai thường có hình dạng giống như một căn nhà nhỏ di động, có thể được kéo bằng tay hoặc gắn xe máy với sức chứa dao động trong khoảng 8-12 người. Thiết kế của chúng mang đậm nét truyền thống Nhật Bản, với những chiếc đèn lồng nhỏ và các vật trang trí bằng tre. 

Món ăn được bán rất đa dạng, từ các món ăn truyền thống như yakitori (gà nướng xiên), takoyaki (bánh bạch tuộc), okonomiyaki (bánh kếp), đến các món ăn ramen, udon, soba. Mỗi vùng miền lại có những món ăn đặc trưng riêng, tạo nên sự phong phú và đa dạng cho văn hóa này. 

Song, theo Đạo luật Vệ sinh Thực phẩm Nhật Bản, không quầy hàng Yatai nào được phép phục vụ thực phẩm sống nên sashimi hay rau sống sẽ không có trong thực đơn. Thực khách đến đây được khuyến khích không uống quá chén để thưởng thức ẩm thực trọn vẹn cũng như đảm bảo trật tự nơi công cộng. 

Với Yatai, thực khách luôn được thưởng thức hương vị thơm ngon của món ăn khi còn nghi ngút khói. (Ảnh: Tastet)

Với Yatai, thực khách luôn được thưởng thức hương vị thơm ngon của món ăn khi còn nghi ngút khói. (Ảnh: Tastet)

Ramen là món ăn phải thử ở Yatai, mì sợi kèm với nước dùng làm từ cá cùng thịt lợn… (Ảnh: Transfer Co. Food Hall)

Ramen là món ăn phải thử ở Yatai, mì sợi kèm với nước dùng làm từ cá cùng thịt lợn… (Ảnh: Transfer Co. Food Hall)

Các quầy hàng bắt đầu mở cửa từ chiều tối, vì lúc này, khách du lịch thường tản bộ tham quan thành phố, người dân tan sở, đi theo nhóm, quây quần bên những bát mì ramen, xiên thịt nướng nóng hổi, nhâm nhi chén rượu sake và trò chuyện rôm rả. 

Vậy nên hơn cả thưởng thức ẩm thực đường phố hấp dẫn, Yatai còn là nơi mọi người có thể tụ tập, giao lưu, tìm kiếm cảm giác ấm cúng và gắn kết. Tại nhiều lễ hội, sự kiện văn hóa, Yatai cũng xuất hiện và góp phần tạo nên bầu không khí náo nhiệt và vui tươi.

Yatai cũng phổ biến trong nhiều lễ hội, sự kiện văn hóa. (Ảnh: Onilx)

Yatai cũng phổ biến trong nhiều lễ hội, sự kiện văn hóa. (Ảnh: Onilx)

Yatai được xem như “Cô gái lọ lem” trong thế giới ẩm thực bởi lẽ chúng chỉ hoạt động vào ban đêm. Người bán phải dỡ bỏ và dọn dẹp quầy hàng lúc đêm khuya hoặc sáng sớm trước khi những người đi làm bắt đầu xuất hiện trên đường phố. 

Từ năm 1948, Nhật Bản cũng ban hành nhiều bộ luật liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng cháy chữa cháy, giao thông đường phố... gây khó khăn cho yatai, khiến một số lượng lớn các quầy hàng phải ngưng hoạt động.

Văn Tân
Bình luận
vtcnews.vn