(VTC News) - Đã nhiều năm trôi qua kể từ khi lệnh cấm xe máy ở Yangon được ban hành, đến nay mặc dù hệ thống giao thông nơi đây đã phát triển đáng kể nhưng đâu đó vẫn còn những hi vọng về sự trở lại của loại phương tiện này.
Vốn là một nước bị cho là lạc hậu, nhưng thực tế chính phủ Myanmar đã ý thức rất sớm về viễn cảnh xe máy sẽ làm những đô thị lớn trở nên nhếch nhác và thiếu an toàn. Vì vậy, ngay từ năm 2003, chính phủ nước này đã ban hành lệnh cấm triệt để xe máy tại thủ đô cũ, Yagon và 14 thị trấn xung quanh.
Đã có những tin đồn cho rằng lệnh cấm này liên quan đến việc con trai một tướng lĩnh quân đội chết trong lúc điều khiển xe máy, và một vị tướng khác cũng bị đe dọa tính mạng bởi lí do tương tự. Dĩ nhiên, đó chỉ là tin đồn, nhưng nhìn chung lí do lớn nhất của lệnh cấm này chính là vì lí do an toàn.
Lệnh cấm ngay lập tức biến giao thông Yangon, một thành phố rộng 598.75 km2 với gần 6 triệu dân có những chuyển biến tích cực, dù rằng hệ thống giao thông công cộng ở nơi đây mới chỉ đáp ứng được nhu cầu cơ bản chứ vẫn chưa thể đáp ứng được phần nhiều kì vọng. Gần như tất cả xe máy ở Yangon (chủ yếu là xe nhập lậu) bị loại bỏ, người dân di chuyển bằng những chiếc taxi, xe bus, hững chiếc xe lam, xe tải tồi tàn và xe đạp.
Một chiếc xe bus tại Yangon. |
Tuy không mấy tiện lợi và thoải mái, nhưng thực tế bộ mặt Yangon đã thay đổi rất nhiều kể từ ngày lệnh cấm được ban hành. Những chiếc xe máy nhếch nhác cũ kĩ không còn tồn tại, không khí trong lành, giao thông an toàn hơn nhiều và chẳng bao giờ có tình trạng kẹt xe.
Mãi đến năm 2008, chính quyền Myanmar mới cho phép lưu thông xe máy trở lại tại 14 thị trấn ngoại thành Yangon trong khi đối với khu vực nội thành, chỉ có những công chức nhà nước mới có đặc quyền này với những điều lệ nghiêm khắc. Họ phải đội nón bảo hiểm khi tham gia giao thông và không được phép chở thêm bất cứ ai.
Nếu không đội nón bảo hiểm, họ sẽ bị phạt 10.000 kyat (hơn 220 nghìn đồng) và số tiền phạt cho việc đi xe máy vào nội thành sẽ cao gấp đôi, thậm chí là bị tịch thu xe nếu là lỗi nghiêm trọng. Trong năm 2012, cảnh sát Yangon đã thi hành án phạt đối với hơn 800 trường hợp cố ý đi xe vào vùng cấm.
Trong khi đó, cùng với việc đã bắt đầu được dỡ bỏ lệnh cấm vận và chính sách mở cửa trong thời gian gần đây, bộ mặt giao thông đô thị của Yangon đã có những chuyển biến tích cực. Những chiếc xe hơi đến từ nhiều hãng sản xuất nổi tiếng bắt đầu xuất hiện trên đường phố (với cái giá rất cao) và đi kèm với những tiến bộ của dịch vụ taxi và xe bus. Dẫu vậy, theo anh Ko Moe nhận xét, nhìn chung những dịch vụ này vẫn chưa được nhanh chóng và xứng đáng với chi phí bỏ ra.
Một chiếc xe máy lưu thông ở ngoại thành Yangon. |
Việc nới lỏng lệnh cấm của chính quyền Myanmar đã làm dấy lên hi vọng rằng một ngày nào đó những chiếc xe máy sẽ xuất hiện trở lại ở Yangon, bất chấp việc người dân nơi đây đã quen với cuộc sống không xe máy hơn 10 năm trời. Vì nhiều lí do (chủ yếu là kinh tế và sự tiện lợi) mà hàng ngày ở Yangon vẫn có rất nhiều người dân bất chấp lệnh cấm và đi xe máy vào nội thành:
"Tôi phải rất may mắn mới không bị phạt trong 2 năm qua", Ko Moe nói.
Thực tế, dù biết rằng việc vi phạm lệnh cấm sẽ khiến người dân mất trắng một khoản tài sản khổng lồ bao gồm chiếc xe, tiền nộp phạt và chi phí đăng kí xe (50.000 kyat), vẫn có rất nhiều người trong số họ chịu mạo hiểm bởi với chỉ 65 chiếc xe máy trong tay, cơ quan cảnh sát Yangon không thể nào kiểm soát được toàn bộ tình hình giao thông nơi đây. Hay nói cách khác, lệnh cấm của chính quyền Myanmar đang mất dần đi hiệu lực bởi nguồn lực hạn chế của cơ quan công quyền.
Mặc dù vậy, con số 2 người chết mỗi ngày vì tại nạn xe máy vẫn làm chính quyền nước này kiên quyết thực hiện lệnh cấm này bởi với việc doanh số xe máy ở các khu vực khác của nước này đang ngày càng tăng cao thì một Yagon không có lệnh cấm chắc chắn sẽ là một Yangon hoàn toàn khác vào lúc này.
Nhếch nhác hơn, nguy hiểm hơn, và con số 2 người chết mỗi ngày chắc chắn sẽ tăng cao!
Lê Thịnh
Bình luận