• Zalo

Y Garia - đường về Rock Tây Nguyên

Tổng hợpThứ Hai, 16/09/2013 02:39:00 +07:00Google News

Suối nguồn - tên một ca khúc trong album Thời gian do chính tay Ri viết là ca khúc Rock Tây Nguyên với ca từ và cảm xúc...

«Tôi rất thích ca khúc Nâu của nhạc sĩ Hà Quang Minh do Ri thể hiện, ca khúc nằm trong Album Thời gian mới phát hành và chợt nghĩ, nếu ca sĩ Y Moan là một ly cà phê đen 100% nguyên chất thì con trai ông - Ri là một ly nâu. Không dữ dội và đầy nội lực như ba nhưng cũng mạnh mẽ, da diết và không kém phần máu lửa».

Hẹn gặp Y Garia vào một buổi chiều mưa Hà Nội sau buổi tập cho chương trình Bài hát yêu thích tháng 9. Bên ngoài mưa tí tách rơi, sau cửa kính, Ri (tên thân mật của Y Garia) ngồi nhâm nhi ly cà phê đá trầm tĩnh và hiền lành. 
Cậu bé Ri lớn lên dưới cái bóng của tán cây rộng lớn Y Moan - người cha, người bạn lớn và là người đã cho anh những lời khuyên quý giá. Ri kể, ngày nhỏ đã nghe Scorpion, The Beatles theo ba. Mỗi lần ba đi nước ngoài về lại mang theo vài băng cassette, buổi trưa trốn ngủ, Ri lại bỏ băng vô chiếc cassette dưới chân, nằm cạnh mẹ, thấy mẹ thiêm thiếp cậu lại thò chân xuống bật tách một cái rồi nghêu ngao hát theo. Mẹ giật mình tỉnh dậy đập bộp vô mông một cái mắng “Ri, ngủ đi”, Ri lại khều ngón chân tắt. Cứ tắt - bật hoài như vậy cả buổi trưa dài oi ả những ngày Tây Nguyên nắng gió.

 

Âm nhạc của ba cũng như tính cách dữ dội của ông đã ảnh hưởng khá nhiều tới Ri, đặc biệt là dòng nhạc Rock Tây Nguyên do ông khai phá và ấp ủ muốn các con trai mình tiếp tục theo đuổi. Ri bảo, ngày ba con sống, ba nói: “các con đi đâu, làm nhạc tây nhạc tàu gì thì làm nhưng khi các con quay về với Tây Nguyên, với dòng nhạc của mình, chắc chắn các con sẽ tìm thấy chỗ đứng. Vậy, hãy cứ đi đi, cứ học đi”. Hỏi Ri, hình như so với các bạn cùng trang lứa, con đường âm nhạc của Ri có vẻ lận đận. Ri cười bảo, mình vẫn đang đi, vẫn đang học như lời ba nói. Gần đây nhất, Album Thời gian bao gồm 6/9 ca khúc do Ri sáng tác ra mắt công chúng, có lẽ cũng là sản phẩm âm nhạc đầu tiên của Ri, nhưng vẫn không phải là… Rock Tây Nguyên. Mặc dù Thời gian vẫn được giới chuyên môn và công chúng khen ngợi nhưng dường như vẫn có một sự hẫng hụt nào đó giống như người ta hẫng hụt vì một chiếc áo đặt may mong đến ngày được ướm mà không đúng màu.
Ri biết điều ấy. Có lẽ thế. Suối nguồn - tên một ca khúc trong album Thời gian do chính tay Ri viết là ca khúc Rock Tây Nguyên với ca từ và cảm xúc thể hiện nỗi nhớ của người con dành cho ba. Đó cũng là món quà Ri gửi tặng ba nhưng tôi còn hiểu, nó là lời hứa của người con trai với tâm nguyện của người cha quá cố, rằng nhiều ca khúc mang đậm âm hưởng rock Tây Nguyên nữa sẽ ra đời. Và quả thật, nhiều ca khúc với những màu sắc khác nhau đang được Ri viết và thử nghiệm. Ri dự định, sau Thời gian, một album khác hoàn toàn rock Tây Nguyên sẽ ra mắt công chúng, trong đó, nhiều nhạc cụ dân gian được sử dụng như ước nguyện của ba. 
Cảm hứng cho Ri sáng tác xuất phát từ làn điệu Khứt của người Ê Đê. Ri giải thích, điệu Khứt là lời ru chen lẫn tiếng khóc của người mẹ thương con rời đến cõi vĩnh hằng. Cảm hứng còn đến từ những kỷ niệm của anh với Tây Nguyên, thuở ra suối, lên rừng, đi bắt cá với ba, với chú, với anh những ngày mưa. Ri nhìn ra khoảng không ướt đẫm bên ngoài cửa kính, ánh mắt vẽ một dòng suối ký ức của mình trong vô định và nói, album ấy sẽ lấy chất liệu hoàn toàn từ quê hương Tây Nguyên của anh.

 

Hỏi Ri, liệu ước nguyện của cha có phải là áp lực đối với anh, Ri cười bảo không. Ngay từ khi còn bé, những âm thanh của núi rừng Tây Nguyên đã âm thầm đi vào tim vào óc Ri tự nhiên, nguyên thủy. Ngay cả nhạc cụ đầu tiên anh chơi cũng là cây đàn Tơ - rưng. Ngày Ri và anh chị em mình còn nhỏ, mỗi khi ba đi diễn nước ngoài về được bao nhiêu tiền cát xê ông mua hết nhạc cụ cho các con. Ri hãnh diện “khoe”, “ngày xưa khi rock còn chưa phát triển, anh Vol chơi rock mà tụi nó lé mắt luôn á”. Có một người cha như vậy, cả Y Vol, Y Garia đều không những chơi nhạc cụ điêu luyện từ tấm bé mà giọng ca cũng khỏe khoắn và hực lửa.
Ba ra đi khi con đường nghệ thuật của Ri mới ở những bước đầu tiên. Có người nói Ri mất đi một chỗ dựa. Ri mỉm cười bảo, “âm nhạc của tôi thật ra rất khác ba. Tôi có thể chơi được nhạc nhẹ, nhạc kịch hay nhiều thể loại khác nhau. Tôi đã từng hát hộp đêm, vũ trường để rồi sau này mới dần định hình cho mình một hướng đi. Tôi chưa bao giờ dựa dẫm vào ba, cũng như chưa bao giờ ba dạy chúng tôi dựa dẫm vào ai. Ba chỉ nói, ba đã gắn bó với mảnh đất này cả đời. Nếu một ngày các con trở lại đây, hãy làm hay hơn ba. Còn không, các con phải đi, không được bỏ cuộc”.
Ri tự nhận, “những bài ba đã hát hay quá rồi nên chúng tôi chẳng dám hát lại. Lợi thế của tôi là có thể hát cao hơn ba nhưng giọng không đầy bằng nội lực của ba. Người ta so bì thì cũng dễ hiểu thôi. Ba được đào tạo trong chiến tranh, trong gian khổ chứ đâu được đầy đủ như tôi bây giờ, vừa được học trường lớp vừa được tiếp thu nhạc nước ngoài. Ba tôi tự nhiên vậy đó, “100% cà phê nguyên chất”.

 

Những ngày du học xa nhà tại Trung Quốc, những ngày đông rét giá chẳng đi được đâu, ngồi trong phòng, trùm chăn kín đầu chỉ đủ để thò một tay ra ngoài, Ri viết nhạc. Ri bảo, nếu anh Vol vui vẻ, hài hước thì Ri sống nội tâm. Bao nhiêu cảm xúc giữ lại trong lòng nên bao nhiêu suy nghĩ, yêu thương nằm hết trong âm nhạc. Những ngày làm Thời gian, lòng chỉ đau đáu làm sao cho album không bị nghèo, ca từ không “chợ”, thật nhẹ nhàng và vẫn lắng đọng. Mục đích cuối cùng vẫn là tìm đường quay trở lại với nguyện vọng của ba: Rock Tây Nguyên. Có lẽ vì thế, Ri vẫn đang dốc tâm làm về nó. Ngay cả đề tài luận án của Ri sau khi tốt nghiệp tại Quảng Tây Trung Quốc cũng là nghiên cứu về thang âm Tây Nguyên. Hỏi Ri có định bảo tồn âm nhạc Tây Nguyên không, Ri bảo: “chất liệu âm nhạc Tây Nguyên giàu có như thế, nếu mình không giữ thì ai giữ? Tôi đã nghĩ tới chuyện đó nhiều, tôi đau đáu suốt. Nếu không giữ rồi thì nó sẽ như cái gạt tàn, cái cốc hay cái ly kia, sẽ mốc, sẽ hỏng và bị lãng quên theo thời gian”. Rồi Ri trầm ngâm, “từ sau ngày ba mất, anh em chúng tôi cũng đi hoài, thỉnh thoảng mới về thăm nhà. Bao nhiêu nhạc cụ, di vật của ba để lại cho em gái và mẹ trông. Mỗi lần về tôi lại nhắc em gái chịu khó lau phòng thu, hình ảnh, nhạc cụ của ba vì sợ không ai dùng tới nó mau hỏng”. Tháng 7 năm sau học xong, Ri dự định quay về giảng dạy tại TP.HCM để gần nhà, “cho kịp trở tay” vì nhà giờ chỉ còn có mẹ và em gái.

 

Ri nhìn ra cửa sổ, giọng vẫn đều đều, “10/9 là ngày giỗ ba mà tôi không về được, chắc ba sẽ không giận đâu vì lúc nào ba cũng muốn chúng tôi đi thật nhiều, thật xa. Chỉ thương mẹ, từ khi ba đi, mẹ buồn nhưng mẹ cũng chẳng muốn đi đâu rời xa ngôi nhà ấy”. Tôi bảo với Ri, ba của anh sẽ tự hào về anh khi nhìn thấy anh đứng trên sân khấu ngày hôm nay, Ri chỉ cười không nói gì. Ngoài kia, mưa vẫn trắng trời trắng đất.

Hà Trang
Bình luận
vtcnews.vn