• Zalo

Y án tử hình Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc

Pháp luậtThứ Tư, 07/05/2014 03:52:00 +07:00 Google News

(VTC News) - HĐXX quyết định, tử hình Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc về tội tham ô, 18 năm tù về tội Cố ý làm trái.

(VTC News) - Đúng 14h chiều 7/5, HĐXX Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội sẽ tuyên án vụ Dương Chí Dũng và 8 đồng phạm.

* Nhấn F5 để tiếp tục cập nhật...

15h52 phút, Tòa tuyên bố kết thúc phiên xét xử vụ án Dương Chí Dũng và đồng phạm.

15h55 phút, HĐXX tuyên án Trần Hữu Chiều 10 năm tù tội tham ô tài sản, Trần Hải Sơn 14 năm tù về tội tham ô tài sản. Tiếp tục kê biên 2 căn hộ do chị T. đứng tên. Khấu trừ 1/8 giá trị căn hộ tại 88 Láng Hạ và 1/2 giá trị căn nhà tại phố Nguyên Hồng cho bà Phương.


15h40 phút, Về kháng cáo của bà Phương và chị T. về việc kê biên tài sản nhà đất, HĐXX xác định: Có cơ sở để chấp nhận kháng cáo của hai người này. Việc chấp nhận kháng cáo của bà Phương về 1/2 giá trị căn nhà tại phố Nguyên Hồng và của chị T về 1/8 giá trị căn hộ tại chung cư Sky City 88 Láng Hạ là có căn cứ.

Cuối cùng của bản kết luận, HĐXX cấp phúc thẩm quyết định:

Tử hình Dương Chí Dũng về tội tham ô, 18 năm tù về tội Cố ý làm trái. Buộc bị cáo chấp hành hình phạt chung là Tử hình. Tử hình Mai Văn Phúc về tội tham ô, 18 năm về tội Cố ý làm trái. Buộc bị cáo chấp hành hình phạt chung là tử hình.


15h33 phút, theo Công lý, HĐXX cho rằng, cần phải giữ nguyên hình phạt mà cấp sơ thẩm đã tuyên dành cho hai bị cáo Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc mới đủ sức răn đe.Về hành vi của nhóm bị cáo hải quan, bản kết luận vụ án của cấp phúc thẩm nhận định: Hành vi của các bị cáo là cho thông quan ụ nổi 83M có trọng tải lớn, các bị cáo không có mục đích tư lợi trong vụ án.

Ở phiên sơ thẩm, các bị cáo này không nhận tội nhưng tại phiên phúc thẩm, các bị cáo đã nhận tội. Điều đó thể hiện sự ăn năn, hối cải. Do đó, các bị cáo hải quan cần được áp dụng tình tiết giảm nhẹ hình phạt. Về mức bồi thường dân sự của các bị cáo còn lại gồm Dũng, Phúc, Sơn, Khang và Dương HĐXX nhận định: Mức bồi thường mà cấp sơ thẩm đã tuyên là hoàn toàn có căn cứ.


15h15 phút,  Bản án kết luận của TAND Tối cao cũng nêu rõ, mặc dù Trần Hải Sơn là người đứng ra thỏa thuận với ông Goh (GĐ công ty AP) về khoản tiền lại quả 1,666 triệu USD. Tuy nhiên, việc này phải có thỏa thuận ngầm trước đó giữa Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc với ông Goh.

Chỉ có Dũng và Phúc mới có đủ thẩm quyền quyết định việc có mua ụ nổi hay không. Bên cạnh đó, bản kết luận cũng nêu rõ, một mình Trần Hải Sơn không thể chiếm đoạt hết số tiền lại quả này. Phải có sự đồng ý của Dương Chí Dũng hoặc Mai Văn Phúc thì Sơn mới đi thỏa thuận.


15h04 phút, theo Dân trí, Tòa nhận định, việc ký đề xuất thanh toán của Mai Văn Phúc, ký nháy vào hồ sơ ụ nổi của Trần Hữu Chiều, không báo cáo việc phát hiện hồ sơ thanh toán thiếu chứng từ của Bùi Thị Bích Loan như tòa sơ thẩm nêu ra là hợp lý.
 
Việc quy kết trách nhiệm về hành vi đồng phạm giúp sức của nhóm bị cáo là cán bộ hải quan khiến cho ụ nổi 83M được thông quan, đưa vào Việt Nam như cấp xét xử sơ thẩm kết luận hoàn toàn đủ căn cứ.
Dương Chí Dũng và đồng phạm chiều 7/5

Việc tính trách nhiệm bồi thường đưa tòa, HĐXX phúc thẩm cho rằng, phương án phá dỡ ụ để bán sắt phế liệu sẽ được 49 tỷ đồng thì giá trị của ụ tại thời điểm điều tra vụ án sẽ là 45 tỷ đồng, tức mức thiệt hại quy buộc cho các bị cáo cần phải giảm 8 tỷ đồng. Tòa phúc thẩm vẫn khẳng định, về tội danh cố ý làm trái các bị cáo đã bị tuyên buộc hoàn toàn không oan.  
 
14h55 phút, Tòa bác quan điểm của các luật sư cho là quyết định mua ụ nổi thuộc các thành viên HĐQT nên nếu quy tội Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc cũng phải buộc trách nhiệm những người này. Tòa khẳng định, việc thẩm vấn những người này thể hiện, các thành viên HĐQT trong các cuộc họp chỉ được cung cấp thông tin ụ nổi đủ điều kiện để mua nên đã đồng ý ký vào quyết định phê duyệt đầu tư dự án này. Vì vậy, trách nhiệm cao nhất vẫn là Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc, sau đến Trần Hải Sơn rồi Trần Hữu Chiều, Mai Văn Khang, Lê Văn Dương.
 
Chủ tọa phiên tòa dẫn lại chứng cứ là những thời khai cho thấy sự chỉ đạo của Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc về việc mua bằng được ụ nổi 83M qua công ty AP đối với các cấp dưới như Trần Hữu Chiều, Trần Hải Sơn, Mai Văn Khang.
 
14h50 phút, Chủ tọa phiên tòa dẫn lại nhiều lời khai của các bị cáo tại các bút lục để thấy nhận thức chủ quan của các bị cáo đều hiểu ụ nổi phải quản lý theo quy phạm của tàu biển. Thực tế ụ nổi 83M rất cũ nát, không đủ điều kiện mua, nhập khẩu, thông quan ụ.
 
Khi thực hiện dự án mua ụ nổi 83M, các bị cáo đã không thực hiện đúng quy định về đấu thầu như mời thầu, chào giá. Trách nhiệm đầu tiên của việc này thuộc Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc, Trần Hữu Chiều, Mai Văn Khang - tòa cho rằng nhận định này là đúng.
 
Tiền mua ụ nổi là từ khoản vay 130 triệu USD của Citibank. Mà Vinalines là DN 100% vốn nhà nước nên thiệt hại gây ra do hành vi của các bị cáo là thiệt hại cho nhà nước, việc “định tội” các bị cáo là cố ý làm trái, buộc bồi thường về thiệt hại gây ra tòa cho là đúng.
 
14h42 phút, Chủ tọa phiên tòa khẳng định, căn cứ nội dung tranh tụng, tòa nhận thấy, Vinalines là doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nhà nước. Ngày 12/5/2006, Dương Chí Dũng ký văn bản đề nghị Bộ GTVT bổ sung dự án nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam và xin Bộ trình Thủ tướng phê duyệt dự án. Mặc dù dự án sau đó chưa được cập nhật vào quy hoạch để trình Thủ tướng quyết định nhưng sau đó Vinalines vẫn quyết định triển khai dự án. Các tờ trình về việc này do Mai Văn Phúc ký trình HĐQT TCty và được Dương Chí Dũng ký quyết định phê duyệt trên cơ sở tờ trình này với số vốn hơn 3.800 tỷ đồng.
 
Việc làm này, tòa phúc thẩm nhận định trái nhiều văn bản quy định của nhà nước. Trách nhiệm thuộc về Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc và liên đới với các phòng, ban khác.
 
Việc loại trừ trách nhiệm của các bị cáo là cán bộ hải quan Vân Phong từ những phân tích ụ nổi không phải là tàu biển, tòa cho là không hợp lý. Luật Hàng hải đã quy định ụ nổi là một cấu trúc nổi di động phải quản lý theo quy phạm của tàu biển.
 
Thực tế ụ nổi đã được cấp chứng nhận tàu biển tạm thời, khi giám định ụ nổi đăng kiểm viên Lê Văn Dương cũng thực hiện việc khảo sát thiết bị này theo tiêu chí của tàu biển. Công ước HS các bị cáo, luật sư đưa ra, tòa cho chỉ là văn bản áp dụng trong ngành hải quan để thực hiện việc áp thuế với thiết bị. Thực tế, ụ nổi hoạt động như một tàu biển, phải đăng kiểm như tàu biển. Việc mua bán thiết bị theo đó phải thực hiện theo Nghị định 49/CP của Chính phủ.
 
14h38 phút, Chủ tọa phiên tòa nhắc lại quan điểm bào chữa của các luật sư. Qua tài liệu thu thập được là bản tuyên thệ của ông Goh Hoon Seow, các luật sư của Dương Chí Dũng cho rằng các thông tin thể hiện Dương Chí Dũng không hề liên lạc, trao đổi, thỏa thuận với ông này về việc ăn chia tiền lại quả ụ nổi.
 
Luật sư cũng cho rằng cơ quan điều tra chưa xác định được người đứng ra thỏa thuận ngày 7/7/2007 tại Nga về việc ăn chia tiền mua ụ nổi mà cơ quan tố tụng lại quy buộc Dương Chí Dũng là người chủ mưu trong hành vi tham ô tài sản là không đúng.
 
14h34 phút, Tòa đề cập quan điểm của đại diện VKS bác kháng cáo kêu oan của Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc. Viện đề nghị giữ nguyên mức án sơ thẩm về cả 2 tội danh tham ô tài sản, cố ý làm trái, áp dụng các điều khoản khác để tăng trách nhiệm bồi thường dân sự với 2 bị cáo.
 
Kiểm sát viên cũng đề nghị giữ nguyên quyết định kê biên các tài sản đảm bảo, có xem xét đến quyền lợi của bà Phạm Thị Mai Phương (vợ Dương Chí Dũng) đối với căn nhà 2 vợ chồng đang ở và khoản tiền chị P.T.T khai đã bỏ ra để cùng mua căn hộ Sky City.
 
14h31 phút, Chủ tọa phiên tòa đề cập nội dung những người có quyền lợi liên quan trong vụ án kháng cáo về việc kê biên các tài sản để đảm bảo việc thi hành án của các bị cáo. Trong đó, chị P.T.T – người đứng tên 2 căn hộ hạng sang Dương Chí Dũng bỏ tiền mua đề nghị được xét xử vắng mặt nhưng cũng yêu cầu được xem xét việc chị bỏ 600 triệu đồng trong việc mua căn hộ ở tòa nhà Sky City trên phố Láng Hạ.
14h30 phút, theo Công lý, HĐXX đề cập quan điểm của đại diện VKS bác bỏ kháng cáo của Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc. Đồng thời, VKS đề nghị giữ nguyên mức án sơ thẩm về cả 2 tội danh tham ô tài sản, cố ý làm trái, áp dụng các điều khoản khác để tăng trách nhiệm bồi thường dân sự đối với 2 bị cáo.

VKS đề nghị giữ nguyên quyết định kê biên các tài sản đảm bảo, có xem xét đến quyền lợi của bà Phạm Thị Mai Phương (vợ Dương Chí Dũng) đối với căn nhà 2 vợ chồng đang ở và khoản tiền chị P.T.T khai đã bỏ ra để cùng mua căn hộ Sky City.


14h15 phút, Trước khi đi vào nội dung tóm tắt diễn biến vụ án, chủ tọa phiên tòa cho lực lượng cảnh sát bảo vệ ngồi xuống, các bị cáo tiếp tục đứng nghe tuyên án.
 
14h12 phút, thay mặt HĐXX cấp phúc thẩm, chủ tọa Nguyễn Văn Sơn đọc bản kết luận, nêu lại toàn bộ nội dung vụ án thông qua cáo trạng như đã được công bố tại phiên tòa sơ thẩm vừa qua.

14h05 phút, HĐXX bước vào phòng xét xử, phiên tòa bắt đầu. Thay mặt HĐXX, chủ tọa Nguyễn Văn Sơn đọc kết luận bản án. 9 bị cáo trong vụ án đứng trước vành móng ngựa để nghe tòa tuyên án. Bị cáo Dương Chí Dũng luôn tỏ ra rất bình thản trước những phán quyết cuối cùng của HĐXX.
Dương Chí Dũng trước vành móng ngựa phiên tòa phúc thẩm ngày 7/5. (Ảnh: Công lý)

Theo Công lý, Sau 6 ngày xét xử (từ 22 - 29/4), đến chiều 29/4 tòa bắt đầu nghỉ nghị án. Phiên tòa phúc thẩm vụ án xảy ra tại Vinalines có tới 2 lần các bị cáo được nói lời nói sau cùng.

14h ngày 7/5, TAND Tối cao tại Hà Nội sẽ ra phán quyết về đơn kêu oan, xin giảm hình phạt của bị cáo Dương Chí Dũng (cựu Cục trưởng Hàng hải, cựu Chủ tịch HĐQT Vinalines), Mai Văn Phúc (cựu Tổng giám đốc Vinalines) cùng 7 đồng phạm trong vụ án Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, Tham ô tài sản.


Với bị cáo Dương Chí Dũng, về hành vi Tham ô, bị cáo Dũng đã phủ nhận hoàn toàn việc nhận 10 tỷ đồng “chia chác” từ số tiền “lại quả” 1,666 triệu USD (tương đương 28 tỷ đồng) sau khi thương vụ mua bán ụ nổi 83M hoàn tất. Về tội cố ý làm trái, Dương Chí Dũng cho rằng, với cương vị là Bí thư, Chủ tịch HĐQT, để xảy ra sai phạm tại Vinalines (gây thiệt hại cho nhà nước gần 367 tỷ đồng-PV), bị cáo nhận tội, không chối cãi.

Tuy nhiên, Dương Chí Dũng khẳng định mình không cố ý, chỉ là nôn nóng muốn làm điều gì đó cho ngành nhưng không thành công mà thành tội, “đó cũng là điều đau đớn với bị cáo”. Dũng hứa sẽ vận động gia đình bán hết tài sản, kể cả những tài sản không bị kê biên, để bồi thường, khắc phục hậu quả.


Bên cạnh đó, bị cáo Mai Văn Phúc cũng phủ nhận hoàn toàn cáo buộc nhận 10 tỷ đồng từ Trần Hải Sơn (nguyên TGĐ Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines). Phúc khai mình chỉ duy nhất nhận chai rượu và phong bì hai triệu đồng Sơn biếu nhân dịp tết. Cựu TGĐ cho rằng, nếu có tội thì Phúc phạm tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, chứ không phải là “cố ý làm trái”. Tại tòa, khi nói lời sau cùng, Phúc cho rằng mình bị oan và là “nạn nhân của vụ án này”.

Bị cáo Trần Hải Sơn (nguyên Tổng giám đốc Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines, án 22 năm tù) xin giảm nhẹ hình phạt và mức bồi thường; Trần Hữu Chiều (nguyên Phó tổng giám đốc Vinalines, 19 năm) xin giảm hình phạt, miễn trách nhiệm tội tham ô tài sản; Lê Văn Dương (nguyên đăng kiểm viên Chi cục đăng kiểm số 6, Cục Đăng kiểm Việt Nam, 7 năm tù) kêu oan và xem xét tiền bồi thường dân sự.

Lê Ngọc Triện (nguyên đội trưởng nghiệp vụ Chi cục Hải quan Vân Phong, án 8 năm) xin giảm hình phạt, giảm bồi thường thiệt hại; Lê Văn Lừng (nguyên cán bộ Chi cục hải quan Vân Phong, 8 năm) xin giảm hình phạt, giảm bồi thường thiệt hại;

Mai Văn Khang (nguyên phó tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên vận tải viễn dương Vinashin thuộc Vinalines, 7 năm tù) xin giảm nhẹ hình phạt; Huỳnh Hữu Đức (nguyên phó cục trưởng Chi cục Hải quan Vân Phong kiêm phó chánh văn phòng Cục hải quan Khánh Hòa, án 8 năm) xin giảm hình phạt, giảm bồi thường. Riêng bị cáo Bùi Thị Bích Loan, nguyên kế toán trưởng Vinalines không kháng cáo, chấp nhận án phạt 4 năm.


10 bị cáo bị TAND Hà Nội tuyên phạt ở cấp sơ thẩm:

1. Dương Chí Dũng, nguyên Chủ tịch HĐQT Vinalines án tử hình về tội Tham ô tài sản, 18 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định nhà nước.Tổng án phạt là tử hình.

2. Mai Văn Phúc, nguyên Tổng giám đốc Vinalines án tử hình về tội Tham ô tài sản, 18 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định nhà nước. Tổng án phạt là tử hình.

3. Trần Hải Sơn (nguyên Tổng giám đốc Công ty TNHH sữa chữa tàu biển Vinalines) 14 năm tù về tội Tham ô, 8 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định nhà nước. Tổng án phạt là 22 năm tù.

4. Trần Hữu Chiều (nguyên phó Tổng giám đốc Vinalines): 10 năm tù về tội tham ô, 9 năm tù về tội cố ý làm trái quy định nhà nước. Tổng án phạt là 19 năm tù.

5. Mai Văn Khang (nguyên Phó tổng giám đốc công ty TNHH một thành viên Vận tải Viễn dương Vinashin thuộc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam) 7 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định nhà nước.

6. Bùi Thị Bích Loan (nguyên kế toán trưởng Vinalines) 4 năm tù tội Cố ý làm trái quy định nhà nước.

7. Lê Văn Dương (Đăng kiểm viên - Cục đăng kiểm Việt Nam) 7 năm tù tội Cố ý làm trái quy định nhà nước.

8. Huỳnh Hữu Đức (nguyên Phó chi cục trưởng Chi cục hải quan Vân Phong, Khánh Hòa) 8 năm tù tội Cố ý làm trái quy định nhà nước.

9. Lê Ngọc Triện (Đội trưởng Đội nghiệp vụ Chi cục Hải quan Vân Phong) 8 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định nhà nước.

10. Lê Văn Lừng (Cán bộ Chi cục Hải quan Vân Phong) 8 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định nhà nước. Ngoài ra, HĐXX buộc các bị cáo trả lại số tiền 28 tỷ đồng tham ô, liên đới bồi thường số tiền hơn 366 tỷ đồng do hành vi làm trái quy định nhà nước. Trong đó, Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc mỗi người phải bồi thường 110 tỷ đồng.

Đại Minh - Đại Trí (Tổng hợp)

Bình luận
vtcnews.vn