• Zalo

Xung đột Ukraine thay đổi ‘bản đồ năng lượng’ thế giới ra sao?

Tư liệuThứ Hai, 23/05/2022 08:30:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Trong khi Nga tiếp tục là trung tâm, dòng chảy năng lượng thế giới trong thời gian tới có thể thay đổi, theo các chuyên gia.

Trong những thập kỷ sau khi Liên Xô tan rã, thị trường năng lượng trên thế giới biến chuyển theo những cách không ai ngờ tới. Nga với trữ lượng hydrocarbon khổng lồ trở thành nhà cung cấp, xuất khẩu khí đốt tự nhiên lớn nhất toàn cầu.

Trong số 98 triệu thùng dầu (bao gồm dầu thô và các sản phẩm tinh chế) di chuyển trên thế giới hàng ngày, 7,5 triệu thùng đến từ Nga. Nhưng đó là trước khi chiến sự Ukraine xảy ra.

Xung đột Ukraine thay đổi ‘bản đồ năng lượng’ thế giới ra sao? - 1

Xung đột Ukraine thay đổi "bản đồ năng lượng" thế giới. (Ảnh minh họa)

Dòng chảy năng lượng gián đoạn

Với việc Nga là nhà cung cấp lớn, các nước nhập khẩu năng lượng EU từ lâu đã lo ngại họ quá phụ thuộc vào Moskva, bị tăng áp lực trên bàn đàm phán khi nguồn cung năng lượng có thể bị đem ra “vũ khí hóa”.

Chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine xảy ra vào đúng thời điểm thị trường năng lượng toàn cầu chịu thiếu hụt nghiêm trọng do ảnh hưởng từ trước dịch bệnh và các tác động khi kinh tế nỗ lực phục hồi. Điều này càng khiến những nhà tiêu dùng năng lượng phải vào thế “tiến thoái lưỡng nan”. Một mặt, họ nỗ lực tìm cách đưa ra các biện pháp trừng phạt nhắm vào kinh tế Nga như một sự phản đối chắc chắn đối với cuộc chiến, mặt khác, phải cân nhắc thận trọng vì điều này có thể tác động tiêu cực lại với chính họ.

Các nước buộc phải nghĩ đến những phương hướng thực dụng hơn – điều đã khiến phản ứng của họ rẽ theo nhiều hướng. Trong khi những nước không phụ thuộc nhiều vào năng lượng Nga đẩy mạnh các lệnh trừng phạt, những nước còn lại hoặc vẫn trừng phạt trong khi tìm giải pháp thay thế cho số dầu khí bị thiếu hụt, hoặc từ chối việc ngừng nhập khẩu từ nhà cung cấp lớn nhất thế giới.

Xung đột Ukraine thay đổi ‘bản đồ năng lượng’ thế giới ra sao? - 2

Nga là nguồn cung cấp năng lượng lớn cho châu Âu. (Nguồn: Researchgate)

Hiện Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, và những nước không phụ thuộc nhiều vào năng lượng Nga còn Canada đã dừng hoặc cắt giảm nhập khẩu dầu từ Nga. Anh, nơi nhu cầu nhập khẩu dầu Nga chiếm 8% nhu cầu, dự định làm tương tự vào cuối năm nay. Đức, một trong những nhà nhập khẩu năng lượng hàng đầu của Nga, tuyên bố đã cắt giảm được lượng nhập khẩu từ Nga còn 12% dầu, 8% than và 35% khí đốt tự nhiên, dự định hoàn toàn không phụ thuộc vào dầu thô Nga vào mùa hè sang năm. Cũng có những nước như Ba Lan và Bulgari, bị cắt nguồn cung khí đốt sau khi từ chối đề xuất thanh toán tiền mua khí đốt bằng đồng rúp của Nga. Họ cũng đang tìm kiếm giải pháp thay thế, dù một trong những giải pháp đó là mua khí đốt Nga từ Đức.

Lời kêu gọi về một lệnh cấm hoàn toàn năng lượng Nga ngày càng mạnh mẽ hơn ở khu vực đồng euro. Trong tình hình này, các nhà buôn khó tìm được người mua dầu Nga ở thị trường truyền thống, và số dầu vận chuyển ra các cảng Nga đã giảm đến 2 triệu thùng mỗi ngày, theo TOI.

Ảnh hưởng đến bản đồ năng lượng thế giới

Chia sẻ trên The Economist, chuyên gia năng lượng Mỹ Daniel Yergin dự đoán vai trò “cường quốc năng lượng” của Nga sẽ bị ảnh hưởng sau xung đột. “Dù họ vẫn là nhà cung cấp quan trọng, mức độ đó sẽ thay đổi”.

Xung đột Ukraine thay đổi ‘bản đồ năng lượng’ thế giới ra sao? - 3

Những lựa chọn thay thể của châu Âu nếu không có khí đốt Nga. 

Trước mắt, rất khó để thay thế nguồn năng lượng từ Nga ngay lập tức. Ngay cả bản thân các nước châu Âu cũng đang tranh cãi về lệnh trừng phạt cấm khí đốt Nga và chưa đưa ra được một thỏa thuận cuối cùng. Trước đó, với các lệnh trừng phạt Nga, giá dầu đã tăng phi mã lên mức cao nhất trong 8 năm và giá khí đốt tăng 40%.

Theo chuyên gia, kịch bản có thể xảy ra là lượng khí đốt bán ra của Nga sang châu Âu sụt giảm trong vòng 5 năm tới. Trong thời gian đó, châu Âu sẽ xây dựng hệ thống năng lượng tái tạo, các nhà máy năng lượng hạt nhân. Doanh số bán xe điện sẽ tăng cao, nhưng trong thời gian ngắn lượng sử dụng than cũng sẽ tăng. Trong khi Nga cũng có sự thay đổi cơ cấu xuất khẩu năng lượng với những thị trường mới.

Nhưng những thay đổi này sẽ không diễn ra dễ dàng.

Thay vì mua dầu và khí đốt tự nhiên từ Nga - nơi chi phí sản xuất thấp và được vận chuyển bằng đường ống - châu Âu trước mắt phải chuyển sang các lựa chọn thay thế đắt tiền hơn như Mỹ, nơi mà cho đến 7 năm trước đây không có cơ sở xuất khẩu khí đốt nào. Các công ty châu Âu sẽ phải trả thêm 1,5 USD mỗi nghìn feet khối (28,3 mét khối) - tức từ 30 đến 50% chi phí - để có một tàu chở khí đốt tự nhiên hóa lỏng đi từ vịnh Mexico đến châu Âu. Sau đó con tàu phải trống không quay về, tổng cộng 24 ngày vận chuyển.

Các nhà sản xuất năng lượng cũng chưa thể theo kịp nhu cầu mới.

Trong khi đó, Nga đương nhiên vẫn sẽ cố gắng duy trì quy mô thị trường bằng cách tăng cung cấp các mặt hàng năng lượng cho Trung Quốc, Ấn Độ và một số nước châu Á. Trung Quốc, điểm đến của 20% dầu Nga xuất khẩu, và Ấn Độ, nhập khẩu 3% dầu từ Nga vào năm ngoái, đã tăng cường mua dầu thô Nga trong thời gian gần đây. Bên cạnh đó, Nhật Bản, dù cấm dầu thô Nga, vẫn nhập dầu từ dự án Sakhalin-1, nơi công ty Nhật bản Sodeco có cổ phần.

Tuy nhiên, để làm được điều này như một cách thay thế thị trường châu Âu triệt để, Nga cũng phải đối mặt với những thách thức khác, khi chuyển xuất khẩu từ Tây sang Đông. Sắp xếp vận chuyển, đàm phán các thỏa thuận mà không liên quan đến đồng USD, trong đó sẽ là những rào cản lớn. Ngoài ra, nếu châu Âu xoay sang Trung Đông để tìm nguồn cung cấp thay thế, các khách hàng mới của Nga cũng có thể muốn giảm giá nhiều hơn.

Nhà cung cấp mới, đường ống mới

Xung đột Ukraine thay đổi ‘bản đồ năng lượng’ thế giới ra sao? - 4

Hai công nhân tại điểm thi công đường ống ở phía Bắc Hy Lạp vào tháng 3/2021. (Ảnh: AP)

Algeria từ lâu đã là một “người chơi” có vai trò khá lớn trong xuất khẩu dầu khí toàn cầu. Khủng hoảng năng lượng ở châu Âu lại càng mở rộng lối vào thị trường cho quốc gia Bắc Phi. Thủ tướng Italia Mario Draghi đã bay đến Algiers trong tháng này để ký một thỏa thuận tăng cường nhập khẩu khí đốt 40% từ Algeria, thông qua đường ống chưa được khai thác nhiều bên dưới Địa Trung Hải.

Các nhà xuất khẩu dầu và khí đốt khác chưa từng là tâm điểm trong các cuộc đối thoại năng lượng toàn cầu, như Angola, Nigeria, Congo, giờ cũng sẽ trở thành “ứng viên tiềm năng” khi châu Âu nghĩ về tương lai năng lượng. Và các nước châu Âu cũng có thể tìm đến những nhà cung cấp đáng tin cậy hơn, nhưng đắt hơn, như Qatar.

Nhưng dù theo kịch bản nào, những tháng tiếp theo sẽ vẫn là thời gian khó khăn cho châu Âu, vì tác động của tình trạng giá tăng trên thế giới. Hiện tại, thị trường châu Âu chỉ còn cách “chắp vá” để đáp ứng nhu cầu tạm thời. Italy tìm đến Algeria, Bulgaria quay sang Hy Lạp, Ba Lan quay sang phát triển kế hoạch mở rộng dài hạn nhà ga khí đốt tự nhiên hóa lỏng, nhập khẩu và một đường ống từ Na Uy.

Tuy nhiên trong nỗ lực giảm phụ thuộc năng lượng vào nguồn Nga, EU cũng kỳ vọng vào những hệ thống đường ống dẫn khí đốt mới. Đường ống có tên Kết nối khí đốt Hy Lạp-Bulgari trị giá 240 triệu euro mới đây đã hoàn thành trong tháng 4, được thử nghiệm đồng thời và dự kiến đi vào hoạt động thương mại từ tháng 6.

Đường ống sẽ vận chuyển 3 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm và có khả năng mở rộng lên 5 tỷ mét khối, được cấp vốn hoạt động từ Bulgari, Hy Lạp, EU đồng thời nhận được ủng hộ chính trị mạnh mẽ của Mỹ và EU. Dự kiến cũng có thêm 8 đường ống kết nối lẫn nhau có thể được xây dựng tại Đông Âu.

Trong khi đó, Gazprom Nga cho biết sẽ sử dụng năng lực vận chuyển của tuyến đường ống Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2) đoạn chạy trên đất liền để phục vụ thị trường trong nước, trong bối cạnh đoạn chạy ngầm dưới biển chưa thể đưa vào sử dụng. Nord Stream 2 là tuyến đường ống khí đốt quy mô, có mức đầu tư lên tới trên 11 tỷ USD, ban đầu nhằm chuyển khí đốt từ Nga tới Đức qua biển Baltic.

Xung đột Ukraine không chỉ thay đổi bản đồ năng lượng thế giới. Các nước còn nhận ra sự phù hợp của việc chuyển đổi sang năng lượng xanh, những nguồn năng lượng bền vững hơn. Nhưng sự chuyển đổi này cũng không thể chỉ trong một sớm một chiều có thể hoàn thành, và trong khi thế giới đã mất hai năm gồng mình đi qua đại dịch, cần tạo đà để lấy sức bật trở lại “bình thường mới” hơn lúc nào hết. Một sự hy sinh và gắng gượng khác để đối lấy tự lực về năng lượng có thể là quá sức.

Cuối cùng, dòng chảy năng lượng thế giới sẽ đổi hướng. Dù vậy, xung đột Ukraine kéo dài sẽ khiến các bên chịu thiệt hại trong quá trình chuyển đổi với nhiều diễn biến bất ngờ này. 

Phương Anh(Tổng hợp)
Bình luận
vtcnews.vn