Video: Các nghệ sĩ hát "Bâng khuâng Trường Sa"
Trong số những sáng tác âm nhạc về Trường Sa, Bâng khuâng Trường Sa có lẽ là ca khúc được biết đến nhiều nhất khi được nhiều nghệ sĩ thể hiện, trong đó có cả những nghệ sĩ trẻ như Đông Nhi - Ông Cao Thắng, Noo Phước Thịnh, Quốc Thiên...
Ca khúc là những cảm xúc chân thật khi phải chào tạm biệt Trường Sa để về lại thành phố của nhà báo Lê Đức Hùng. Với giai điệu lắng đọng mang đậm chất tự sự, ca khúc còn thể hiện tình cảm và sự biết ơn dành cho những người lính nơi đảo xa ngày đêm canh gác bảo vệ đất nước.
Nhà báo Lê Đức Hùng cho biết, sau khi trở về từ chuyến thăm Trường Sa vào tháng 4/2012, anh tình cờ đọc được bài thơ Thao thức Trường Sa của PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ - Tổng giám đốc Đài tiếng nói Việt Nam.
Cảm xúc dâng trào, nhà báo Lê Đức Hùng quyết định phổ nhạc cho bài thơ và Bâng khuâng Trường Sa ra đời.
Trong ca khúc, không chỉ gửi gắm hình ảnh những người lính, những địa điểm quen thuộc của quần đảo Trường Sa mà nhà báo Lê Đức Hùng còn khơi dậy tình yêu quê hương đất nước dựa trên những vần thơ tài tình đầy cảm xúc của PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ.
Video: PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ chia sẻ về bài thơ Trường Sa
Theo chia sẻ từ PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, nơi nào của Tổ quốc cũng đều thiêng liêng nhưng Hoàng Sa - Trường Sa là máu thịt. Trong một buổi giao lưu thuộc khuôn khổ lễ Giới thiệu chủ quyền biển đảo Trường Sa, Hoàng Sa vào năm 2017, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ đã đọc bài thơ Trường Sa và có những chia sẻ xúc động.
"Người lính của chúng ta ở Trường Sa là con em của nông dân, họ không thiết gì ra đó để đánh nhau. Họ mơ giấc mơ đi về để đi cày trên đồng lúa: 'Đêm qua trong giấc chiêm bao - Có anh lính trẻ giục trâu ra đồng'. Ra Trường Sa, họ vẫn mơ về luống cày của quê hương nhưng họ ra đấy để cầm chắc tay súng bảo vệ Tổ quốc.
Dân tộc Việt Nam chỉ khi bị kẻ thù dồn đến chân tường mới cầm súng cầm gươm còn dân tộc này luôn luôn yêu chuộng hòa bình. Đấy là điều các nước khác cũng khẳng định. Một dân tộc không lớn, dân không đông, kinh tế không giàu nên chúng ta làm gì gây sự với ai, không bao giờ.
Một tấc đất - ngọn cỏ của người khác chúng ta không thèm, nhưng một tấc đất - ngọn cỏ của cha ông chúng ta quyết giữ bằng được. Ở Trường Sa, trong điều kiện hòa bình vẫn có những chiến sĩ ngã xuống, tiếp thêm lá cờ quyết chiến ắt thắng của quân đội ta" - PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ chia sẻ.
Bình luận