• Zalo

Xúc động những khoảnh khắc hàng xóm giúp nhau trong bão lũ

Chuyện bốn phươngThứ Năm, 12/09/2024 12:10:02 +07:00Google News
(VTC News) -

Trèo mái nhà đưa thực phẩm cho láng giềng chống lũ, phát điện cho cả xóm sạc nhờ điện thoại... là bằng chứng xúc động về tình làng nghĩa xóm lúc thiên tai bủa vây.

"Lúc hoạn nạn mới thấm thía câu mà ông bà xưa vẫn nói, hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau", đó là một bình luận trên Facebook trước hàng loạt hình ảnh, clip, câu chuyện đầy xúc động về sự tương trợ của bà con vùng bão lũ dành cho những người sống cạnh mình. Những bằng chứng đó về tình làng nghĩa xóm, về sự đoàn kết đùm bọc nhau của người Việt có sức lan tỏa mạnh mẽ, thu hút hàng triệu lượt tương tác trên các nền tảng mạng xã hội,.

Tháo vách, trèo mái nhà để tiếp tế cho hàng xóm

Thanh niên Yên Bái tháo vách, trèo mái nhà để tiếp tế thực phẩm cho hàng xóm. (Nguồn: Trang Phạm)

Đoạn clip ghi lại ở huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái về một thanh niên Yên chấp nhận nguy hiểm để giúp đỡ gia đình láng giềng đang được lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội. Nước lũ dâng cao, biết tin nhà hàng xóm đang bị cô lập trên tầng 2, muốn tiếp tế nhưng không thể ra đường vì chính nhà mình cũng ngập, chàng trai này không ngần ngại dùng vật cứng phá bỏ vách ngăn bằng tôn tại tầng thượng. Sau đó, anh xách túi đồ ăn, chui qua lỗ hổng, trèo lên mái nhà bên cạnh để tới ngôi nhà cách đó chừng 4 - 5 mét.  

Người xem clip nín thở khi theo dõi hành trình ngắn ngủi nhưng nhiều nguy cơ này, vì chàng trai phải bước trên mái tôn dốc và trơn trượt, đang ướt đẫm nước mưa. Mặt nước chỉ nằm dưới mái tôn này chừng 10cm.

Xúc động những khoảnh khắc hàng xóm giúp nhau trong bão lũ - 1
Xúc động những khoảnh khắc hàng xóm giúp nhau trong bão lũ - 2

Hành động dũng cảm tiếp tế lương thực cho hàng xóm. (Ảnh cắt từ clip)

Quá trình tháo vách, trèo mái nhà để tiếp tế thực phẩm cho hàng xóm của chàng trai được chị Trang Phạm, sống ở nhà đối diện, quay lại và đăng tải lên mạng xã hội. Clip nhanh chóng lan tỏa với hơn 5 triệu lượt xem cùng hàng nghìn bình luận và chia sẻ.

Cư dân mạng xúc động viết: "Có lẽ anh ấy chỉ coi là một việc nhỏ, nhưng vị tha và quên mình là đây chứ đâu";"Có anh hàng xóm tốt bụng thế này thì còn gì bằng, đúng là bán anh em xa mua láng giềng gần"; "Anh ấy đang dò bước trên đoạn mái có khung sắt đỡ phía dưới cho khỏi sập mái. Vừa dốc, vừa đi phải dò như vậy rất khó, nhưng anh ấy vẫn không ngại, quá tuyệt vời!"; "Xem mà hồi hộp, chỉ sợ anh ấy trượt chân thôi"...

Dùng ròng rọc tự chế chuyển đồ ăn cho hàng xóm bị cô lập

Người dân Thái Nguyên tự chế ròng rọc để tiếp tế lương thực cho hàng xóm.

Khi thấy bà con hàng xóm mắc kẹt trong lũ dữ, thiếu thốn lương thực, nhiều người dân ở Thái Nguyên nghĩ ra một cách độc đáo nhưng hiệu quả, đó là chế ròng rọc để vận chuyển đồ. Những chiếc ròng rọc tự chế bằng dây dứa, dây cáp được dùng chuyển thực phẩm cho hàng xóm bị nước lụt cô lập đã trở thành hình ảnh quen thuộc trong những ngày qua.

Anh Hồ Bá Dũng (TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên) cho biết, ban đầu anh tự làm ròng rọc bằng dây dứa, sau đó đã tạo ra một chiếc khác chắc chắn hơn bằng dây cáp, vận chuyển được nhiều đồ hơn.

"Những người hàng xóm bị nước lũ cô lập cần gì đều được chúng tôi dùng ròng rọc hỗ trợ miễn phí. Nhà tôi lại là cơ sở sản xuất giò chả nên có đủ xúc xích các loại và đồ ăn thiết yếu để hỗ trợ mọi người", anh Dũng nói.

Qua hệ thống ròng rọc này, các loại thực phẩm, nước sạch và những nhu yếu phẩm khác được gói ghém cẩn thận, nhẹ nhàng lướt phía trên dòng nước lũ cuồn cuộn, đến với những gia đình đang chờ đón. Sáng kiến "cáp treo chạy bằng cơm" trong bão lũ này được hoan nghênh nhiệt liệt trên cõi mạng. 

Chuyển thức ăn sang nhà hàng xóm dễ dàng bằng ròng rọc tự chế. (Nguồn: @ngn.song.miu)

Phát điện cho cả xóm sạc nhờ điện thoại

Trong đợt bão lũ vừa qua, nhiều nhà dân tại phường Vân Dương (thành phố Bắc Ninh, tỉnh bắc Ninh) bị mất điện kéo dài. Không chỉ gây bất tiện, khó khăn cho sinh hoạt, tình trạng này còn làm gián đoạn liên lạc vì điện thoại hết pin không thể sạc.

Cả xóm sạc nhờ điện thoại của một gia đình có máy phát điện. (Nguồn: Quỳnh Hương)

Xúc động những khoảnh khắc hàng xóm giúp nhau trong bão lũ - 3
Xúc động những khoảnh khắc hàng xóm giúp nhau trong bão lũ - 4

Hàng chục chiếc điện thoại đang được sạc pin. (Ảnh cắt từ clip)

Trong hoàn cảnh đó, một gia đình có máy phát điện đã hô hào cả xóm đến nhà mình sạc điện thoại. Sân nhà họ trở thành điểm sạc công cộng  đông vui tấp nập. Dưới mặt đất là hàng loạt ổ cắm nối và chằng chịt dây sạc điện thoại. Nhờ đó, người dân xung quanh không còn sợ mất liên lạc, có thể ứng phó dễ dàng hơn nếu các tình huống xấu do bão lũ xảy ra.

Clip ghi lại cảnh này được chia sẻ khắp các nền tảng mạng xã hội từ Facebook đến Zalo, Tiktok. Cộng đồng mạng bày tỏ sự cảm kích:"Đúng là lúc hoạn nạn mới thấy tinh thần của người Việt Nam là trên hết, quá tuyệt vời"; "Những lúc mất điện thế này mới thấy được sạc pin nhờ 10 phút là quá quý giá"; "Nhìn mọi người xúm vào sạc vừa thấy thương vừa thấy vui"...

"Trong lúc thiên tai đe dọa cuộc sống, có những hành động tưởng chừng nhỏ bé nhưng đong đầy tinh thần nhân ái. Hơn bất kỳ lúc nào, tình làng nghĩa xóm, sự đoàn kết và lòng trắc ẩn được thể hiện rõ nét, trở thành nguồn lực vững chắc giúp cộng đồng vượt qua bão lũ", bình luận này được rất nhiều người đồng tình.

Xúc động những khoảnh khắc hàng xóm giúp nhau trong bão lũ - 5

Hàng triệu đồng bào miền Bắc đang phải chống chọi với mưa lụt, thiên tai khủng khiếp chưa từng có. Công cuộc cứu trợ đồng bào vùng lũ lúc này rất cần sự chung tay của người dân cả nước. Sự chia sẻ, giúp đỡ sẽ giúp vơi bớt những đau thương, mất mát, giúp đồng bào vùng lũ nhanh chóng ổn định đời sống, khôi phục sản xuất.

Mọi sự giúp đỡ của quý độc giả xin gửi về Báo điện tử VTC News, số tài khoản 0021.0002.48991, Ngân hàng Vietcombank – Chi nhánh Hà Nội. Nội dung xin ghi rõ: Ung ho 24055. Hoặc quý độc giả có thể quét mã QR code.

Toàn bộ số tiền ủng hộ sẽ được VTC News chuyển đến những địa chỉ cần giúp đỡ trong thời gian sớm nhất.

Quý độc giả biết những hoàn cảnh khó khăn cần sự chung tay giúp đỡ, xin hãy thông tin cho chúng tôi theo địa chỉ email [email protected] hoặc gọi điện đến đường dây nóng 0855.911.911.

Bình luận
vtcnews.vn