Ông Kim ngồi lặng lẽ giữa một góc cầu thang, dáng người gầy gò, đen nhẻm, mái tóc bạc hoa râm ướt nhẹp vì mồ hôi. Đã 9 tiếng trôi qua, ông Kim vẫn luôn ngồi ở đó, ánh mắt không thể rời căn phòng đóng kín trước mặt.
Nếu ca mổ thành công, con trai ông sẽ được chuyển vào căn phòng ấy. Suốt cả ngày dài đợi chờ, người cha già vẫn chưa được nghe tin tức gì về con.
Ông Kim vội lau những giọt nước mắt, viết lên tường dòng chữ gì đó…
Ông Nguyễn Văn Kim (57 tuổi, Hà Trung, Thanh Hóa) có con trai mắc bệnh hở van tim. Vợ bệnh nặng, cậu con trai lại ly hôn từ lâu nên một mình ông Kim phải đưa con lên viện.
“Chỉ mong con có thể sống. Sau này khỏi rồi, con không làm được việc nặng nữa thì để bố làm thay con”, Ông Kim rưng rưng khi nhắc đến con trai.
Ở Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E, có rất nhiều trường hợp như ông Kim. Mỗi ngày, đơn vị này thực hiện trung bình từ 6 đến 9 ca mổ tim, cả cho trẻ em và người lớn.
Ca mổ hoàn thành, bệnh nhân sẽ được chuyển từ tầng 3 - phòng Mổ xuống tầng 2 - phòng Hồi sức tích cực, đều là phòng cách ly. Góc cầu thang tầng 2, Trung tâm Tim Mạch bởi vậy luôn có rất đông người nhà bệnh nhân ngồi chờ.
“Chúng tôi có phòng lưu trú cho người nhà bệnh nhân ở phía dưới, nhưng vì tâm lý sốt ruột nên họ không yên tâm ngồi ở đó. Mọi người thường chờ ở quanh khu vực tầng 2 để nhanh chóng biết được tình hình của người thân”, bác sĩ Đoàn Thị Hoài Thu, Khoa Tim mạch trẻ em, Bệnh viện E cho biết.
Ở quanh cầu thang tầng 2 này, những bức tường gần như không còn khoảng trống. Trên những mảng loang lổ, lộn xộn chất chứa bao tâm tư, hy vọng của những người cha, người mẹ, người con chờ ca mổ hoàn thành.
Anh Nguyễn Văn Phương (32 tuổi, Kinh Môn, Hải Dương) có con gái 3 tháng tuổi bị tim bẩm sinh đang được phẫu thuật. 4 tiếng đồng hồ trôi qua, vợ chồng anh luôn trong tình trạng đứng ngồi không yên.
“Cầm điện thoại trên tay, lúc nào tôi cũng run, chỉ sợ có cuộc gọi đến của bác sĩ. Ca mổ hoàn thành thì không sao, nhưng đang mổ mà bác sĩ gọi thì chắc con mình gặp chuyện không hay rồi”, anh Phương tâm sự.
Chị Lê Thu Thảo (25 tuổi, Việt Trì, Phú Thọ) cùng chồng cũng không thể ăn uống, nghỉ ngơi suốt từ sáng, khi đứa con 6 tháng tuổi bước vào phòng mổ.
“Tôi viết lên tường, bảo con hãy cố gắng lên. Con còn rất nhỏ, nhưng tôi tin là con sẽ mạnh mẽ vượt qua khó khăn này. Chúng tôi cũng sẽ mạnh mẽ để chiến đấu cùng con”, chị Thảo xúc động nói.
Theo bác sĩ Đoàn Thị Hoài Thu, Khoa Tim mạch trẻ em, Bệnh viện E, đặc thù của mổ tim là khó xác định thời gian ca mổ kết thúc. Bởi vậy, người nhà thường sẽ rất lo lắng, sốt ruột trong quá trình chờ đợi.
“Cùng một dị tật, một bệnh đó nhưng mỗi người mỗi khác, những nguy cơ, rủi ro trong quá trình phẫu thuật của mỗi người cũng khác nhau. Có những ca mổ thậm chí kéo dài từ sáng tới đêm vẫn chưa xong”, bác sĩ Thu chia sẻ.
Ở khu cầu thang tầng 2, ngoài những người chờ ca mổ hoàn thành, còn có cả những gia đình chờ tin tức từ người thân đang cấp cứu trong phòng Hồi sức tích cực.
Bà Vũ Thị Hường (50 tuổi, Việt Yên, Bắc Giang) cùng các em đang chờ tin về người mẹ ngoài 70 tuổi vừa được đưa vào cấp cứu. Mẹ bà Hường mổ tim được 1 tuần và đang dần hồi phục, nhưng bệnh bất ngờ xấu đi.
“Tôi rất lo. Chỉ mong mẹ tôi qua khỏi, về với chúng tôi”, bà Hường không giấu nổi những giọt nước mắt.
Ở khoảng không nhỏ hẹp này có rất nhiều số phận khác nhau. Họ ở đây cả ngày trời chỉ với hi vọng nghe được tin tốt lành về người thân của mình. Những dòng chữ viết lên tường ngày một nhiều, đem theo cả những lắng lo, khắc khoải từng giờ của những người chờ tin.
Nơi không đèn, không điều hòa, không quạt này trở thành những phòng nghỉ tạm thời cho nhiều người.
Họ bảo, họ không thể rời nơi này. Họ sẽ còn ở đây, tiếp tục chiến đấu cũng những người thân đang giành giật sự sống trong cánh cửa khép kín kia.
Bình luận