Là một trong 42 giáo viên được tuyên dương trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô năm 2016”, cô giáo Hoàng Thị Hiếu đã có gần 10 năm công tác tại đảo Cồn Cỏ - Quảng Trị.
Cô giáo Hoàng Thị Hiếu (sinh năm 1987) quê gốc ở Quảng Trị, sinh sống và học tập tại Đắk Lắk. Khi được hỏi về lý do công tác tại đảo Cồn Cỏ, cô cho hay: “Khoảng thời gian khi đang công tác tại Đắk Lắk, tôi đã nghe tin trường Mầm non Hoa Phong Ba, huyện đảo Cồn Cỏ, tỉnh Quảng Trị tuyển giáo viên. Sau đó, đã làm đơn xin ra công tác tại đảo này”.
“Thời gian đầu mới ra đảo, tôi rất nhớ gia đình nên thỉnh thoảng khóc. Tuy vậy, với lòng yêu nghề và học sinh ở đây, tôi lại quyết tâm mang con chữ đến cho học sinh đảo Cồn Cỏ nhiều hơn”, cô Hiếu nói.
Cô Hiếu chia sẻ khó khăn trong những ngày đầu mới ra đảo: “Rất lạ, ở đảo chỉ nghe sóng vỗ rì rào, cơ sở vật chất còn hạn chế, thiếu thốn trăm nhưng không khiến giáo viên ở đây nguôi ý chí mang con chữ đến với các em học sinh”.
Video: Màn múa nón của nam sinh chào mừng 20/11 gây sốt
Trong thời gian gần 10 năm công tác tại đảo Cồn Cỏ - Quảng Trị, cô Hiếu đã quen với những cơn bão lũ của miền Trung. Có nhiều lúc cô giáo này đã rất hoang mang, lo sợ trước sức tàn phá của những cơn bão, tuy vậy, cô vẫn cùng đồng nghiệp nơi đây tiếp tục công việc giảng dạy.
Đối với cô Hoàng Thị Hiếu, cô cùng đồng nghiệp có thể bỏ thời gian, công sức để các em học sinh được học tập tốt hơn.
Được biết, trường Mầm non Hoa Phong Ba có 11 học sinh, ở nhiều lứa tuổi khác nhau.
Với những kỷ niệm gắn bó với trường Mầm non Hoa Phong Ba, cô Hiếu mong muốn trường được đầu tư nhiều về cơ sở vật chất, y tế dự phòng để chữa bệnh cho học sinh nơi đây.
Là cô giáo trẻ nhất trong số 42 giáo viên bám đảo được tuyên dương, Quảng Thị Thuý Ngân (1991) được học sinh và giáo viên trường Mầm non Thạnh An, Cần Giờ quý mến bởi sự năng nổ, nhiệt tình. Cô Thúy Ngân quê ở ấp Thạnh Hoà, xã Thạnh An, huyện Cần Giờ, TP.HCM.
Trước đây, Ngân học ở trường Đại học Sài Gòn và liên thông ở trường Đại học Sư phạm TP.HCM. Hiện tại, cô đã dạy ở trường Mầm non Thạnh An gần 5 năm.
Thời gian đầu mới ra nhận công tác tại đây, Ngân thấy cơ sở vật chất thiếu thốn, không có điện, có nhà ở cố định.
Cô Ngân cho biết: “Mình công tác ở trường mầm non Thạnh An vì mình sinh ra và lớn lên ở nơi này. Vì thấy trẻ nhỏ ở đây có hoàn cảnh khó khăn, không được chăm sóc đầy đủ nên muốn đóng góp một phần nhỏ công sức của mình để nâng cao kiến thức cho những lớp măng non.
“Các em nhỏ ở đây rất ngoan và hiền, lễ phép, không chỉ vậy, các em còn tiếp thu rất nhanh kiến thức”, cô Thúy Ngân nói.
Cô giáo Quảng Thị Thuý Ngân hy vọng các em học sinh ở đây sẽ được chăm sóc và giáo dục thật tốt, để đầy đủ kiến thức, cống hiến cho nước nhà.
Vào ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, cô thường được tặng những cành hoa vải, những chai sữa tắm, dầu gội đầu. Đối với cô, những món quà đó tuy không cao sang nhưng vô cùng ý nghĩa.
Còn cô giáo Nguyễn Thị Hoàng Yến (sinh năm 1987) đang công tác tại trường Tiểu học và Trung học Cái Chiên, tỉnh Quảng Ninh chia sẻ: “Học sinh ở đây vừa học vừa phải tranh thủ thời gian để về phụ giúp bố mẹ việc gia đình. Sống ở đảo, tôi phải học đánh cá để hoà nhập vào cuộc sống của người dân nơi đây. Thời gian rảnh, tôi thường kể chuyện cho các trò nghe để cô trò hiểu nhau hơn”.
Thầy Nguyễn Đỗ Quang Liêm, sinh năm 1981 (giáo viên trường Tiểu học Mỹ Khê, đảo Phú Quý, Bình Thuận) tâm sự: “Vì áp lực công việc, đã có lúc muốn từ bỏ nghề dạy học nhưng muốn nụ cười luôn nở trên môi học sinh nên tôi lại lên lớp. Nhiều hôm đến giờ học các em lại đi biển, tôi phải phụ giúp các em”.
Bên cạnh giảng dạy, thầy Liêm đóng góp sức mình cho công tác Đoàn, Đội, phát động những phong trào hoạt động ngoại khoá bổ ích cho học sinh. Sự nỗ lực của thầy giáo được đơn vị đánh giá cao, trao cho thầy danh hiệu Lao động tiên tiến nhiều năm liền, giấy khen trong phong trào thi đua yêu nước, giấy khen giáo viên tổng phụ trách Đội giỏi các năm, bằng khen của TW Đoàn TNCS HCM về công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi năm 2015.
Cũng là một gương mặt nổi bật trong 42 giáo viên bám đảo, thầy giáo Lê Xuân Quyết (sinh năm 1990) là một trong những thầy cô giáo xung phong ra đảo Song Tử Tây, huyện đảo Trường Sa.
Thầy Xuân Quyết chia sẻ lý do công tác tại đảo: “Sinh ra trong gia đình rất khó khăn, từ nhỏ, tôi đã chứng kiến nhiều đứa trẻ có hoàn cảnh giống mình đã phải nghỉ học. Từ đó, tôi nuôi dưỡng ước mơ trở thành một thầy giáo dạy giỏi, để cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn được cắp sách tới trường”.
Sau khi tốt nghiệp, thầy Quyết đã đến Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Khánh Hoà rất nhiều lần để hỏi về đợt tuyển giáo viên ra Trường Sa.
Thầy cho biết: “Lần đó, tôi như vỡ òa trong hạnh phúc vì được chọn ra dạy ở Trường Sa. Dù chưa biết ở đây điều kiện ra sao nhưng tôi vẫn hí hửng, mong chờ ngày được dạy học cho các em học sinh nơi đây”.
“Lần đầu ra đảo, tôi đã bị say sóng nhưng đến bây giờ đã quen dần. Khi đặt chân lên đảo, trước mắt tôi là cảnh một ngôi trường thô sơ. Đó là lý do tôi càng thêm thương các trò”, thầy cho biết thêm.
Mỗi lần nhìn thấy khuôn mặt trẻ thơ của học trò, thầy Quyết lại thấy động lòng và muốn gắn bó thật lâu với Trường Sa. Thầy giáo Lê Xuân Quyết hy vọng sẽ có nhiều thế hệ thanh niên, giáo viên tiếp nối chúng thầy để đến với Trường Sa thân yêu.
Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” do Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tập đoàn Thiên Long tổ chức nhằm tri ân những cống hiến của các thầy giáo, cô giáo trong sự nghiệp “trồng người” và nhân dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hàng năm.
Bình luận