Vào những ngày này 38 năm về trước, chuẩn úy Nguyễn Thái Hòa (khi đó 27 tuổi) hành quân lên Lạng Sơn chiến đấu với kẻ thù xâm lược. Trước khi đi, anh viết vội bức thư gửi cho người yêu, nhưng anh đã hy sinh mà chưa kịp ghi địa chỉ để gửi thư về.
Phải 34 năm sau (năm 2013), khi đất nước đã hòa bình, người yêu của liệt sĩ Hòa ngày nào giờ đã thành bà mới nhận được bức thư đầy xúc động.
Hôm nay, kể lại với chúng tôi về hành trình 34 năm đi tìm nhân vật trong bức thư, bà Ngô Thúy Hằng - người sáng lập và điều hành Trung tâm tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý cho gia đình liệt sĩ (MARIN) - đơn vị đã tìm kiếm và trao bức thư cho bà Thúy (người yêu của liệt sĩ Hòa) vẫn vẹn nguyên xúc động.
Bà Hằng cho biết, đại tá Vũ Đình Đảng (cựu giảng viên Học viện Kỹ thuật quân sự) là người phát hiện và lưu giữ bức thư.
Vào năm 1981, đại tá Đảng được giao nhiệm vụ làm Chính trị viên Đại đội 10, Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 52, Sư đoàn 337. Khi tiếp nhận công việc, trong một lần kiểm tra lại sổ sách thì ông phát hiện bức thư đã rất cũ, trên bì thư không ghi địa chỉ của người nhận và cả người gửi.
Tò mò, ông mở bức thư ra xem thì đó là những dòng tâm sự rất xúc động của một sĩ quan trẻ gửi cho người yêu ở quê nhà. Bức thư gây ấn tượng đặc biệt với đại tá Đảng, bởi thư được viết vào ngày 19/2/1979, chỉ 2 ngày sau khi cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc tàn khốc nổ ra.
Bức thư viết vội với những cảm xúc của người lính trẻ khi vừa tham gia chiến đấu giành chiến thắng trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, chuẩn bị được về với quê hương, gia đình và người yêu thì lại phải lên đường bước vào một cuộc chiến khốc liệt khác. Cuộc chiến mà chuẩn úy Hòa đã vĩnh viễn nằm lại nơi biên cương để giữ được từng tấc đất của Tổ quốc.
Đọc xong bức thư, đại tá Đảng cũng chưa biết tên người đã viết bức thư này là ai. Ông mang thư đi hỏi những đồng đội trong đơn vị thì mới biết đó là của liệt sĩ Nguyễn Thái Hòa - chính trị viên cũ của đơn vị.
“Đây (bức thư – PV) là tài sản của cả 1 thế hệ”, bà Hằng dẫn lời đại tá Đảng. Vì thế, đại tá Đảng ấp ủ tâm nguyện sẽ tìm người thân của liệt sĩ Hòa để trao lại bức thư. Đồng thời, gửi đến tay người con gái trong bức thư được liệt sĩ Hòa viết 34 năm về trước.
Sau đó, bằng những kết nối, bức thư được mang đến Trung tâm MARIN. Năm 2013, MARIN đã tìm được ông Nguyễn Văn Hợp - em trai liệt sĩ Hòa (ở thị trấn Rạng Đông, huyện Nghĩa Hưng, Nam Định).
Ông Hợp cho biết, hiện phần mộ của liệt sĩ Hòa nằm tại Hải Hậu, còn gia đình đã chuyển hết về Nghĩa Hưng sinh sống.
Nhận lại bức thư, ông Hợp xúc động kể, anh trai ông (liệt sĩ Hòa) là con thứ ba trong gia đình, năm 1972 ông Hòa đi bộ đội, đóng quân ở Nghệ An, sau đó vào tham gia chiến đấu giải phóng miền Nam. Kết thúc chiến tranh chống Mỹ, giải phóng đất nước, ông Hòa trở về đơn vị tại Nghệ An đóng quân.
Chưa kịp gác súng trở về quê hương thì ông lại được điều động lên biên giới Lạng Sơn chiến đấu với quân Trung Quốc xâm lược.
Người con gái trong bức thư mà ông Hòa nhắc tới là bà Thúy (người cùng quê), khi đó, 2 gia đình đã định ngày cưới cho đôi trẻ vào tháng 3/1979.
Ngày 19/2/1979, ông Hòa được lệnh hành quân lên chiến trường Lạng Sơn. Hai tuần sau, ngày 2/3/1979, ông anh dũng hy sinh trên mảnh đất biên giới khi bức thư viết cho người yêu còn chưa kịp gửi.
Năm 2013, đại tá Đảng cùng trung tâm MARIN đã trực tiếp mang bức thư về trao tận tay cho gia đình và bà Thúy. Đọc những dòng thư mà liệt sĩ Hòa viết cho người yêu đúng 3 tiếng trước khi hành quân lên biên giới khiến những người có mặt đều rưng rưng nước mắt.
VTC News xin đăng tải lại nguyên văn bức thư tình không kịp gửi của liệt sĩ Nguyễn Thái Hòa:
19/2/1979,
Em thân yêu của anh!
Thư em đến với anh giữa lúc anh cùng đơn vị chuẩn bị lên đường đi chiến đấu. Lẽ ra anh không báo tin này cho em và gia đình biết, phần vì thời gian rất gấp và khẩn trương, phần vì anh không muốn em phải lo lắng nhiều vì anh.
Em thân yêu! Ở xa em có thể hiểu được tâm trạng của anh lúc này không em - bâng khuâng, buồn và nhớ da diết, anh bâng khuâng vì đêm nay là đêm cuối cùng ở vùng đất khu 4 này. Ngày mai anh sẽ ra phương Bắc để bước vào cuộc chiến mới.
Nơi đó cuộc ác chiến đã và đang diễn ra. [...] Nơi đó đồng đội đang chờ anh. Anh buồn vì những lúc này anh thấy mình cô đơn và buồn tẻ. Anh nhớ em da diết bởi vì anh sẽ phải xa em nhiều năm nữa, chưa biết khi nào anh mới quay trở lại gặp em. Ôm em và hôn em thắm thiết. Tình yêu của em và anh trong những ngày tháng qua đã để lại cho anh tình thương em, yêu em vô bờ bến. Có thể nói rằng mỗi bước đi, mỗi ngày sống anh đều có em…
Em ơi, ngày mai anh đi về phương Bắc, anh không được gặp em để có đôi lời biệt ly! Ra đi mang nhiều nỗi nhớ thương, ai có thể thấu hiểu được lòng anh trong lúc này em nhỉ? Chỉ có anh thôi, anh đang sống trong giờ phút chia ly. Bao lời anh nói em nhờ thư, nhờ gió mây gửi đến cho em.
Anh ra đi mang theo tình em, anh ra đi để được hiểu, được sống trong giờ phút có cảm nghĩ sâu sắc và tất nhiên sẽ hiểu hết các giá trị của tình yêu. Một tình yêu của anh với em không giới hạn. Một tình yêu vô cùng đẹp đẽ. Dù có nói vạn lần yêu em anh cảm thấy vẫn chưa đủ. Anh không biết nói gì hơn nữa để diễn tả nỗi nhớ tình thương và yêu em như lúc này.
Em yêu thương và nhớ mãi của anh! Chỉ còn 3 giờ đồng hồ nữa là anh tạm biệt nơi đây. Có lẽ chiến thắng của quân dân ta ngày mai có thể có cả công anh. Nhớ theo dõi tin thắng trận và mừng cho anh em nhé. Anh đã và đang chuẩn bị hành quân như em đã viết thư cho anh. Và đêm nay anh không ngủ để ghi nốt trang thư trên mảnh đất này. Ngày mai anh sẽ hành quân, anh sẽ không ngủ để nhớ em, không ngủ để diệt thù, không ngủ để nhìn em suốt canh thâu, không ngủ để gần em và luôn thấy em.
Nhận được thư này đừng nên lo lắng nhiều và buồn em nhé - tan giặc anh về, chờ đợi anh em nhé, chờ đợi anh.
Đêm 19/2.
Anh yêu của em
Tái bút: Anh chỉ nhận được thư em ngày 6/2. Vì chuyển nên đừng ghi theo địa chỉ cũ nữa, khi nào có địa chỉ mới anh sẽ báo tin sau. Anh đã ghi thư cho chị Nhuần + Huệ và em 2 lá. Nhưng mới chỉ nhận được thư em lúc 20h ngày 19/2. (Thông cảm cho anh vì thời gian rất gấp. Ngồi ghi thư cho em ngay trong lúc tất cả đang chuẩn bị lên đường - lính mà em).
Video: Chiến tranh biên giới 1979: Vết thương lòng của những người ở lại
Bình luận