Alireza Beiranvand là lựa chọn số 1 của HLV Carlos Queiroz cho vị trí người gác đền của đội tuyển Iran ở World Cup 2018. Thủ môn này vừa trở thành nhân vật được chú ý hàng đầu trong cuộc đối đầu với Bồ Đào Nha khi cản phá thành công cú đá phạt đền của Cristiano Ronaldo, khiến siêu sao này "tịt ngòi" cả trận.
Chặn đứng cầu thủ xuất sắc nhất thế giới, Beiranvand lại càng khiến người hâm mộ thán phục với hành trình vượt gian khổ để thực hiện giấc mơ làm cầu thủ chuyên nghiệp của anh. Người hùng của đội tuyển Iran từng trải qua cảnh vô gia cư, kiếm sống bằng đủ các việc làm thuê.
Alireza Beiranvand sinh ra ở Sarabias trong một gia đình du mục, từ nhỏ đã phải làm quen với cuộc sống nay đây mai đó. Phải đến năm cậu con trai cả Alireza 12 tuổi, cả nhà mới ổn định chỗ ở và từ đó anh mới được tập luyện bóng đá một cách bài bản tại một CLB địa phương. Beiranvand muốn làm cầu thủ chuyên nghiệp, bất chấp sự phản đối của gia đình.
"Cha tôi không thích bóng đá và muốn tôi phải làm việc. Ông ấy thậm chí còn xé rách áo và găng tay của tôi và nhiều lúc tôi phải bắt bóng bằng tay trần", tờ The Guardian dẫn lời tâm sự của thủ môn đội tuyển Iran.
Beiranvand quyết định vay tiền một người bà con và bỏ nhà lên Tehran tìm kiếm cơ hội chơi bóng. Trong chuyến đi này, một HLV tên Hossein Feiz ngỏ ý cho Beiranvand tập nhờ ở CLB của ông ta và chỉ cần trả số tiền tương đương khoảng 30 Bảng Anh. Nhưng khi đó anh vừa thiếu tiền, vừa không có chỗ ở, phải ngủ vạ vật ở những góc phố toàn người vô gia cư.
"Tôi ngủ trước cổng sân tập và khi thức dậy vào buổi sáng, tôi thấy những đồng xu mà người ta ném cho mình. Họ nghĩ tôi là kẻ ăn xin. Cũng được thôi. Tôi có một bữa sáng ngon lành lần đầu tiên sau bao lâu".
Cuối cùng HLV Feiz cũng cho Beiranvand tập nhờ mà không đòi tiền. Anh sống tạm ở nhà một đồng đội trong hai tuần, trước khi được một đồng đội khác thu xếp cho một công việc và chỗ ở trong xưởng may của gia đình.
Sau đó Beiranvand chuyển sang làm nhân viên rửa xe và chính công việc này giúp anh có cơ hội được gặp huyền thoại bóng đá Iran, Ali Daei. Các bạn khuyên Beiranvand nên nhờ Ali Daei giúp đỡ, nhưng anh không làm như vậy. "Tôi quá xấu hổ khi nói chuyện với anh ấy và kể về hoàn cảnh của mình", anh nói.
Cuộc đời kiểu "du mục" của Beiranvand lại tiếp tục khi anh gia nhập một CLB có tên là Naft Tehran. Anh phải đi làm thêm trong cửa hàng pizza để được ngủ lại đó. Nhưng cũng chẳng được bao lâu, Beiranvand lại đi kiếm việc khác, lần này là nhân viên dọn vệ sinh đường phố và thường phải ngủ ngoài công viên.
Video: Beiranvand cản phá cú đá phạt đền của Ronaldo, giúp Iran cầm hòa Bồ Đào Nha
Trong thời gian này anh còn tập cùng một đội bóng khác và gặp chấn thương. CLB Naft Tehran sa thải Beiranvand, nhưng sau đó gọi anh trở lại. Từ đây, chuỗi ngày khổ cực dần bị bỏ lại phía sau và sự nghiệp của anh bắt đầu đi lên.
Beiranvand lần lượt được gọi vào đội U20, U23 rồi đến đội tuyển quốc gia Iran vào năm 2015, thi đấu tại Asian Cup. Năm 2017, anh trở thành cầu thủ Iran đầu tiên được đề cử ở hạng mục thủ môn xuất sắc nhất của giải The Best của FIFA.
"Tôi đã chịu đựng bao gian khổ để biến giấc mơ thành hiện thực. Tôi không có ý định quên chúng đi, bởi đó là thứ đã tạo nên tôi ngày hôm nay", Beiranvand chia sẻ.
Đáng tiếc cho thủ môn sinh năm 1992 là anh và đồng đội không thể vượt qua vòng bảng World Cup 2018. Đội tuyển Iran thi đấu đầy nỗ lực và khiến cho cả Bồ Đào Nha lẫn Tây Ban Nha phải rất vất vả. Đội bóng Tây Á kết thúc hành trình tại Nga với vị trí thứ ba tại bảng B, giành được 4 điểm.
Bình luận