Xuất khẩu vải thiều – 'mở cửa' nhưng vẫn lúng túng

Kinh tếThứ Ba, 16/06/2015 03:26:00 +07:00

Sau khi Việt Nam ký thành công hiệp định xuất khẩu vải sang các thị trường quốc tế, đầu ra cho sản phẩm này tưởng chừng rộng mở hơn

(VTC News) - Sau khi  Việt Nam ký thành công hiệp định xuất khẩu vải sang các thị trường quốc tế, đầu ra cho sản phẩm này tưởng chừng rộng mở hơn, nhưng thực tế khi mùa vải bước vào vụ thu hoạch người dân và chính quyền vẫn vướng vào vòng luẩn quẩn.

Hiện nay, vải thiều đã bước vào vụ, tại huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) người dân bắt đầu thu hoạch vải đầu mùa. Thực tế cho thấy, vải vẫn chủ yếu xuất sang thị trường truyền thống là Trung Quốc và nội địa.

Ông Bùi Huy Tình (chủ tịch UBND xã Hồng Giang, huyện Lục Ngạn, Bắc Giang) cho biết: “Hiện tại xác định Trung Quốc vẫn là thị trường chính, vì đây là thị trường dễ tính, gần địa phương nên việc vận chuyển thuận lợi. Hơn nữa, giá thu mua tại chỗ của thương lái Trung Quốc hiện đang giao động ở mức cao từ  20-28 ngàn/kg, “tiền ngay thóc thật” nên người dân tranh thủ bán".

Người dân thu hoạch vải thiều đầu mùa. Ảnh: Nguyễn Thị Huyền 

Đạt tiêu chuẩn VietGAP nhưng vẫn chưa xuất được

Anh Nguyễn Văn Hải (sinh năm 1974, thôn Thượng Vũ, xã Quý Sơn, Lục Ngạn, Bắc Giang) chia sẻ: “Năm trước xã có cho các hộ dân đăng ký sản xuất vải sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, bà con đã sản xuất đúng kỹ thuật đảm bảo chất lượng nhưng đến khi thu hoạch chỉ lấy mỗi hộ gia đình khoảng hơn 20 kg”.

Để đáp ứng được tiêu chuẩn này bà con phải đầu tư nhiều hơn về kỹ thuật từ chăm bón đến thu hoạch, bảo quản, thu mua với số lượng ít bà con sẽ quay lại sản xuất theo phương pháp truyền thống, chủ yếu dựa trên kinh nghiệm.

Khi được bày bán trên thị trường, người tiêu dùng chưa phân biệt được đâu là vải sản xuất theo quy trình VietGAP, đâu là vải sản xuất truyền thống, vì thế mà người nông dân chưa thật sự nhìn thấy động lực rõ ràng để đầu tư sản xuất vải sạch.

Năm nay, thị trường quốc tế mở rộng hơn, các doanh nghiệp đặt hàng nhiều, thậm chí đến tận nơi khảo sát, kí hợp đồng nhưng người dân vẫn băn khoăn bởi những lẽ: “Hái từ trên cây xuống rồi, chuyển đi rồi nhưng khi doanh nghiệp kiểm tra không đảm bảo chất lượng, mẫu mã họ sẽ trả lại” – chị Đào Thị Bình ( 51 tuổi, trú tại thôn Kép 1, xã Hồng Giang) nói.

Trong khi đó, thương lái Trung Quốc vào trong nước đến tận nơi mua với giá ngang, thậm chí còn cao hơn. Người dân cần sự chắc chắn nên vải được bảo quản đông lạnh để chuyển về Trung Quốc vẫn chiếm hơn 50%.

Để xuất khẩu được vải sang thị trường quốc tế, giá chi phí sẽ đội lên cao. Chỉ tính riêng khâu vận chuyển đã gặp rất nhiều khó khăn. Đặc điểm của vải là thời gian thu hoạch ngắn (khoảng 20 ngày), không thể vận chuyển, tiêu thụ được 5000 – 7000 tấn vải trong khoảng ấy thời gian, phương tiện vận chuyển, bảo quản… đắt đỏ, chủ yếu là vận chuyển bằng đường không và đường thủy.

Về chất lượng, hiện nay, ở miền Bắc chưa có nhà máy chiếu xạ, muốn chiếu xạ phải vận chuyển vào phía Nam (Bình Dương), kiểm dịch, khâu vẫn chuyển tốn kém, kéo dài làm cho chi phí tăng, chất lượng giảm. Yêu cầu và mong muốn cấp thiết lúc này là xây dựng nhà máy chiếu xạ ở ngay miền Bắc hoặc tại vùng để có thể kiểm dịch và bảo quản nông sản không chỉ riêng vải thiều mà còn tất cả các mặt hàng nông sản xuất khẩu khác.

Kì vọng của người trồng và quan điểm của chính quyền

Năm nay, riêng xã Hồng Giang có tới 243 hộ đủ tiêu chuẩn đăng kí sản xuất vải theo quy trình VietGAP với diện tích 60ha. Trong đó riêng thôn Kép 1 có 109 hộ với hơn 10ha. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, người dân vẫn chưa thấy việc xuất khẩu ra thị trường quốc tế có dấu hiệu khả quan, bà con đang trông chờ và chuẩn bị phương án dự phòng nếu không xuất được sẽ bán cho Trung Quốc.

Anh Nguyễn Văn Hải tâm sự: “Bỏ ra nhiều công sức để chăm sóc bà con đều hy vọng giá thành sẽ cao hơn, không bị ép giá”.

Người dân đi cân vải thiều đầu mùa. Ảnh: Phương Huệ

Không cùng quan điểm với anh Hải, ông Bùi Huy Tình ( chủ tịch UBND xa Hồng Giang) nói: Sản xuất theo qui trình VietGAP không phải để đội giá lên, không phải nếu sản xuất theo kiểu truyền thống bán ra 15.000 ngàn/kg thì sản suất theo qui trình này phải bán được với giá 20.000 – 25.000/kg. Mà là sản xuất nhằm mục tiêu vì chính bản thân người trồng và người tiêu dùng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, sắp tới chúng tôi sẽ nhân rộng và tiến tới phổ biến sản xuất không chỉ vải mà còn tất cả các loại nông sản theo tiêu chuẩn VietGAP và cao hơn nữa là GlobalGAP”

Để làm được điều này, chính quyền, những người có trách nhiệm phải làm tốt công tác tư tưởng, tư vấn, hướng dẫn cho người dân, nâng cao nhận thức cho bà con, để bà con hiểu về giá trị của việc sản xuất nông sản sạch, trước hết là tiểu chuẩn VietGAP để lấy đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng trong nước, và là điều kiện để xuất khẩu ra nước ngoài.

Đã có nhiều hộ hiểu và làm tốt qui trình này, điển hình là hộ anh Nguyễn Thành Đoạt ( thôn Kép 1) với 4 mẫu vải thiều trồng hoàn toàn theo qui trình VietGAP. Anh Đoạt nhận thức rõ chủ trương của chính quyền và giá trị mà nông sản sạch mang lại.

Một năm trở lại đây gia đình anh áp dụng qui trình này vào sản xuất. Anh cũng cho biết, hiện tại một đoàn doanh nghiệp của nước Anh đang đặt vấn đề mua 200 tấn vải sạch, anh và các hộ trong thôn đang đàm phán thỏa thuận về giá cả để đưa vải thiều Việt Nam sang thị trường Châu Âu, trước tiên là thị trường Anh nhằm giải quyết đầu ra cũng như khẳng định thương hiệu vải Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Cơ hội mở ra, thách thức cũng nặng nề hơn


Nếu như nhiều năm trước, bà con lo lắng khó khăn trong việc xuất khẩu ra thị trường nước ngoài thì năm nay – 2015 đã có những dấu hiệu tích cực, nhiều nước, doanh nghiệp nước ngoài ngỏ lời mua vải thiều.ngoài Trung Quốc, Úc, Mĩ và Nhật vẫn dẫn đầu nhu cầu thu mua.

Vấn đề đặt ra là cơ hội có rồi, bà con cũng cần bắt tay vào thực hiện sản xuất vải sạch để có thể đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp quốc tế.

Bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy, đại diện thương mại Việt Nam tại Úc cho biết: “Để vào được thị trường Úc, phải đảm bảo năm yêu cầu kiểm duyệt khắt khe : vùng trồng; cơ sở đóng gói; bao bì nhãn mác; xử lý chiếu xạ; kiểm dịch lô hàng xuất khẩu”.

Nếu làm được những điều này, vải thiều nói riêng và nông sản nói chung sẽ không cần lo lắng đầu ra.

Ngày 28/1/2008 tiêu chuẩn VIETGAP đã chính thức được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành .

VIETGAP (là cụm từ viết tắt của: Vietnamese Good Agricultural Practices) có nghĩa là Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam dựa trên 4 tiêu chí như:

1.Tiêu chuẩn về kỹ thuật sản xuất.

2. An toàn thực phẩm gồm các biện pháp đảm bảo không có hóa chất nhiễm khuẩn hoặc ô nhiễm vật lý khi thu hoạch.

3.Môi trường làm việc mục đích nhằm ngăn chặn việc lạm dụng sức lao động của nông dân.

4.Truy tìm nguồn gốc sản phẩm. Tiêu chuẩn này cho phép xác định được những vấn đề từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.

Phương Huệ
Bình luận
vtcnews.vn