• Zalo

Xuất huyết dưới nhện, thai phụ 33 tuổi nguy kịch

Sức khỏeThứ Năm, 25/10/2018 16:56:00 +07:00Google News

Đau đầu, chóng mặt dữ dội khi đang mang thai ở tuần thứ 37, chị N. được bác sĩ chẩn đoán xuất huyết dưới nhện nên quyết định chủ động mổ lấy thai ở tuần thứ 37 và tiếp tục can thiệp mạch máu não để giữ an toàn cho cả mẹ và thai nhi.

Chị N.T.N, 33 tuổi, ngụ quận 4, TP.HCM xuất hiện những triệu chứng đau đầu, chóng mặt dữ dội khi đang mang thai 37 tuần. Nghĩ là những dấu hiệu tháng cuối thai kỳ nên chị N. đến khám tại một bệnh viện sản khoa lớn trong thành phố.

Bác sĩ sản tư vấn nên đến một bệnh viện (BV) đa khoa để được chẩn đoán toàn diện và chính xác hơn. Đến Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM (BV ĐHYD), chị N. được chẩn đoán xuất huyết dưới nhện, một bệnh lý vỡ túi phình động mạch não nguy hiểm.

Sau khi hội chẩn và cân nhắc nguy cơ, các bác sĩ quyết định chủ động mổ lấy thai ở tuần thứ 37 và tiếp tục can thiệp mạch máu não để giữ an toàn cho cả mẹ và thai nhi.

Một ngày sau khi vượt cạn, sản phụ được chụp DSA để xác định vị trí túi phình động mạch não sau và can thiệp bít túi phình tại chỗ.

xuathuyetduoinhen

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân. 

Sau 3 tuần điều trị, bệnh nhân đỡ đau đầu và vừa xuất viện. Túi phình dù được điều trị nhưng vẫn có 1-5% tái phát trong 5 năm đầu nên bệnh nhân cần theo dõi, kiểm tra sức khỏe định kỳ, sinh hoạt điều độ, giữ huyết áp ổn định.

Tiến sĩ Trần Nhật Thăng, Phụ trách Khoa Phụ sản BV ĐHYD cho biết, trường hợp của chị N. khá may mắn vì thai nhi đã phát triển đầy đủ nên bác sĩ chủ động mổ lấy thai. Nếu để sản phụ chuyển dạ tự nhiên thì những cơn gò, cơn đau khi chuyển dạ sẽ khiến tình trạng xuất huyết não nặng nề hơn, có thể ảnh hưởng đến tính mạng của cả mẹ và con.

Xuất huyết dưới nhện hay xuất huyết trong khoang dưới nhện nội sọ là bệnh lý chảy máu nội sọ xung quanh não. Nguyên nhân thường là chấn thương hoặc do vỡ túi phình động mạch não. Tỷ lệ người dân có túi phình động mạch não khá cao, chiếm 3-5% dân số. Xuất huyết dưới nhện do vỡ túi phình động mạch não là cấp cứu ngoại khoa.

Nếu không được bít hoặc kẹp túi phình mạch máu não kịp thời thì nguy cơ vỡ lại rất cao, khoảng 20-30% trong 2 tuần đầu tiên và 50% trong 6 tháng đầu. Nếu túi phình động mạch não vỡ lại, 70-90% người bệnh sẽ chết. Xuất huyết dưới nhện còn có thể dẫn đến hậu quả nặng nề như nhồi máu não, giãn não thất làm tổn thương hệ thần kinh.

Bác sĩ Trần Quốc Tuấn, Khoa Ngoại Thần kinh của BV cho biết, khi túi phình động mạch não chưa lớn và chưa vỡ thì người bệnh hầu như không có triệu chứng, chỉ có thể phát hiện trên các chẩn đoán hình ảnh học. Nếu túi phình to (chưa vỡ) có thể gây triệu chứng yếu liệt chi, liệt vận động mắt hoặc mờ mắt do chèn ép dây thần kinh. Khi túi phình vỡ gây xuất huyết khoang nội sọ, người bệnh sẽ đau đầu đột ngột dữ dội, cổ cứng, nặng hơn có thể kèm rối loạn tri giác, lơ mơ, hôn mê và động kinh.

Bác sĩ khuyến cáo nếu xuất hiện triệu chứng đau đầu đột ngột dữ dội, người dân nên ngay lập tức đến các cơ sở y tế thực hiện các kiểm tra hình ảnh học để xác định nguy cơ xuất huyết dưới nhện. Cha mẹ, anh chị em, con cái của người bệnh có túi phình động mạch não nên được tầm soát để chẩn đoán túi phình nội sọ sớm.

Mộc Lê
Bình luận
vtcnews.vn