Tại Australia, các trường học sẽ ghi chép đầy đủ về các trường hợp học sinh và nhân viên mắc COVID-19. Các trường hợp này không được tới trường và phải cách ly trong 7 ngày. Trường sẽ thông báo về các ca F0 với các nhóm bị ảnh hưởng hoặc toàn trường, kêu gọi các học sinh, giáo viên, nhân viên theo dõi các triệu chứng.
Những trường hợp không xuất hiện triệu chứng có thể tiếp tục tới trường. Ngược lại, học sinh và giáo viên xuất hiện triệu chứng bệnh không được tới lớp học, phải đi xét nghiệm và chỉ được trở lại trường khi có kết quả âm tính và không còn triệu chứng bệnh.
Ở Anh, các học sinh xét nghiệm dương tính được yêu cầu cách ly ở nhà. Các em có thể trở lại trường nếu âm tính và không bị sốt trong 48 giờ. Nhà trường phải báo cáo về các ca bệnh tới Cơ quan Y tế công cộng Anh. Cơ quan này sẽ chịu trách nhiệm thông báo với các trường hợp tiếp xúc gần với ca bệnh, yêu cầu họ tuân thủ hướng dẫn phòng dịch.
Theo khuyến cáo của CDC Mỹ, các trường sau khi phát hiện ca bệnh cần lập tức thông báo cho các quan chức y tế công cộng, tuân thủ các hướng dẫn của CDC về xử lý F0, truy vết.
Tùy thuộc vào số ca nhiễm, nhà trường sẽ quyết định đình chỉ lớp học, đóng cửa các tòa nhà hoặc cả cơ sở hay không.
Khi phát hiện một ca bệnh, bất kể tình trạng tiêm chủng ra sao, học sinh này sẽ bị tách khỏi bạn học, đưa tới khu vực cách ly riêng.
Nhà trường sẽ đánh giá nguy cơ phơi nhiễm nCoV với các học sinh trong trường thông qua các yếu tố như bối cảnh, thời gian tiếp xúc, tình trạng tiêm chủng, sử dụng khẩu trang và thời điểm ca bệnh bắt đầu xuất hiện triệu chứng.
Các trường hợp được xác nhận tiếp xúc gần với các ca F0 sẽ được khuyến nghị về cách ly, xét nghiệm. Khuyến cáo này sẽ khác nhau, tùy theo tình trạng tiêm chủng (đã tiêm mũi nhắc lại chưa, từng mắc COVID-19 trong 90 ngày qua hay không).
Ở Canada, các phụ huynh được yêu cầu theo dõi con em mình nếu chúng được xác định tiếp xúc gần với F0 tại trường học. Các trường hợp F1 này vẫn có thể đi học nếu không có triệu chứng.
Học sinh từ 12 tuổi trở nên, tiêm chủng đầy đủ hoặc học sinh 11 tuổi trở xuống bất kể tình trạng tiêm chủng sẽ phải tự cách ly ít nhất 5 ngày kể từ khi xuất hiện triệu chứng. Thời gian cách ly sẽ kết thúc cho tới khi triệu chứng của các em được cải thiện trong 24 giờ (hoặc 48 giờ nếu có các triệu chứng buồn nôn, nôn, tiêu chảy).
Trẻ từ 12 tuổi lên nếu chưa tiêm đủ vaccine hoặc hệ miễn dịch bị suy giảm phải tự cách ly trong 10 ngày kể từ khi bắt đầu xuất hiện triệu chứng.
Tại Singapore, nếu xét nghiệm nhanh kháng nguyên cho kết quả dương tính, học sinh phải tự cách ly trong 72 giờ. Sau thời gian cách ly, các em có thể trở lại trường nếu kết quả xét nghiệm âm tính.
Với các trường mẫu giáo, do trẻ không sử dụng ứng dụng truy vết nên nhà trường sẽ chủ động xác định các trường hợp tiếp xúc gần.
Với các cấp học khác, Bộ Y tế Singapore sẽ trực tiếp liên hệ các học sinh tiếp xúc gần với ca bệnh. Các trường ghi nhận ca bệnh sẽ chuyển sang hình thức học trực tuyến trong 1 ngày để khử trùng.
Tại Hàn Quốc, các trường sẽ chuyển sang dạy học từ xa nếu trên 3% trong tổng số các học sinh theo học được xác nhận mắc COVID-19 trong 1 ngày hoặc số học sinh bị hạn chế tham gia các lớp học vượt quá 15%.
Các giáo viên sẽ chịu trách nhiệm truy vết các ca COVID-19 trong trường.
Ngoài ra, các học sinh tiếp xúc với trường hợp nhiễm nCoV sẽ được yêu cầu làm xét nghiệm kháng nguyên nhanh 3 lần trong 7 ngày trước khi được phép trở lại học trực tiếp.
Pháp ban đầu áp dụng các quy định phòng dịch nghiêm ngặt tại trường học nhưng đã nới lỏng vào cuối tháng 1.
Theo đó, các phụ huynh không phải lập tức tới trường đón con nếu các em được xác định đã tiếp xúc với các trường hợp F0 tại trường. Thay vào đó, học sinh có thể ở lại trường cho tới khi ngày học kết thúc.
Với các học sinh tiếp xúc với bạn cùng lớp nhiễm bệnh, các em sẽ phải làm xét nghiệm PCR hoặc xét nghiệm kháng nguyên. Tại nhà, các em sẽ làm thêm 2 xét nghiệm vào các ngày thứ 2 và thứ 4. Phụ huynh phải ký tên vào một chứng chỉ xác nhận cả 3 kết quả này.
Bộ xét nghiệm có sẵn tại các hiệu thuốc và miễn phí.
Bình luận