Giáo sư Christopher Goh, chuyên gia phẫu thuật vùng đầu mặt cổ, Bệnh viện Mount Elizabeth Novena, Singapore, khẳng định không khó để phát hiện ung thư tuyến nước bọt ở giai đoạn sớm.
Dấu hiệu ban đầu của bệnh là xuất hiện một khối u mọc trong tuyến nước bọt, gần vị trí trước tai, kéo dọc xuống theo xương hàm. Hầu hết u này không gây đau đớn, mặc dù bệnh nhân có thể cảm nhận hoặc nhìn thấy nó.
Để chẩn đoán ung thư, cần lấy mẫu tế bào từ khối u (sinh thiết), kết hợp cùng hướng dẫn hình ảnh siêu âm để kiểm tra xem có phải u ác tính hay không. Mặc dù vậy, gáo sư Christopher khuyên trong bất kỳ trường hợp u tuyến nước bọt ác hay lành tính đều cần phải phẫu thuật cắt bỏ.
Trên thực tế nhiều người nghĩ rằng không cần thiết phải phẫu thuật loại bỏ một khối u lành tính trong cơ thể. Song giáo sư Christopher đánh giá quan điểm này không hoàn toàn đúng, nhất là với các khối u tuyến nước bọt. Với hơn 20 năm kinh nghiệm khám và điều trị ung thư, giáo sư Christopher nhận định: “Cho dù một khối u ở tuyến nước bọt không phải là ác tính, tôi vẫn khuyên bệnh nhân phẫu thuật cắt bỏ, bởi u sẽ tiếp tục phát triển và không tránh khỏi rủi ro chuyển thành ác tính về sau”.
Đến nay chưa thể khẳng định nguyên nhân gây ra u và ung thư tuyến nước bọt. Một số nghiên cứu cho thấy thói quen hút thuốc có liên quan tới u tuyến mang tai lành tính, thường được gọi là u Warthin. Sự xuất hiện của khối u là hệ quả của tình trạng tăng sản các mô lympho do phản ứng với các độc chất từ thuốc lá.
Hóa trị là phương pháp điều trị hiệu quả đối với hầu hết ung thư vùng đầu mặt cổ, tuy nhiên lại không đáp ứng với các loại ung thư dạng tuyến như tuyến giáp và tuyến nước bọt. Do vậy giáo sư Christopher khuyên tất cả trường hợp u tuyến nước bọt cần phải phẫu thuật.
“Một số bệnh nhân hỏi tôi liệu có thuốc hay có cách nào để điều trị khối u mà không cần phẫu thuật không. Tôi trả lời rằng phẫu thuật là phương thức duy nhất loại bỏ khối u. Dựa vào mức độ nghiêm trọng của bệnh, có thể cần phải xạ trị thêm sau đó”, ông chia sẻ.
Phẫu thuật u tuyến nước bọt không quá phức tạp, bệnh nhân thường mất vài tuần để hồi phục, hầu hết có thể trở lại làm việc sau khoảng 2 tuần. Giáo sư Christopher lưu ý: Đa phần trường hợp u tuyến nước bọt kích thước càng lớn giai đoạn bệnh càng nặng. Dù vậy bệnh nhân không thể đo lường chính xác kích thước của khối u thông qua đánh giá trực quan đơn giản.
Trên thực tế giáo sư Christopher từng tiếp nhận nhiều trường hợp đến bệnh viện khám khi ung thư tuyến nước bọt đã ở giai đoạn muộn khiến quá trình chữa trị trở nên phức tạp và tốn kém hơn. Do vậy ông khuyên mọi người khi thấy có những thay đổi bất thường trong cơ thể, nên đi khám ngay. Việc phát hiện ung thư ở giai đoạn sớm có ý nghĩa rất lớn quyết định hiệu quả điều trị.
Video: Nhiều cô gái mới 20 tuổi đã mắc ung thư vú
Bình luận