• Zalo

Xuân yên bình trên bến đò tang thương

Thời sựThứ Ba, 16/02/2010 03:43:00 +07:00Google News

(VTC News)- Một năm trở lại, cuộc sống miền tang thương đã vơi đi nỗi đau thắt lòng. Tất cả họ sẽ được đón một cái tết an lành, mặc cho nỗi buồn còn đọng lại.

(VTC News) –  Chuyến đò “định mệnh” sáng ngày 25/01/2009 (30 Tết Kỷ Sửu) trên bến sông xã Quảng Hải (Quảng Trạch, Quảng Bình) khiến 42 người thiệt mạng, trong đó hầu hết là phụ nữ và trẻ em đi sắm tết. Một năm trở lại, cuộc sống nơi miền tang thương đã vơi đi nỗi đau thắt lòng. Những đứa trẻ thiếu sữa mẹ đã lớn lên bằng hơi ấm, sự chăm bẳm của cha. Những đứa trẻ mất cả cha lẫn mẹ cũng lớn lên trong sự nuôi nấng, đùm bọc của ông bà, làng xóm và cộng đồng…Tất cả họ sẽ được đón một cái tết an lành, mặc cho nỗi buồn còn đọng lại.

Ứa nước mắt cảnh “gà trống nuôi con”

Phóng viên VTC News trở lại Quảng Hải vào đúng cái ngày “định mệnh”, nhưng lần này không phải bấp bênh trên chiếc đò ngang, mà bon bon phóng thẳng qua một cây cầu Quảng Hải “suốt bấy lâu người dân mong đợi”. Cái cầu mà người làng Quảng Hải nói “giá làm xong như dự kiến thì dân số làng mình không mất đi 42 khẩu”…

Vụ chìm đò thảm khốc đúng vào ngày 30 Tết âm lịch, nhưng vì năm Kỷ Sửu là năm nhuận nên cả 35 gia đình ở Quảng Hải đã làm giỗ đầu tròn năm cho vợ, con họ cách đây 1 tháng.

Hằng ngày anh Xinh và các con vẫn hương khói cho người vợ, người mẹ đã mất
Sau ngày tang thương đó, 20 người đàn ông ở ngôi làng này bỗng dưng thành "gà trống nuôi con". Quanh một vòng, chứng kiến cảnh hàng chục người đàn ông vẫn miệt mài sớm tối chăm bẵm những đứa con của mình trưởng thành, khôn lớn, chúng tôi không khỏi ứa lệ.

Khi vợ mất, hàng ngày anh Lê Văn Thắm vẫn phải bồng đứa con còn đỏ hỏn đi xin từng giọt sữa của người làng. Anh tâm sự: “Nhiều đêm thiếu sữa và hơi ấm của mẹ nó cứ khóc suốt nên tôi phải đi gõ cửa nhà nào có người mới sinh con để xin cho cháu…”. Rồi anh Tiến, anh Lâm, anh Chuẩn, anh Luận… ở Quảng Hải cũng chung cảnh ngộ. Từ ngày vợ mất, các anh vừa làm bố, vừa làm mẹ.

Tuy vậy, những “gà  trống nuôi con” vẫn còn có niềm vui hơn những người đàn ông chỉ tróng phút chốc bỗng mất cả gia đình. Anh Phạm Xuân Hồng và chị Cao Thị Lan lấy nhau từ năm 2001, 8 năm chung sống anh chị không có con. Hai vợ chồng chạy chữa khắp nơi, đến gần cuối năm 2008, chị Lan có thai. Mừng quá chị báo tin cho họ hàng, anh em, bạn bè biết. Thế nhưng, niềm vui chưa kịp trọn vẹn, chị đã vĩnh viễn ra đi cùng với đứa con đang mang thai sang tháng thứ ba mà cả gia đình mong đợi.

Bi đát nhất là gia đình ông Cao Xuân Khâm (74 tuổi). Vụ chìm đò đã cướp đi của gia đình ông Khâm 2 người con gái và 1 người con dâu. Ba người phụ nữ mất đi để lại 6 đứa con mồ côi mẹ. Giờ vợ chồng ông Khâm vẫn phải nuôi cháu ngoại mồ côi Trần Trung Kiên. Cha mất khi mẹ cháu đang mang thai, sinh ra được 11 tháng tuổi thì mẹ lại chết trong vụ chìm đò, từ đó cháu Kiên trở thành trẻ mồ côi trong nhà ngoại.

Ông Khâm và cùng những đứa cháu tội nghiệp trong ngày giỗ mẹ

Anh Nguyễn Văn Xinh (40 tuổi) hằng ngày phải nuôi nấng 3 đứa con ăn học. Vợ anh Cao Thị Tuyết (36 tuổi), cùng với đứa con trai duy nhất Nguyễn Văn Tuấn (11 tuổi) bị “thủy thần” cướp đi trong cái ngày không thể quên 1 năm về trước. “Có hôm, ngồi khâu lại chiếc áo cho con chỗ bị sứt chỉ, tui loay hoay mãi, kim đâm cả vào tay. Nhưng làm dần rồi cũng quen. Mỗi lần làm việc gì mà vợ thường làm hằng ngày, tui đau lòng lắm", anh nói.

Đi chợ, nấu ăn, may vá… vốn dĩ là việc phụ nữ thường làm, song ở Quảng Hải, đàn ông giờ gánh thêm thiên chức làm mẹ, vì vậy họ tảo tần, thức khuya dậy sớm.

Nhịp cầu nối những bờ vui

Ông Đoàn Xuân Thiện, Chủ tịch UBND xã Quảng Hải cho hay, từ khi tai nạn thương tâm xảy ra cho đến nay, các gia đình có người bị nạn vẫn liên tục nhận được sự giúp đỡ kịp thời về tinh thần và vật chất từ chính quyền các cấp cũng như tấm lòng sẻ chia quý báu của đồng bào trong cả nước. Vì thế, 39 trẻ mất mẹ trên chuyến đò oan nghiệt được vẫn đang được chăm sóc chu đáo, không còn khóc ngặt vì khát sữa mẹ...

Dù gặp không ít khó khăn nhưng 100% các cháu vẫn sách đến trường. Với sự quan tâm của những ông bố, sự chăm ngoan của những đứa trẻ, các ngôi nhà nơi đây vẫn ngăn nắp như “những ngày còn có mẹ”…

Không chỉ những người cha, người bố lo lắng cho con mà chính những đứa con mất mẹ đã tự mình chăm sóc bản thân mình và cả những đứa em tội nghiệp. Từ khi mẹ mất, cháu Cao Thị Ngân đang học lớp 11, con anh Cao Xuân Thí vẫn cùng ba vật lộn với ruộng đồng và nuôi 3 em khôn lớn. 4h30' sáng hàng ngày, khi ba dậy chuẩn bị cho lợn, gà, trâu bò ăn, Ngân cũng thức dậy để thổi cơm sáng, quét dọn nhà cửa và chuẩn bị cho các em tới trường.

Cháu Cao Xuân Hiền (14 tuổi) hằng ngày vẫn lo lắng cho người bố Cao Xuân Hiện (71 tuổi), vì vụ chìm đò đã cướp đi người vợ và con gái khiến ông phát bệnh.

Dẫu có muộn mằn chiếc cầu cũng kịp nối nhịp bờ vui

Bí thư Đảng ủy xã Quảng Hải, Trần Mạnh Hổ cho biết: “Sau vụ chìm đò, người dân trong xã lại càng đoàn kết hơn, họ giúp nhau khi mùa cấy, mùa gặt. Sang năm 2010, lãnh đạo xã đang đề nghị các cấp cho 35 hộ gia đình có thân nhân mất trong vụ chìm đò được hưởng chính sách như hộ nghèo; để con cái họ có điều kiện tới trường, làm thẻ bảo hiểm y tế cho họ”.

Theo ông Cao Xuân Sơn, Phó Bí thư đảng ủy xã, các tổ chức đoàn thể như Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Ðoàn thanh niên... trong xã đều có kế hoạch giúp đỡ gia đình các nạn nhân theo chức năng của tổ chức mình.  Còn bà con Quảng Hải, nhà nhà nương tựa giúp đỡ nhau, bởi hơn ai hết họ hiểu rõ không cách gì xoa dịu nỗi đau bằng cách ghé đôi vai để san sẻ, gánh đỡ, từ việc dọn dẹp trong nhà cho đến việc đồng áng… Hàng ngày hội phụ nữ, đoàn thanh niên cử người đến từng gia đình nạn nhân cùng họ tộc lo toan việc nhà giúp người sống sót bớt phần buồn phiền và hưu quạnh.

Con sông Gianh qua bao mùa lũ đục ngầu nay đã  trong xanh trở lại, thầm thì trôi và vỗ về vào hai bờ đất. Làng nổi đã trở lại yên bình với những nếp nhà ngói đơn sơ trong khói lam chiều... Bên cạnh bến đò mang trong mình nỗi đau đầy oan nghiệt, dẫu có muộn mằn chiếc cầu cũng kịp nối nhịp bờ vui, giờ đây chẳng nghe ai í ới gọi đò...

Tất cả người dân xã Quảng Hải “gác” lại nỗi đau, mất mát quá lớn của ngày “định mệnh” năm ngoái để cùng với cả nước đón một cái Tết Canh Dần thật ấm cúng và an lành…

Sông Gianh

Bình luận
vtcnews.vn