Xuân xứ Quảng ngọt thơm bánh nổ

Bạn đọc viếtThứ Ba, 25/01/2011 06:16:00 +07:00

(VTC News) - Trên bếp than hồng, hạt nếp nổ bung vỏ trấu ra, khoe ruột trắng ngần. Sau khi sàng sẩy, giần đãi cho sạch vỏ trấu thì bắt đầu đóng bánh.

(VTC News) - Cuối mùa đông, vào những ngày giữa tháng chạp, khi những cơn gió không còn lạnh tê tái, khi đất trời vừa dứt mưa phùn, không chỉ người làng tôi mà khắp vùng xứ Quảng lại đắp lò, rang nếp làm bánh nổ chờ Tết đến.

 

Ít có loại bánh nào lại làm dễ như bánh nổ, chỉ vỏn vẹn có ba thức làm nguyên liệu là nếp, đường và gừng già. Nói là dễ, chứ thật ra làm bánh nổ nếu không có nghề thì làm không ngon, bánh không thơm và hạt nếp không nở to hết cỡ. Đó là cả một quá trình công phu mà chỉ có người nông dân tảo tần mưa nắng với hạt thóc quê nhà mới có đủ kiên nhẫn để làm được.

 

 

Gần ngày làm bánh, phải mang nếp đem ra phơi cho thật khô, để khi rang mới nổ to, nở bung ra như hoa chanh, hoa cam. Trên bếp than hồng, hạt nếp nổ bung vỏ trấu ra, khoe ruột trắng ngần. Sau khi sàng sẩy, giần đãi cho sạch vỏ trấu thì bắt đầu đóng bánh. Đường để làm bánh cũng phải là loại đường thơm, không có tạp chất. Trước kia người dân quê thường làm bằng loại đường mật, đường đen nên bánh dẻo hơn. Bây giờ người ta thường dùng đường kính trắng, bánh nhìn trắng và ngon hơn. Gừng để làm hương cũng phải chọn loại gừng già, gừng cụ thì vị mới đủ cay, mới thơm khi đổ khuôn bánh. Khi rang nếp, thắng đường, ướp gừng phải là người có kinh nghiệm mới làm được, nếu không đường sẽ cháy làm bánh có vị đắng, nếp chưa nổ hết sẽ không thơm.

 

Xong những bước đó là đến lúc đóng bánh vào khuôn. Khuôn đóng bánh được làm bằng gỗ hình chữ nhật có kích thước 36 cm x 4 cm lắp đứng trên đế gỗ vững chắc. Dùng chày đầu trên tròn, đầu dưới chữ nhật vừa khít với khuôn bánh để đóng cho bánh mịn. Khuôn cũng có nhiều kiểu dáng khác nhau, như hình vuông, hình chữ nhật hay cả những hình hoa lá tùy theo người làm đặt khuôn. Sau khi đóng xong thì gói bằng lá chuối khô, vừa có vị bánh, lại vừa có hương của lá.

 

Bây giờ, người ta làm bánh theo kiểu công nghiệp để bán, rang nếp bằng nồi áp suất, bằng lò điện nên bỏng không còn ngon như xưa. Bánh cũng không đóng theo cách thủ công với khuôn như xưa nữa, giờ tất cả đã đóng bằng máy nhanh hơn, đỡ tốn sức. Nhìn những chiếc bánh nổ bày bán la liệt trong những quầy hàng bánh kẹo ngày tết trên đường về quê, không hiểu sao vẫn thấy nhớ chiếc bánh nổ ngày xưa ấy, tuy thô kệch, có những mùi mồ hôi ấm nồng trong thớ bánh vàng lấm tấm những sợi đường vàng óng. Bánh nhẹ tênh, cắn một miếng vừa dai vừa xốp, thơm mùi đường và gừng cay như những nhọc nhằn quê nhà.

 

Làm bánh Tết, cúng tổ tiên và tiếp khách, đãi họ hàng, cứ làm theo cách cổ truyền, bánh nổ ngày xuân mới giàu ý vị. Khi đêm đến, tiếng đóng bánh bồm bộp vọng lên từ những bếp nhà trong xóm, vọng khắp quê từ nhà này sang nhà khác tiếp nối như những tràng pháo chờ đợi lúc giao mùa. Không khí tết lúc đó dường như đã len lỏi đến từng ngôi nhà, từng gia đình không chỉ trong ba ngày tết mà trước đó rất lâu...

Bên cạnh những món bánh mứt sang trọng, quê tôi không thể nào thiếu món bánh nổ mỗi dịp xuân về. ấy như lạ sự kết tụ của công sức người nông dân cả năm trời dâng cúng đất trời và tổ tiên, hòa quện cả tình người và xứ sở. ăn một miếng bánh mà như thấy được cái dân giã mộc mạc, cái giản dị chân chất của người dân thôn quê gửi trong miếng quà nhỏ bé.

 

Ngày nay, tết về biết bao nhiêu loại bánh kẹo bày bán và người chọn mua nườm nượp, nhưng bánh nổ quê nhà vẫn có riêng một vị trí trong lòng người dân quê như một cái gì hiện hữu không thể thiếu mỗi lúc giao mùa, và cho cả những ngày sau…

 

Bùi Hữu Cường

Bình luận
vtcnews.vn