• Zalo

Xuân về trên làng Quan họ cổ Thị Cầu, Bắc Ninh

Đời sốngThứ Ba, 28/01/2020 15:12:22 +07:00Google News
(VTC News) -

Mỗi độ Tết đến, xuân về, du khách có dịp về với làng Quan họ cổ Thị Cầu (Bắc Ninh) sẽ cảm nhận rõ hơn sự đằm thắm, đậm đà của tình người Quan họ.

Có mặt tại gia đình anh Ba Thiện ở khu 7 Thị Cầu, ngay từ đầu  ngõ nhỏ dẫn lên, chúng tôi như được chìm đắm trong những câu ca quan họ “vang, dền, nền, nảy” từ ngôi nhà nằm trong con ngõ nhỏ này. Mặc dù có hẹn từ 8h sáng, nhưng điều làm chúng tôi bất ngờ chính là sự có mặt đông đủ của gần 20 “lão Quan họ” và các liền anh, liền chị quan họ đón tiếp.

Làng Quan họ Thị Cầu như dân gian quen gọi nhưng thực ra đã là đô thị từ rất sớm và được biết tới với bề dày truyền thống văn hóa, phong tục tập quán đẹp và độc đáo. Trong đó, có lẽ giá trị và đặc sắc hơn cả là các loại hình dân nhạc với nghệ thuật trống cổ bộ, phường bát âm, hát tuồng, hát chầu văn, trống quân và đặc biệt là sinh hoạt ca hát quan họ.

Xuân về trên làng Quan họ cổ Thị Cầu, Bắc Ninh - 1

Xuân về trên làng Quan họ cổ Thị Cầu, Bắc Ninh.

“Là một trong 49 làng quan họ gốc, Thị Cầu là nơi có nhiều liền anh nổi tiếng như cụ Tư La, cụ cả Vịnh, cụ Sáu Căn… Người ta nói rằng, xưa đất Thị Cầu là trung tâm sầm uất nên việc buôn bán phát triển. Con gái Thị Cầu nổi tiếng đảm đang buôn bán nên không có nhiều thời gian chơi quan họ, vì thế Quan họ Thị Cầu xưa gần như thiếu vắng cánh liền chị”, Liền anh quan họ Ba Thiện giới thiệu.

Theo liền anh Quan họ Hai Cầu, trong khi phổ biến các làng Quan họ gốc gọi tổ chức Quan họ ở làng xã là "Bọn Quan họ", thì ở Thị Cầu gọi là "Sân Quan họ".

“Cho tới những năm đầu thế kỷ 20, có hai liền anh Thị Cầu nên nghĩa trăm năm với 2 liền chị Điều Thôn (Đào Xá). Về Thị Cầu, hai liền chị này thành lập một "sân Quan họ" mới, gọi là "sân trong". Từ đó, Thị Cầu có hai sân Quan họ là "sân trong" (Quan họ nữ) và "sân ngoài" (Quan họ nam). Vào những năm đầu thế kỷ 20 - thời kỳ cực thịnh của Quan họ Thị Cầu - tại đây có tới 5 sân Quan họ” , liền anh quan họ Hai Cầu cho biết.

Xuân về trên làng Quan họ cổ Thị Cầu, Bắc Ninh - 2

Tiếng ca quan họ của các liền chị quan họ Thị Cầu lan tỏa trong những ngày xuân Canh Tý. 

Sân trong quan họ chỉ có Quan họ nữ. 4 sân ngoài gồm Quan họ nam ở xóm Chu, xóm Giải Áo, xóm Đồng, và xóm Dừa. Các sân này kết bạn với các bọn Quan họ ở các làng Điều Thôn, Xuân Ái, Đống Cao, Khả Lễ. Trải qua nhiều trăm năm "chơi Quan họ", Thị Cầu có nhiều thế hệ nghệ nhân nổi tiếng như Cụ Sáu Căn (Nguyễn Hữu Căn), cụ Ba Sơn (Nguyễn Văn Sơn), cụ Tư La (Phạm La), cụ Cả Vịnh (Ngô  Thế Vịnh)…

Rồi tiếp lớp nghệ nhân tài danh như các cụ: Nguyễn Văn Vinh, Nguyễn Văn Tý, Ngô Thế Tình, Nguyễn Hữu, Nguyễn Văn Bảo, Nguyễn Văn Tống, rồi các cụ bà như cụ Khuê, cụ Lựu, cụ Soạn… Nghề chơi Quan họ được truyền tiếp tới các nghệ nhân ngày nay như các liền anh Hai Cầu, anh Ba Thiện, anh Hai Bốt, chị Hai Nội, Tư Hoàn...

 Các thế hệ nghệ nhân Thị Cầu cứ kế tiếp nhau, đều nổi danh chơi quan họ giỏi và đều là những người luôn có ý thức "truyền nghề" cho các thế hệ sau, trong số đó có các diễn viên, nhạc công của Đoàn Dân ca Quan họ, nay là Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh.

“Đặc điểm Quan họ Thị Cầu là nhiều bài bản do người địa phương sáng tác thường mang đậm chất Tuồng; đồng thời, có sự kế thừa và sáng tạo từ hát Văn. Điều này có thể thấy qua các giọng: Con chim thước. Còn giời còn nước còn non, Gọi đò, Lỡ duyên Chức nữ - Ngưu Lang, Chè mạn hảo, Cây Kiêu bổng, Bây giờ chia rẽ đôi nơi...

Cùng với đó là nhiều giọng Quan họ khác cũng được truyền là do người Thị Cầu sáng tác, như các giọng Còn duyên, Hạnh Nguyên, Giăng thanh gió mát, Phùng quan tế hội… Hàng năm, các sân Quan họ của Thị Cầu đều được mời và đi "chơi Quan họ" vào dịp hội xuân của các làng có Quan họ kết bạn với mình, như làng Điều Thôn (Đào Xá): Đống Cao (Dương Ổ);  Xuân Ổ (Ó): Xuân Ái (Sói): Khả Lễ (Sẻ)”, liền chị quan họ Hai Nội chia sẻ.

Xuân về trên làng Quan họ cổ Thị Cầu, Bắc Ninh - 3

Các thế hệ nghệ nhân Thị Cầu luôn có ý thức truyền nghề cho các thế hệ sau.

Vào những ngày đầu xuân năm mới và dịp Lễ hội chùa Điều Sơn (ngày 20 tháng giêng), các sân Quan họ của làng đón các bọn Quan họ bạn từ các làng kết bạn tới chơi. Sau phần lễ đều tổ chức hát Quan họ tại đền, chùa, ca với nhau ngay ở trung tâm hội, và thường tổ chức hát canh suốt đêm tại nhà chứa của Quan họ chủ.

Ngày nay, Quan họ Thị Cầu vẫn được kế tiếp với sự hoạt động của Câu lạc bộ Quan họ - hay như lối gọi cổ là các sân Quan họ. Tiếng ca Quan họ Thị Cầu vẫn âm vang trong các dịp lễ hội xuân thu nhị kỳ. Ở một làng Quan họ cổ đã trở thành phố xá, việc duy trì Quan họ được như vậy thật quý báu biết bao.

Dù bị thời gian và chiến tranh khoả lấp bao dấu tích vật chất nhưng những giá trị tinh thần trong đời sống văn hoá, nét duyên dáng Thị Cầu hôm nay vẫn còn đó, tiếp tục cùng với bản sắc Bắc Ninh – Kinh Bắc trường tồn và lan tỏa trong đời sống đất Việt hôm nay.

Trong những ngày đầu xuân Canh Tý, vùng đất Kinh Bắc không quá ồn ào, hối hả, tấp nập như Hà Nội, Sài Gòn nhưng cũng không quá vắng vẻ, tĩnh lặng... Cái cảm giác huyên náo đủ để con người ta cảm thấy muốn lắng mình trong những cung bậc xúc cảm của cuộc sống đời thường, đủ cho những ai đã từng có lần đến làng quan họ cổ Thị Cầu rồi ra về vẫn mong chờ một khoảng lặng để nghĩ về những ngày đã qua ở miền Quan họ hiếu khách này.

Tiến Dũng
Bình luận
vtcnews.vn