• Zalo

Xuân muộn

Tâm sựThứ Bảy, 29/01/2011 09:02:00 +07:00Google News

(VTC News) - Có xót xa không khi chúng ta chưa tạo điều kiện để những người như chị không phải “trốn” mỗi lần cơ quan chức năng ra quân chỉnh trang trật tự?

(VTC News) - Có xót xa không, khi vô tình chúng ta đã chưa tạo điều kiện cho những con người như chị không phải chạy như “trốn” trước mỗi lần cơ quan chức năng ra quân chỉnh trang trật tự? Một gánh hàng rong, nhưng là một cuộc đời, như bao cuộc đời khác...

Sài Gòn những ngày giáp Tết.
 
Thành phố phương Nam, gần gũi mà vẫn như xa lạ với đôi chân của những người đàn bà quê Bắc. Giữa cảnh nhộn nhịp người xe chen chúc mua sắm cuối năm, vẫn nhọc nhằn một gánh hàng rong, chị chờ mong cho tới chiều đưa ông Táo về Trời, có được thêm ít tiền tích cóp lên chuyến tàu chợ về quê lo cho ba ngày đầu năm mới.
 
Vài tuần nay, để chuẩn bị đón Xuân, cái chợ là nơi chị em buôn bán hàng rong thường ghé đã được người ta chấn chỉnh sắp xếp cho khang trang nề nếp, vô tình lại lấy mất đi ít nhiều cơ hội để chị có thêm thu nhập.

Là người đàn bà quê, nhà cách Hà Nội không xa, nơi có người đàn ông bỏ tới 700 ngàn cho một tô phở, người đàn bà góa phải một nách ba đứa con thơ chỉ cậy trông vào vài ba sào ruộng. Tần tảo ky cóp kiểu gì, thu nhập cũng không sao co kéo được cho bốn miệng ăn. Lên Hà Nội kiếm việc để được gần nhà, nhưng Thủ đô vốn là nơi không dành cho những người như chị.

 Gánh hàng rong (Ảnh: Blog npt)

Nghe nói ở Sài gòn dễ làm ăn, theo mấy chị em cùng cảnh gần nhà, chị mang theo đứa út vào Nam làm nghề chạy chợ. Bữa có bữa không, hai năm trời nay chị cũng có được lưng vốn lo cho gánh hàng rong độ nhật. Chạy mua đầu chợ, bán cuối chợ, trên chiếc xe đạo cũ kỹ là cả một sạp hàng đủ loại cho bữa cơm những cô gái công nhân thu nhập thấp của một khu công nghiệp. Dù sao, cũng hơn ở quê, nơi một năm ngoài vài tháng lo chuyện đồng áng, chị chẳng biết làm gì để có tiền lo cho con cái.

Miền Bắc năm nay trời lại rét kéo dài, không biết hai đưa lớn ngoài ấy với ông bà ngoại chịu đựng ra sao nữa.
 
Nghe nói đất nước đã trở thành một quốc gia có thu nhập trung bình, cuộc sống xã hội đã có nhiều thay đổi. Chuyện người kiếm được đôi ba chục triệu một tháng giờ không còn ít nữa, mà sao quê chị vẫn không ít người còn đói nghèo. Dường như càng có nhiều người giàu, lại thấy cái nghèo thêm tủi cực. Hình như trong sự phân hóa bây giờ, người ta nhìn những con người như chị không phải là một thành phần đáng kể còn đang tồn tại. Vẫn biết còn bao toan tính ở mức vĩ mô, những người có trách nhiệm đang phải đương đầu với bao thách thức. Nhưng chị vẫn mong có được cái suy nghĩ như ông Bí thư Tỉnh ủy năm nào. Không bao giờ bỏ quên cái trước mắt trong giai đoạn xã hội đang “lột xác” để trưởng thành.

Câu chuyện chiều cuối năm với chị làm tôi chạnh buồn, dù Xuân đang đến. Bao nhiêu chính sách an sinh xã hội đã được ban hành, giúp cho người nghèo bớt khổ. Nhưng dường như vẫn thiếu một điều gì, rất thiết thân, cụ thể dành cho những con người dân lam lũ như chị có được một điều kiện “an toàn” hơn cho cuộc mưu sinh. Chúng ta đã dành bao nhiêu ưu đãi cho những người đóng thuế, điều đó đúng và công bằng. Nhưng có xót xa không khi vô tình chúng ta đã chưa tạo điều kiện cho những con người như chị không phải chạy như “trốn” trước mỗi lần cơ quan chức năng ra quân chỉnh trang trật tự? Một gánh hàng rong, nhưng là một cuộc đời, như bao cuộc đời khác...

Trong sự ngổn ngang toan tính làm giàu, vẫn rất cần một cái nhìn nhân ái, một văn hóa sống, văn hóa tiêu tiền. Chẳng ai dám cấm người giàu ăn một bữa cả triệu đồng, nhưng xin đừng quên bên cạnh đó là hàng trăm người chỉ cần một phần mười số tiền đó để lo cuộc sống cho gia đình trong cả một ngày. Đó là VĂN HÓA.

Chiều cuối năm. Sài gòn se se lạnh. Những vòng xe tảo tần của người đàn bà quê vẫn không ngừng nghỉ. Phong phanh một tấm áo đã sờn, mong manh một cuộc mưu sinh không ngừng nghỉ...

Tôi cầu mong cho những người như chị, rồi cũng sẽ có một mùa Xuân.

Xuân muộn.

Vũ Thảo Nguyên

Bình luận
vtcnews.vn