Mạnh dạn thay đổi
Tại Việt Nam, Alpha School là một trong những trường tiên phong đưa mô hình trường học trực tuyến vào ứng dụng trong chương trình dạy học chính thức. Tuy nhiên, ông Nguyễn Sĩ Thư, nhà sáng lập Alpha School thừa nhận, khi dịch COVID-19 ập tới, Alpha cũng gặp tình trạng lúng túng giống như nhiều trường học khác. Nhưng với quyết tâm duy trì việc học tập, rèn luyện cho học sinh, Alpha đầu tư cơ sở vật chất, công nghệ, thậm chí có thời điểm, biến toàn bộ trường thành 1 “công xưởng”, tổ chức giảng dạy và “sản xuất” các bài giảng để triển khai ngay vào năm học mới.
Bắt đầu từ năm học 2021 - 2022, nhằm hoàn thiện mô hình trường học trực tuyến, Alpha School đầu tư vào các ứng dụng công nghệ mới trong dạy và học, trong đó có hệ thống quản lý học tập của giải pháp dạy và học trực tuyến toàn diện MegaSchool, nhằm giúp học sinh có thể tương tác bài giảng, kiểm tra việc tiếp thu kiến thức ngay trong quá trình học tập hoặc bằng các bài kiểm tra tổng hợp.
Sau những bỡ ngỡ ban đầu, giờ đây việc học trực tuyến đã trở nên quen thuộc với giáo viên và học sinh của trường. Đã có những học sinh bày tỏ thích học trực tuyến hơn là học truyền thống. Thông qua các giờ học này, các em có thể ghi âm, ghi hình để xem lại, nghe lại, giúp việc ôn tập hiệu quả hơn. Giờ học trực tuyến vẫn có những giá trị bù đắp cho lớp học truyền thống.
Thầy Phạm Văn Tuấn, Hiệu phó phụ trách chuyên môn cấp THCS, Hệ thống Giáo dục Alpha School cho rằng: “Trường học có thể đóng cửa, nhưng việc học thì không bao giờ được phép dừng. Nhờ các giải pháp công nghệ mà Alpha đang dần chuyển sang trường học thông minh để có thể hoạt động trong mọi hoàn cảnh”.
Alpha đang triển khai trường học trực tuyến ở cấp độ cao nhất, toàn diện, bắt đầu với việc có một Hệ thống quản lý học tập LMS (Learning Management System), tiếp đến có một hệ thống video tương tác đi kèm để phục vụ cho lớp học đảo ngược; có lớp học trực tiếp trên MS Teams để giáo viên và học sinh trao đổi những nội dung khó, kiến thức khó; có hệ thống kiểm tra, đánh giá 789.vn và có hệ thống kết nối với phụ huynh, học sinh để duy trì sự tương tác… Ngoài ra có các dự án bổ trợ học tập tại nhà và chương trình chăm sóc sức khỏe thể chất, tinh thần cho học sinh.
Ông Trần Trọng Nghĩa, Giám đốc điều hành Nền tảng dạy và học trực tuyến MegaSchool khẳng định: Với khâu tổ chức, kết hợp với các giải pháp công nghệ, tính công bằng, chính xác và minh bạch, các kết quả thi cử trực tuyến rất cao và tin cậy, ngang với việc tổ chức thi trực tiếp, thậm chí còn cao hơn do hạn chế được lỗi chủ quan của con người.
Ví dụ, khi học sinh làm bài thi và kiểm tra trực tuyến, có đầy đủ các tính năng hỗ trợ như đếm giờ, ngắt giờ, ngắt kiểm tra, chỉ rõ các câu hỏi còn thiếu trước khi nộp bài, các chỉ định cho phép thí sinh được làm việc trên màn hình, mở ứng dụng khác, lập tức hệ thống cảnh báo hoặc phát tín hiệu dừng ngay cho giám thị.
Bên cạnh đó, công nghệ chống gian lận với sự hỗ trợ của camera trí tuệ nhân tạo (AI), giúp kiểm tra đúng thí sinh đang dự thi, cảnh báo các hoạt động không phù hợp trong quá trình thi và toàn bộ quá trình làm bài của thí sinh cũng được ghi nhận trực tiếp trên hệ thống, hiển thị theo thời gian thực. Quá trình chấm bài cũng được lưu tự động, đồng bộ với tất cả hệ thống quản lý nhằm hạn chế tối đa những tiêu cực nếu có thể xảy ra.
Nhà giáo là lực lượng tiên phong
Tuy nhiên, việc dạy học trực tuyến ở Việt Nam hiện nay chưa tận dụng được hết những ưu điểm cũng như chưa phát huy hiệu quả như mong đợi vì giáo viên vẫn chưa được hỗ trợ một công cụ dạy học trực tuyến đồng nhất.
“Cần phải có một nền tảng công nghệ và ứng dụng tốt cho giáo dục, một phần mềm All in one - tất cả trong một, mà trong đó tích hợp tất cả các cơ sở dữ liệu, hoặc tài liệu học tập giúp cho thầy và trò có thể phát huy tối đa tính tự chủ của người học”, TS Nguyễn Thúy Hồng Vân, Giám đốc đào tạo Viện Phát triển tài năng quốc tế iTD Academy nhận định.
Theo PGS.TS Lê Anh Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, làn sóng học tập trực tuyến sẽ không mất đi ngay cả khi dịch bệnh được kiểm soát, mà sẽ giúp cải thiện việc dạy và học trong nhà trường. Trước đây, ngành giáo dục, nói nhiều tới việc đổi mới phương pháp giảng dạy, hoặc sử dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, nhưng việc triển khai còn chậm. Tuy nhiên, thời gian qua là một cú hích đã tạo ra sự thay đổi lớn.
“Phần lớn các thầy cô giáo, kể cả các thầy cô trước đây còn tâm lý “ngại” đổi mới, ứng dụng công nghệ thông tin, nay đã trở thành thói quen. Việc chuyển đổi số tuy vất vả, phải bỏ công bỏ sức học những cái mới, nhưng khi đã làm chủ công nghệ, hiệu quả mang lại rất lớn”, PGS.TS Lê Anh Vinh khẳng định.
Bình luận