• Zalo

Xử 'siêu lừa' Huyền Như: Tranh luận căng thẳng tại tòa

Pháp luậtThứ Tư, 22/01/2014 02:24:00 +07:00Google News

Đại diện viện kiểm sát vẫn giữ nguyên quan điểm đã trình bày, còn các luật sư thì ra sức chứng minh trách nhiệm của VietinBank trong vụ 'siêu lừa' Huyền Như.

Tại phiên tòa ngày 21-1, đại diện viện kiểm sát vẫn giữ nguyên quan điểm đã trình bày đối với vụ Huỳnh Thị Huyền Như lừa đảo chiếm đoạt 4.000 tỉ đồng, còn các luật sư thì ra sức chứng minh trách nhiệm của VietinBank trong vụ này.

Luật sư Lưu Văn Tám (bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Ngân hàng Á Châu - ACB) phát biểu tranh luận tại tòa

Cho rằng toàn bộ phần tranh luận lại của viện kiểm sát trước hàng chục câu hỏi bức xúc của luật sư không được đối đáp thỏa đáng, luật sư Nguyễn Huy Thiệp (bào chữa cho bị cáo Phạm Anh Tuấn) nói phần tranh luận của viện kiểm sát chiều qua “không đưa ra tài liệu gì mới, không có bằng chứng gì mới so với bản luận tội”.

Còn trong phần tranh luận cuối ngày, luật sư Trương Thanh Đức (bảo vệ quyền lợi của Navibank) khẳng định: “Tiền để trong ngân hàng của VietinBank chứ không phải để ở ngoài đường, lấy được tiền ra còn thông qua nhiều khâu khác từ bảo mật đến kiểm chứng... Việc Như lấy tiền là sai và lỗi này hoàn toàn thuộc về Như và VietinBank”. Bày tỏ sự thất vọng khi không tìm được tiếng nói chung nào giữa VietinBank cũng như đại diện viện kiểm sát với các nguyên đơn dân sự và bị hại, ông Đức nói khi rời phòng xét xử: “Thật là ai nói nấy nghe”.

“VietinBank cố tình chiếm đoạt tiền của khách hàng?” là câu hỏi mà luật sư Lưu Văn Tám đặt ra với đại diện VietinBank và viện kiểm sát khi 18 câu hỏi của luật sư Tám đặt ra mà không được VietinBank trả lời. Trong các phiên tranh tụng trước, luật sư Tám và đại diện Ngân hàng ACB đưa ra những bằng chứng cho thấy tiền trong tài khoản của các nhân viên ACB vẫn còn. “Nếu VietinBank không trả lời 18 câu hỏi của tôi và làm rõ về tình tiết mới liên quan đến tài khoản của ông Phạm Công Hoàng thì tôi hoàn toàn có thể đặt câu hỏi nghi ngờ về việc VietinBank đang cố tình giấu giếm hành vi chiếm đoạt tiền của ACB” - luật sư Tám nói.

Theo luật sư Tám, giấy xác nhận này chính là chứng cứ vật chất cho thấy kết luận của viện kiểm sát về số tiền bị chiếm đoạt cho đến thời điểm hiện nay là hoàn toàn không chính xác. Bằng chứng này cũng cho thấy số tiền mà Huyền Như chiếm đoạt thấp hơn số tiền viện kiểm sát cáo buộc. Và hiện nay câu hỏi mà ACB đặt ra và yêu cầu viện kiểm sát làm rõ là ngoài tài khoản của ông Phạm Công Hoàng, tài khoản của các nhân viên khác của ACB tại VietinBank còn tiền hay hết? Hiện nay được quản lý như thế nào? Ai chịu trách nhiệm quản lý? Ai chi trả lãi suất?

Sau tất cả những kiến nghị của luật sư đại diện cho các nguyên đơn dân sự và bị hại, hội đồng xét xử mời luật sư bảo vệ cho VietinBank và đại diện của VietinBank đối đáp lại nhưng cả hai người này đều không tranh luận.

Bào chữa cho Huỳnh Thị Huyền Như, luật sư Nguyễn Tiến Hùng có phần tranh luận với viện kiểm sát để xin xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Như. Luật sư Hùng cũng mong hội đồng xét xử xem xét trả lại một phần tài sản cho Huyền Như để bị cáo nuôi con.
 
Khách hàng vay tiền NH rồi bị trộm mất, ngân hàng đòi kẻ trộm?

Trước đó, luật sư Vũ Viết Vạn Xuân (bảo vệ quyền lợi cho Công ty An Lộc, đơn vị bị chiếm đoạt 170 tỷ) tranh luận đề nghị tòa bác quan điểm của VKS khi cơ quan này đã bỏ Công ty An Lộc vào “chung một giỏ” với Công ty cổ phần Chứng khoán Phương Đông. Theo luật sư Xuân, An Lộc là đơn vị duy nhất không làm ăn, không quan hệ, không gặp gỡ gì Huỳnh Thị Huyền Như nhưng vẫn bị VKS cho rằng đơn vị này đã bị “lòng tham lãi suất làm mờ mắt”.

Theo luật sư Xuân, An Lộc đã chuyển tiền từ một ngân hàng khác vào tài khoản của An Lộc tại VietinBank thông qua lệnh chuyển tiền điện tử với số tiền là 170 tỷ đồng. Ngay sau tài khoản này báo có, ngay lập tức số tiền trên đã thuộc quyền sở hữu và sở hữu tài sản hợp pháp của VietinBank.

Việc Huyền Như chiếm đoạt số tiền 170 tỷ đồng đã quá rõ, nhưng vấn đề là chiếm đoạt của ai? Ai là người bị thiệt hại? Luật sư Xuân đặt câu hỏi và khẳng định luôn là VietinBank chính là người bị hại khi bị Huyền Như chiếm đoạt số tiền này.

Luật sư Xuân cho biết,  trong phần thẩm vấn, đại diện VietinBank cũng khẳng định sẽ chịu trách nhiệm với mọi giao dịch hợp pháp của khách hàng, một vấn đề quan trọng như vậy nhưng đã không được VKS đối đáp: “Tôi kiến nghị VKS phải bổ sung ngay quan điểm chính thống này của VietinBank”. Luật sư Xuân nói.

Trước đó, trong phần đối đáp về vấn đề giao dịch, VKS và luật sư bảo vệ quyền lợi cho VietinBank khẳng định rằng mọi giao dịch bên ngoài trụ sở của VietinBank thì không liên quan đến VietinBank. Luật sư Xuân phản đối quan điểm này, cho rằng với sự phát triển của công nghệ thì người ta có thể ngồi ở nhà để chuyển hàng ngàn tỷ chỉ bằng một cái clik chuột:  “Chả lẽ để gửi hàng trăm tỷ đồng vào ngân hàng thì phải cho vào container để chở đến VietinBank, tôi cho rằng đây là quan điểm quá khôi hài!” Ông Xuân bình luận.

Về việc VKS khẳng định An Lộc cũng như các cá nhân doanh nghiệp khác đã vi phạm lãi suất tiền gửi, điều này được luật sư Xuân đối đáp lại rằng, An Lộc là khách hàng nên có quyền được thỏa thuận với VietinBank về lãi suất, còn VietinBank là một tổ chức tín dụng thì tổ chức này buộc phải thực hiện việc trả lãi suất theo đúng quy định của Pháp luật, An Lộc chỉ biết gửi tiền còn có vượt trần lãi suất hay không An Lộc không có trách nhiệm phải biết. Về lỗi lãi suất này hoàn toàn là trách nhiệm của VietinBank.

Lấy ví dụ để phản bác lại quan điểm của VKS cho rằng VietinBank không chịu trách nhiệm đối với số tiền bị mất của An Lộc, luật sư Xuân ví von: “Tôi mang tài sản đến thế chấp ở ngân hàng VietinBank và được lập các hợp đồng theo đúng thủ tục pháp lý, sau đó tôi nhận tiền mang về nhà nhưng kẻ gian đột nhập ăn trộm số tiền. Trong trường hợp này tôi có thể viện cớ rằng tiền đó là tiền của ngân hàng, ngân hàng đi tìm trộm mà đòi thì liệu ngân hàng có chịu không hay ngân hàng tổ chức kê biên tài sản của tôi nhằm thu hồi số tiền đã bị trộm chiếm đoạt?"
Bình luận
vtcnews.vn