• Zalo

Xử 'siêu lừa' Huyền Như: Ngân hàng bị qua mặt thế nào?

Pháp luậtThứ Tư, 15/01/2014 04:00:00 +07:00Google News

(VTC News) – Tin vào uy tín của Huyền Như, thực lực của Vietinbank mà các bị hại đã ký kết hợp đồng ủy thác đầu tư vốn.

(VTC News) – Tin vào uy tín của Huyền Như, thực lực của Vietinbank mà các bị hại đã ký kết hợp đồng ủy thác đầu tư vốn.

 

Đó là ý kiến của luật sư Nguyễn Minh Tâm (Đoàn luật sư TP.HCM) khi bào chữa cho Công ty cổ phần chứng khoán Saigonbank– Berjaya (SBBS) tại phiên tòa xét xử Huỳnh Thị Huyền Như và 22 đồng phạm vào sáng 15/1.

Theo luật sư Tâm, trong diễn biến đại án chấn động ngành ngân hàng này, Huỳnh Thị Huyền Như đã "dụ" SBBS ký kết 14 hợp đồng ủy thác đầu tư vốn. Tin vào uy tín của Huyền Như, một cán bộ cao cấp của Vietinbank và cả uy tín, thực lực của Vietinbank, SBBS đã đồng ý ký các hợp đồng này.

Trước khi ký kết hợp đồng ủy thác đầu tư vốn, SBBS cũng đã mở tài khoản tại Vietinbank. Chỉ chưa đầy 3 tháng (18/5/2011 đến 16/8/2011), SBBS đã thực hiện 16 lần chuyển tiền từ tài khoản của nhiều ngân hàng khác nhau của đơn vị này về tài khoản tại Vietinbank, với tổng số tiền là 225 tỷ đồng.

Theo các luật sư của bị hại, chính Vietinbank phải bồi thường hậu quả thiệt hại về mặt tài sản trong vụ án này chứ không phải Huyền Như (ảnh: N.D)
Theo các luật sư của bị hại, chính Vietinbank phải bồi thường hậu quả thiệt hại về mặt tài sản trong vụ án này chứ không phải Huyền Như (ảnh: N.D) 

Ngày 31/8/2011, SBBS lại chuyển 15 tỷ đồng từ tài khoản của công ty tại Vietinbank tới một tài khoản của ngân hàng khác của công ty. Điều này đã chứng minh việc có lệnh chuyển tiền 15 tỷ đồng là do SBBS có yêu cầu, chứ không phải do số tiền vốn mà Huỳnh Thị Huyền Như chi trả cho SBBS như cáo trạng nêu.

Ngoài ra, chính Huỳnh Thị Huyền Như đã dùng các thủ đoạn gian dối như: làm giả con dấu, chữ ký của chủ tài khoản để đóng vào các lệnh chuyển tiền, lừa các giao dịch viên tại phòng giao dịch, rồi cũng chính Như đã ký vào phần dành cho kiểm soát viên để việc thực hiện chuyển tiền được trót lọt.

Các thủ đoạn này của Huyền Như, SBBS hoàn toàn không thể lường trước. Chính Vietinbank – chi nhánh TP.HCM đã bị Huyền Như qua mặt.

Luật sư Nguyễn Minh Tâm nhấn mạnh: Chính những sơ hở trong cơ chế quản lý nghiệp vụ nội bộ ngân hàng đã tạo điều kiện thuận lợi cho Huyền Như tiếp tục thực hiện các hành vi gian dối, để chiếm đoạt tiền của SBBS tại tài khoản của Vietinbank.

Vị luật sư này cũng đã giải thích thêm, điều đó có nghĩa chính Vietinbank là nạn nhân, bị hại của siêu lừa Huyền Như trong hành vi chiếm đoạt 210 tỷ đồng tiền của SBBS trong tài khoản của Vietinbank. Với tư cách là đơn vị bị hại, Vietinbank hoàn toàn có quyền yêu cầu Huyền Như bồi thường số tiền này để trả lại cho SBBS.

Cùng lúc, luật sư Tâm đã chỉ ra việc SBBS mở tài khoản tại Vietinbank là hợp pháp, thì mọi phát sinh giá trị thực hiện chỉ là giữa chủ tài khoản và Ngân hàng mà thôi.

Đồng thời, Vietinbank – chi nhánh TP.HCM còn thể hiện rõ ràng hàng loạt các sai phạm như: Đã thực hiện các lệnh toán giả của Huyền Như, không kiểm soát được các lệnh thanh toán giả, không thực hiện đúng thủ tục quy định,hợp pháp, hợp lệ, khớp với các yếu tố đã được chủ tài khoản đăng kí, công bố trước, không gửi kịp thời các giấy báo nợ, báo có, sao kê tài khoản, số dư tài khoản….theo yêu cầu của chủ tài khoản.

Như vậy, Vietinbank – chi nhánh TP.HCM hoàn toàn có lỗi trong các sai sót này, nên phải chịu trách nhiệm bồi thường 210 tỷ đồng số tiền bị thất thoát, và lãi suất theo đúng quy định, hậu quả từ các hành vi lừa đảo, chiếm đoạt do Huyền Như gây ra.

Việc bồi thường này có thể làm cho Vietinbank bị thất thoát về mặt tài sản, nhưng sẽ củng cố uy tín, lấy lại niềm tin trước nhân dân, trước các khách hàng mà một ngân hàng có bề dày truyền thống như Vietinbank, mà các thể hệ nhân viên đã dầy công vun đắp.

 

Việt Dũng

Bình luận
vtcnews.vn