• Zalo

Xử 'siêu lừa' Huyền Như: Luật sư Vietinbank phản pháo

Pháp luậtThứ Năm, 16/01/2014 09:46:00 +07:00Google News

(VTC News) – Theo luật sư đại diện cho Vietinbank, chính Huỳnh Thị Huyền Như mới phải là người bồi thường các thiệt hại về mặt tài sản trong vụ án này.

(VTCNews) – Theo luật sư đại diện cho Vietinbank, chính Huỳnh Thị Huyền Như mới phải là người bồi thường thiệt hại về mặt tài sản trong vụ án này cho các bị hại.

Chiều 16/1, bào chữa cho Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) tại phiên tòa xét xử vụ án ‘lừa đảo chiếm đoạt tài sản’ của Huỳnh Thị Huyền Như và  22 đồng phạm, luật sư Nguyễn Thị Bắc (Đoàn luật sư TP Hà Nội) đã đồng ý quan điểm với đại diện Viện kiểm sát nhân dân TP.HCM giữ quyền công tố tại phiên tòa.

Theo đó, do đã phạm tội ‘lừa đảo chiếm đoạt tài sản’ của 3 ngân hàng, 9 công ty và 3 cá nhân, chính Huyền Như phải là người bồi thường toàn bộ số tài sản đã chiếm đoạt của các đơn vị, tổ chức, cá nhân này.

Luật sư Bắc giải thích: Do làm ăn thua lỗ, lại đi vay nặng lãi mà không có khả năng thanh toán, do sức ép của các chủ nợ nên Như đã nảy sinh ý định huy động tiền của các tổ chức, cá nhân để lấy tiền trả nợ. Cứ như thế, Như rơi vào vòng xoáy huy động, món huy động sau lại trả cho món huy động trước. Như ngày càng lấn sâu vào con đường phạm tội.

Để thực hiện trót lọt những hành vi này, Như đã dùng những thủ đoạn gian dối như: làm giả các con dấu, chữ ký, làm giả hợp đồng, lệnh chi tiền phục vụ cho việc chiếm đoạt. Đồng thời, Như còn đưa ra mức lãi suất quá hấp dẫn để huy động, chiếm đoạt tiền.

Theo luật sư của Vietinbank, do lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người khác nên Huyền Như phải bồi thường thiệt hại do mình gây ra (ảnh: N.D) 

Tất cả những hành vi sai trái này là do chính Như thực hiện, là những giao dịch bất hợp pháp, Vietinbank hoàn toàn không biết, không tham gia.

Sở dĩ Như có thể chiếm đoạt tiền của nhiều tổ chức, đơn vị, cá nhân là do họ bị sập bẫy lãi suất cao của Như và đã bị Như lừa đảo. Còn riêng đối với các khách hàng khác của Vietinbank, do không bị Như lừa đảo nên không ai bị mất tài sản khi gửi tiền vào Vietinbank cả. Bài học ‘tham thì thâm’ hay ‘đồng tiền đi liền với khúc ruột’ không phải là bài học mới. Mất tiền vì ham lãi suất cao không phải lần đầu tiên xuất hiện trong một vụ án như thế này.

Trong quan hệ lừa đảo, người bị lừa dối là người bị lừa đảo, có quyền đòi hỏi kẻ lừa đảo đã lừa dối mình phải bồi thường cho mình. Các tổ chức,cá nhân bị Huyền Như lừa dối có quyền đòi hỏi bị cáo này phải bồi thường.

Theo luật sư Bắc, cả năm 2010 và 9 tháng đầu năm 2011, Vietinbank – chi nhánh TP.HCM cũng đã được các cơ quan, đơn vị như: Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra giám sát của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Công ty kiểm toán độc lập Ernst & Young thực hiện kiểm toán, giám sát các hoạt động của Vietinbank, nhưng cũng đã không phát hiện ra.

Nguyên nhân là do các ngân hàng, công ty, đơn vị đến giao dịch với Như, và được thực hiện một cách rất ‘kín kẽ’.

Từ đó, luật sư Nguyễn Thị Bắc khẳng định: Trong vụ án của Huyền Như, Vietinbank không phải là bị hại, không bị thiệt hại, và cũng không phải bồi thường cho bất cứ tổ chức, cá nhân nào đã bị Huỳnh Thị Huyền Như lừa đảo.

Ngày mai (17/1), phiên tòa sẽ diễn ra phần tranh luận giữa luật sư và đại diện Viện kiểm sát.

Việt Dũng

Bình luận
vtcnews.vn