Trong ngày thứ 3 diễn ra phiên xét xử "siêu lừa Huyền Như", nhiều kẽ hở trong việc quản lý của ngân hàng đã được làm rõ.
Ngày 8/1, TAND TP.HCM tiếp tục phiên xét xử sơ thẩm "siêu lừa" Huỳnh Thị Huyền như tiếp tục diễn ra với những tình tiết mới. Nhiều nữ đại gia được triệu tập đến tham dự phiên tòa. Trong ngày thứ 3 diễn ra phiên xét xử này, nhiều kẽ hở trong việc quản lý của ngân hàng đã được làm rõ.
Quy trình quản lý “siêu hở”
Gần 5.000 tỷ đồng chiếm đoạt, để mệnh danh là “siêu lừa”, Huyền Như đã thực hiện các thủ đoạn sau:
Thứ nhất, làm giả hợp đồng ủy thác đầu tư vốn giữa Ngân hàng Công thương (bên nhận ủy thác) với khách hàng (bên ủy thác), đóng dấu thật của Ngân hàng Công thương, chỉ định tài khoản nhận ủy thác là của 1 doanh nghiệp khác (của Huyền Như) tại ngân hàng khác không phải Ngân hàng Công thương, Như soạn giấy xác nhận để lãnh đạo Chi nhánh Ngân hàng Công thương ký xác nhận đã nhận đủ tiền, sau đó chiếm đoạt.
Huyền Như trong ngày thứ 3 diễn ra phiên xét xử. |
Thứ hai, làm giả hợp đồng tiền gửi, xác nhận tiền gửi của Ngân hàng Công thương, làm hồ sơ giả để thế chấp vay vốn ngân hàng khác.
Thứ ba, làm giả hợp đồng ủy thác đầu tư vốn giữa Ngân hàng Công thương (bên nhận ủy thác) với khách hàng (bên ủy thác), đóng dấu thật của Ngân hàng Công thương. Sau khi khách hàng chuyển tiền vào tài khoản của khách hàng tại Ngân hàng Công thương theo hợp đồng, thì dùng chứng từ giả để chuyển tiền, rút tiền, chiếm đoạt.
Thứ tư, nhận hồ sơ mở tài khoản thật của khách hàng từ lãnh đạo Chi nhánh Ngân hàng Công thương, hủy đi và thay bằng bộ hồ sơ mở tài khoản giả, giả chữ ký, dấu của Ngân hàng và khách hàng. Sau khi khách hàng chuyển tiền vào tài khoản của khách hàng tại Ngân hàng Công thương, Như tự ý làm giả chứng từ chuyển tiền đi hoặc rút ra, chiếm đoạt.
Thứ năm, Huyền Như sử dụng hệ thống máy tính của Ngân hàng tự ý chuyển tiền trên tài khoản hợp pháp của khách hàng tại Ngân hàng Công thương, chiếm đoạt.
Thứ sáu, Huyền Như dùng chứng từ giả, ký chữ ký giả, sử dụng dấu giả để chuyển tiền, rút tiền trên tài khoản hợp pháp của khách hàng tại Ngân hàng Công thương.
Thứ bảy, Huyền Như tự ý trích tiền trên tài khoản hợp pháp của khách hàng để lập sổ tiết kiệm mang tên khách hàng, sau đó nhờ người đứng tên hồ sơ vay giả, giả chữ ký khách hàng, sử dụng trái phép tiền gửi này cầm cố vay vốn tại Ngân hàng Công thương, sau đó, Ngân hàng Công thương tự ý trích tiền gửi của khách hàng để thu nợ đã cho vay trái pháp luật.
Trong các thủ đoạn trên, thủ đoạn thứ nhất, thứ hai Huyền Như không rút tiền trên tài khoản của khách hàng tại Ngân hàng Công thương; các thủ đoạn còn lại đều thực hiện trên chính tài khoản của khách tại chính Ngân hàng Công thương với tổng số tiền chiếm đoạt tại Ngân hàng Công thương là hơn 3.400 tỷ đồng (trên tổng số tiền hiện chưa thu được là hơn 3.900 tỷ đồng).
Sơ đồ thể hiện sự quản lý vay và cho vay tiền của ngân hàng Vietinbank. |
Chưa kể một số trường hợp trong kết luận điều tra không nêu chi tiết, số lệnh chi giả do Huyền Như lập tại Ngân hàng Công thương đã lên hơn 300 lệnh. Số hồ sơ tín dụng giả vay tại Ngân hàng Công thượng hơn 100 hồ sơ.
Quá trình thẩm vấn tại Tòa cho thấy hệ thống quản lý của Ngân hàng Công thương rất sơ hở, từ giao dịch đến cho vay, các quy định pháp luật, các quy trình thủ tục để kiểm soát, đảm bảo sự an toàn đã bị nhiều cán bộ, nhiều khâu tại Ngân hàng Công thương bỏ qua một cách bất thường.
Nhân viên Ngân hàng thiếu trách nhiệm, khách hàng gửi tiền chịu hậu quả
Đối với khoản tiền gửi 50 tỷ đồng của hai nhân viên Ngân hàng Á Châu Dương Thị Nguyệt, Nguyễn Thị Bé Nămtại Ngân hàng Công Thương chi nhánh Nhà Bè.
Hồ sơ mở tài khoản tiền gửi được hai nhân viên này cung cấp hợp pháp theo yêu cầu của Ngân hàng Công Thương, nhưng sau đó, nhân viên của Ngân hàng Công Thương đã không thực hiện đúng quy định, giúp cho Huyền Như hủy bộ hồ sơ mở tài khoản thật, ký giả chữ ký khách hàng lậphồ sơ mở tài khoản giả, lập chứng từ giả chiếm đoạt số tiền 50 tỷ đồng mà hai nhân viên của Ngân hàng Á Châu đã chuyển vào tài khoản của họ tại Ngân hàng Công Thương.
Vì hành vi này, Lương Thị Việt Yên (Trưởng Phòng Giao dịch Võ Văn Tần thuộc Ngân hàng Công thương), Hồ Hải Sỹ (Phó Phòng), Lê Thị Ngọc Lợi (Giao dịch viên) đã bị truy tố về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Trả lời thẩm vấn tại Tòa sáng 08/01/2014, các cá nhân này thừa nhận sai phạm của mình và nêu do nể nang Huyền Như nên đã không thực hiện đúng quy định, quy trình nghiệp vụ.
Với việc truy tố các cá nhân này, chính cơ quan tố tụng cũng thừa nhận các sai phạm của Ngân hàng Công thương chính là nguyên nhân gây ra việc Huyền Như chiếm đoạt tiền.
Tuy nhiên, theo Cáo trạng truy tố, hậu quả nghiêm trọng trong hành vi phạm tội này của các bị cáo thì khách hàng gửi tiền (Ngân hàng Á Châu) phải chịu, Ngân hàng Công thương không bị thiệt hại. Huyền Như sẽ phải có trách nhiệm trả lại tiền cho ACB.
Bên cạnh đó, hàng nghìn tỷ tiền gửi khác của khách hàng gửi hợp pháp tại Ngân hàng Công thương cũng bị Huyền Như lập lệnh chi giả để chiếm đoạt. Kết luận điều tra và Cáo trạng chưa xác định những ai là người hạch toán, kiểm soát, thực hiện các lệnh chi này, đồng thời xác định Huyền Như phải hoàn trả tiền cho khách hàng.
Với khoản tiền gửi của Ngân hàng Á Châu, Ngân hàng Nam Việt, Huyền Như tự ý lập tổng số 91 thẻ tiết kiệm trị giá 591 tỷ đồng đứng tên các nhân viên hai ngân hàng và ký giả chữ ký các cá nhân này trên các hợp đồng thế chấp thẻ tiết kiệm, lập hồ sơ vay giả chiếm đoạt của Ngân hàng Công thương 572 tỷ đồng.
Bản đồ thể hiện trách nhiệm của Huyền Như trong ngân hàng Vietinbank. |
Các cá nhân tại Ngân hàng Công thương gồm Trần Thanh Thanh (Trưởng Phòng giao dịch Điện Biên Phủ), Tống Nguyên Dũng (nhân viên tín dụng), Bùi Ngọc Quyên (Phó Phòng Giao dịch Điện Biên Phủ), Hoàng Hương Giang (giao dịch viên), Phạm Thị Tuyết Anh (giao dịch viên), Đoàn Lê Du (Trưởng Phòng Giao dịch Đinh Tiên Hoàng), Vũ Nguyễn Xuân Tiên (Phó Phòng Giao dịch Đinh Tiên Hoàng), Huỳnh Trung Chí (nhân viên tín dụng), Nguyễn Thị Phúc Ngân (giao dịch viên) đã bị truy tố về tội vi phạm quy định về cho vay, gây hậu quả nghiêm trọng.
Tại phiên tòa sáng 08/01/2014, các bị cáo này thừa nhận các cá nhân đứng tên trên thẻ tiết kiệm đã không trực tiếp đến ngân hàng làm thủ tục, thậm chí, nhiều hồ sơ khi giải ngân còn chưa có chữ ký của khách hàng. Các bị cáo nêu nguyên nhân là do tin tưởng Huyền Như nên bị Huyền Như lừa, dẫn đến toàn bộ hồ sơ vay là giả, hợp đồng cầm cố là giả.
Theo quy định pháp luật, các hợp đồng thế chấp thẻ tiết kiệm trên là vô hiệu, không có giá trị, vì chữ ký của các chủ thẻ tiết kiệm là giả, hồ sơ vay là giả. Như vậy, thực chất các khoản vay này là khoản vay không có tài sản thế chấp.
Mặc dù vậy, căn cứ vào hợp đồng thế chấp giả, Ngân hàng Công thương vẫn dùng tiền gửi của khách hàng để thu nợ. Kết quả của việc làm trái pháp luật này là đã đẩy hậu quả nghiêm trọng của việc cho vay trái pháp luật của chính Ngân hàng Công thương cho Ngân hàng Á Châu, Ngân hàng Nam Việt.
Cáo trạng truy tố không xác định Huyền Như lừa đảo chiếm đoạt tiền vay của Ngân hàng Công thương, tiếp tục xác định Huyền Như chiếm đoạt tiền của Ngân hàng Á Châu, Ngân hàng Nam Việt. Buộc các đơn vị này chịu hậu quả nghiêm trọng từ việc cho vay trái pháp luật của Ngân hàng Công thương.
Tại phiên tòa chiều 08/01/2014, đồng loạt những đơn vị được xác định là nguyên đơn dân sự (Công ty chứng khoán Phương Đông, Công ty Phúc Vinh, Công ty Thịnh Phát, Công ty Hưng Yên, Công ty chứng khoán SBBS …), bị Huyền Như chiếm đoạt tiền đã yêu cầu Hội đồng xét xử buộc Ngân hàng Công thương phải trả tiền, xác định Ngân hàng Công thương là bị đơn dân sự với những yêu cầu này, là nguyên đơn dân sự với hành vi chiếm đoạt tiền của Huyền Như.
Kết luận điều tra, Cáo trạng, phần thẩm vấn tại phiên tòa ngày 08/01/2014 cũng chưa làm rõ được cá nhân nào tại Ngân hàng Công thương căn cứ hợp đồng thế chấp giả để trích thu nợ vay.
Theo Đất Việt
Bình luận