• Zalo

Xử 'siêu lừa' Huyền Như: Kiến nghị triệu tập nhiều lãnh đạo ngân hàng

Kinh tếThứ Hai, 06/01/2014 09:30:00 +07:00Google News

Luật sư bảo vệ quyền lợi cho các ngân hàng đồng thời đề nghị triệu tập lãnh đạo Ngân hàng Công thương, nguyên lãnh đạo ACB như bầu Kiên, ông Trần Xuân Giá...

Luật sư bảo vệ quyền lợi cho các ngân hàng đồng thời đề nghị triệu tập lãnh đạo Ngân hàng Công thương, nguyên lãnh đạo ACB như bầu Kiên, ông Trần Xuân Giá... để làm rõ trách nhiệm.


8g sáng 6/1, phiên tòa xét xử Huỳnh Thị Huyền Như cùng 22 đồng phạm trong vụ án được cho là “đại án” của ngành ngân hàng đã được mở tại trụ sở TAND TP.HCM. Dự kiến, phiên tòa sẽ kéo dài đến hết ngày 25/1/2014.
“Đại án” ngành ngân hàng
Do số lượng bị cáo, bị hại (15 đơn vị, cá nhân) và những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan (79 đơn vị, tổ chức, cá nhân) quá đông, cùng với sự có mặt của 50 luật sư tham gia bảo vệ quyền lợi cho bị cáo và các bên liên quan nên toàn bộ phòng xử A - Tòa Hình sự đã không đủ chỗ. HĐXX đã phải mở cửa phòng bên cạnh, truyền hình trực tiếp qua màn hình tivi để những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan theo dõi diễn biến phiên xét xử. 
Bị Cáo Huỳnh Thị Huyền Như tại phiên xét xử sáng 6/1. 

Theo cáo trạng, Huỳnh Thị Huyền Như, SN 1978, nguyên Phó phòng quản lý rủi ro, quyền Trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ, Ngân hàng Công thương Việt Nam, chi nhánh TP.HCM, bị truy tố về hai tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” theo quy định tại khoản 4 Điều 139 và khoản 3 Điều 267 Bộ Luật hình sự.
Trong “đại án” này, cùng bị truy tố với Huỳnh Thị Huyền Như còn có 22 bị cáo khác bị truy tố với các tội danh: “Lừa đảo chiếm đoạn tài sản”, “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, “Cho vay nặng lãi”, “Vi phạm các quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”, “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Trong số 22 bị cáo này có 13 người, nguyên là trưởng, phó phòng, cán bộ, nhân viên Phòng giao dịch Điện Biên Phủ và Phòng giao dịch Đinh Tiên Hoàng, Phòng giao dịch Võ Văn Tần, chi nhánh Nhà Bè thuộc Ngân hàng Công thương TP.HCM.
Theo cáo trạng, từ năm 2007 Huỳnh Thị Huyền Như đã đứng ra vay cá nhân hơn 200 tỷ đồng của nhiều tổ chức, ngân hàng với lãi suất cao để mua đất đai tại nhiều nơi như TP.HCM, Đà Nẵng, Đà Lạt… 
Tuy nhiên tới năm 2010 thì tiền vay mượn phát sinh số lãi quá lớn trong thị trường bất động sản lại rơi vào tình trạng “đóng băng” đã khiến Như mất khả năng thanh toán.
Trong thời gian này, Như được nắm giữ chức “quyền Trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ” với thẩm quyền được phê duyệt lệnh chuyển tiền của chủ tài khoản từ ngân hàng đi các đơn vị, doanh nghiệp theo quyết định của chủ tài khoản với mức 50 tỷ đồng/lệnh.
Lợi dụng chức vụ này, từ tháng 3-2010 đến tháng 9-2011, Như đã thuê người khác làm giả 8 con dấu để lập các hợp đồng giả, chứng từ giả đứng tên các đơn vị bao gồm: Ngân hàng Công thương chi nhánh Nhà Bè, các Cty Phúc Vinh, Thịnh Phát, Hưng Yên, An Lộc, Đức Minh Quang, Cty CP Bảo hiểm Toàn cầu, Cty CP chứng khoán Saigonbank – Berjaya để chiếm đoạt tiền của các đơn vị này. 
Bên cạnh đó, Huyền Như tự lập chứng từ giả để rút, chuyển, chiếm đoạt tiền của các cá nhân, đơn vị khác gửi tại Ngân hàng Công thương.
Tổng cộng đã có 9 cty, 4 ngân hàng và 3 cá nhân bị Như chiếm đoạt tổng số tiền là 3.982 tỷ đồng.
Đề nghị triệu tập nhiều lãnh đạo ngân hàng
Là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Ngân hàng ACB, luật sư Lưu Văn Tám đề nghị triệu tập thêm ông Nguyễn Đức Kiên (tức "bầu Kiên", nguyên Phó chủ tịch HĐQT ACB), ông Trần Xuân Giá (nguyên Chủ tịch HĐQT ACB), ông Lý Xuân Hải (nguyên Tổng Giám đốc ACB) và một số cá nhân nguyên là lãnh đạo ACB để làm rõ trách nhiệm của từng người.
Phiên tòa thu hút đông đảo người tham dự. 

Do Huyền Như đã lừa đảo, chiếm đoạt của ACB hơn 718 tỷ đồng nên những lãnh đạo ACB có liên quan trực tiếp đến vụ việc này cần phải tham dự phiên tòa để thẩm vấn, xem xét và xác định trách nhiệm của từng người trong việc bồi thường hoặc không bồi thường. Do vậy, cần triệu tập thêm các cá nhân trên.
Đồng thời luật sư Tám cùng các luật sư bảo vệ quyền lợi cho các ngân hàng khác cũng đồng loạt đề nghị HĐXX cần phải triệu tập Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc, Kế toán trưởng Ngân hàng công thương là ông Phạm Huy Hùng; ông Nguyễn Văn Thắng; ông Nguyễn Hải Hưng ra trước Tòa để xác định rõ trách nhiệm quản lý tiền gửi của khách hàng tại ngân hàng này, xác định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của bị cáo Như cũng như của các cá nhân có liên quan đến việc giả chứng từ, rút tiền, chuyển tiền; xác định rõ các khoản tiền gửi của khách hàng là do Ngân hàng Công thương huy động hay Huỳnh Thị Huyền Như huy động? 
Nhiều cá nhân được các đơn vị ủy thác gửi tiền vào Ngân hàng Công thương, trực tiếp ký hợp đồng tiền gửi với ông Trương Minh Hoàng và bà Nguyễn Thị Minh Hương, đều là Phó giám đốc Ngân hàng Công thương, chi nhánh TP.HCM được Tòa triệu tập với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan thì tại sao lãnh đạo Ngân hàng Công thương mà cụ thể là ông Hoàng và bà Hương không bị triệu tập đến Tòa?
Đồng thời, đề nghị HĐXX xem xét và xác định lại tư cách tham gia tố tụng của các đơn vị bị thiệt hại, nguyên đơn dân sự trong vụ án hình sự này. Các đơn vị bị thiệt hại, nguyên đơn dân sự đều là khách hàng của Ngân hàng Công thương, họ gửi tiền vào Ngân hàng Công thương, Ngân hàng Công thương có trách nhiệm quản lý, sử dụng tiền của họ. Sau đó mới bị Huỳnh Thị Huyền Như và các đồng phạm làm chứng từ giả để rút tiền của Ngân hàng Công thương. 
Theo đó, bị cáo Như cùng các bị cáo khác không gây thiệt hại cho các đơn vị như Ngân hàng Nam Việt, ACB... Vì vậy, trong vụ án này Ngân hàng Công thương là đơn vị bị thiệt hại - là nguyên đơn dân sự để yêu cầu Huyền Như bồi thường mới đúng. Còn các ngân hàng, đơn vị, doanh nghiệp nói trên sẽ là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. 
Nếu các bị hại nói trên là nguyên đơn dân sự thì bị đơn dân sự phải là Ngân hàng Công thương mới đúng. Việc xác định lại tư cách tham gia tố tụng có ý nghĩa rất quan trọng, để cuối cùng xem ai là người có nghĩa vụ phải thanh toán tiền cho các khách hàng gửi vào Ngân hàng Công thương.
Theo các luật sư của Ngân hàng Nam Việt, ACB… thì hầu hết số tiền chiếm đoạt là tiền gửi của khách hàng tại Ngân hàng Công thương, thuộc trách nhiệm quản lý của Ngân hàng Công thương, bất kể nguồn gốc khoản tiền, bất kể lãi suất trả có đúng quy định không, bất kể khoản tiền này do Huyền Như hay ai đi gặp khách hàng để thuyết phục khách hàng gửi tiền tại 
Ngân hàng Công thương. Xử lý hành vi chiếm đoạt của Huyền Như không phải là vấn đề chính của vụ án này, bởi nó quá rõ, không thể không xử lý. Vấn đề trọng yếu là ai sẽ chịu thiệt hại, ai sẽ phải đền bù.
Nếu xác định Ngân hàng Công thương chịu trách nhiệm quản lý tiền của khách, hành vi của Huyền Như có thể phạm tội tham ô, Ngân hàng Công thương phải hoàn trả tiền cho khách hàng gửi tiền. Đây cũng là ý kiến của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao trong quá trình điều tra, đồng thời cũng là ý kiến của nhiều chuyên gia pháp luật. 
Tại Kết luận điều tra bổ sung, Cơ quan điều tra nêu: Theo quy định của Hội đồng quản trị Ngân hàng Công thương, Huyền Như (là Quyền Trưởng Phòng Giao dịch) không được giao hoặc ủy quyền quản lý tiền, tài sản của Ngân hàng mà chỉ được giao nhiệm vụ kiểm soát, xét duyệt các giao dịch của khách hàng. 
Do đó, Như không tham ô, Ngân hàng Công thương không có trách nhiệm hoàn trả tiền, tức Ngân hàng Công thương không có trách nhiệm quản lý tiền gửi của khách trong các trường hợp này. 
Tại phiên tòa, một số luật sư có ý kiến, một vụ án lớn và lịch đưa ra xét xử quá gấp, khiến một số đơn vị mới được biết mình là bị hại trong vụ án này. 
Một số, luật sư chưa kịp sao chụp hết các tài liệu liên quan đến vụ án… Với rất nhiều lý do, nhiều luật sư đã đề nghị HĐXX hoãn phiên tòa.
Cuối buổi sáng 6/1, sau khi nghe kiến nghị của các luật sư, HĐXX tiến hành thảo luận. Sau khi thảo luận, ông Nguyễn Đức Sáu – Thẩm phán, chủ tọa phiên tòa thay mặt HĐXX quyết định tiếp xét xử phiên tòa. 
Theo vị chủ tọa, không cần thiết phải mời lãnh đạo của Vietinbank đến phiên tòa. 
Trong quá trình xét xử, nếu khi nào thấy cần thiết thì sẽ mời. Còn về tư cách tham gia tố tụng của các bị cáo, bị hại, nguyên đơn dân sự, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đều đã được xác định trong cáo trạng. Và việc luật sư không kịp sao chụp được đầy đủ các tài liệu đó không phải là lỗi của Tòa…
Buổi chiều cùng ngày, cơ quan công tố công bố cáo trạng truy tố các bị cáo tại tòa.
 Theo ông Đinh Văn Quế, nguyên Chánh Tòa Hình sự, Tòa án Nhân dân tối cao, Huyền Như là người có chức vụ, quyền hạn, có trách nhiệm quản lý tài sản, đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn  để chiếm đoạt tài sản do mình có trách nhiệm quản lý là hành vi tham ô tài sản. Việc cho rằng Ngân hàng Công thương không có trách nhiệm với số tiền khách hàng gửi vào ngân hàng là trái pháp luật.


Theo Đất Việt/Vietnamnet
Bình luận
vtcnews.vn