(VTC News) – Đại diện Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia nói sẽ phát hiện xử phạt mũ bảo hiểm 'dỏm' bằng trực quan.
Liên quan tới việc từ ngày 15/4 tới, các lực lượng chức năng sẽ xử phạt nghiêm hành vi sản xuất kinh doanh và sử dụng mũ bảo hiểm giả, phóng viên VTC News đã có cuộc trao đổi với ông Khương Kim Tạo – Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia.
- Mức phạt đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy sử dụng mũ bảo hiểm giả ra sao, thưa ông?
Lâu nay, để đối phó với các quy định về việc đội mũ bảo hiểm, nhiều người dân đã sử dụng những loại mũ không phải là mũ bảo hiểm. Trông hình dáng bên ngoài, chúng cũng có vỏ nhựa như mũ bảo hiểm chính hãng, nhưng thực chất bên trong chúng không có tác dụng bảo vệ gì cả.
Ông Khương Kim Tạo – Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia (Ảnh: Minh Quân) |
Theo dự kiến, chúng ta sẽ xử phạt đối với lỗi người đi mô tô, xe gắn máy mà không đội mũ bảo hiểm hoặc đội loại mũ giả mạo là mũ bảo hiểm. Mức phạt vẫn như cũ, từ 100.000 – 200.000 đồng.
Nói cách khác, những người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy sử dụng loại mũ giả mạo mũ bảo hiểm mà người ta hay gọi là mũ thời trang, không có tác dụng bảo vệ sọ não khỏi các chấn thương nếu chẳng may xảy ra va chạm sẽ bị xử phạt như người không đội mũ.
Đó là mức phạt bình thường, đương nhiên người ta phải chịu. Thậm chí, nếu quy vào tội giả mạo thì còn phức tạp lắm. Nhưng cái giả mạo này chỉ là giả mạo cho cá nhân người ta sử dụng, chứ nếu giả mạo mà gây thiệt hại cho người khác thì lỗi giả mạo có thể sẽ bị quy ra một số trách nhiệm khác. Trong trường hợp này, chúng ta chỉ quy trách nhiệm của họ tương đương với người không đội mũ bảo hiểm.
- Vậy việc xử phạt sẽ như thế nào?
Về quy trình xử phạt, có thể nói rằng đây là một chương trình lớn có sự phối hợp giữa nhiều bộ, ngành trong đó lực lượng cảnh sát giao thông sẽ thực hiện các biện pháp xử phạt, cán bộ quản lý thị trường của Bộ Công thương sẽ triển khai các vấn đề liên quan tới công tác kinh doanh, nhập khẩu, sản xuất mũ bảo hiểm nhằm triệt tận gốc loại mũ giả mạo này.
Trong thời gian qua, lực lượng thực thi luật có thể đã “hơi ngại” khi đứng ra phạt những người đội loại mũ giống như mũ bảo hiểm. Trên thực tế, bất kì người dân nào chỉ cần nhìn qua cũng biết một chiếc mũ bảo hiểm theo đúng nghĩa của nó, đảm bảo các quy cách về kết cấu trông sẽ ra sao. Tức là với loại mũ giả mạo mũ bảo hiểm, chúng ta nhìn cũng có thể biết được ngay.
Người dân vẫn đổ xô mua mũ bảo hiểm giả (Ảnh: Minh Quân) |
- Vì sao, thưa ông?
Để phân biệt mũ bảo hiểm có đảm bảo kết cấu, chất lượng hay không là rất khó, phải có thử nghiệm. Nhiều khi chúng đảm bảo về mặt kết cấu, nhưng khi thử nghiệm lại không đảm bảo về mặt chất lượng. Việc thử nghiệm lại rất phức tạp cho nên đợt này chúng ta chưa làm việc đó.
Chúng tôi sẽ chỉ tập trung xử lý những loại mũ trông dáng ngoài giống mũ bảo hiểm, nhưng thực chất không có đầy đủ kết cấu. Ví dụ lớp xốp mỏng dính hoặc không có xốp bảo vệ bên trong mũ.
Nếu sử dụng những loại mũ như thế mà tham gia giao thông, nếu chẳng may xảy ra va chạm thậm chí còn nguy hiểm hơn là không đội mũ bởi các mảnh vỡ của chúng có thể sẽ chọc vào người, gây nhiều tổn thương hơn nữa chứ không chỉ dừng lại ở chấn thương sọ não.
- Liệu Ủy ban ATGT Quốc gia có can thiệp được phần nào quy trình sản xuất, kinh doanh, phân phối, sử dụng mũ bảo hiểm để hạn chế mũ bảo hiểm 'dỏm'?
|
Chúng tôi sẽ đứng ra tổ chức, chỉ đạo các hoạt động trên khuôn pháp lý chung. Tất nhiên, nếu người ta buôn bán trên thị trường, việc xử phạt phải tuân theo quy trình hay những yêu cầu nhất định. Nhưng với những người tham gia giao thông, việc xử phạt sẽ không cần thêm bất kì quy định nào nữa.
- Những cơ sở sản xuất, phân phối, nhập khẩu mũ bảo hiểm giả sẽ bị xử lý thế nào?
Thực ra hiện nay khi buôn mũ bảo hiểm giả, người ta thường nói “không phải tôi buôn mũ bảo hiểm, mà chỉ là loại mũ sử dụng cho sinh hoạt, đi đường cho đỡ nắng thôi”. Trong khi đó, chế tài xử phạt lại chưa đầy đủ.
Muốn xử phạt ngay tức khắc những trường hợp đó, chúng ta cần thêm những quy định về việc buôn bán những loại mũ giống dáng mũ bảo hiểm, nhưng chất lượng không bằng mũ bảo hiểm thì mới có thể phạt được.
Tuy nhiên, hiện nay, việc ban hành những quy định như thế gặp khó ở chỗ khi người ta chưa triển khai hoạt động thông báo bán mũ bảo hiểm thì chúng ta không thể kiểm soát theo quy trình về mũ bảo hiểm được. Đó là khó khăn cho bên Cục Quản lý thị trường.
Tôi cho rằng, tới đây, bên Cục Quản lý thị trường sẽ vẫn tập trung vào việc dẹp những kẻ buôn bán tràn lan ở lòng đường, vỉa hè… trong khi các lực lượng khác sẽ tập trung xử lý người sử dụng loại mũ này.
Xin cảm ơn ông!
Minh Quân
Bình luận