• Zalo

Xử phạt lái xe không mang giấy tờ gốc: Bộ ngành lúng túng, người dân lãnh đủ

Kinh tếThứ Sáu, 07/07/2017 07:51:00 +07:00Google News

Việc hàng loạt chủ xe đã bị xử phạt khi kiểm tra giấy tờ xe không mang bản chính, trong đó, không ít người vốn mua xe từ tiền vay trả góp ngân hàng và giấy tờ đang nằm trong két nhà băng khiến cho người dân lãnh đủ, dư luận bức xúc, còn các bộ hiện tỏ ra khá lúng túng.

Ngày 31/5/2017, Bộ Công an ký công văn số 2916 khẳng định lại việc xử phạt vi phạm hành chính với những tài xế không xuất trình được bản gốc giấy đăng ký xe là chính xác và không chấp nhận dùng bản sao giấy đăng ký xe có công chứng/chứng thực và xác nhận của ngân hàng (đây là quy định vốn có từ lâu).

Trước đó, ngày 24/5/2017, Ngân hàng Nhà nước cũng ra văn bản số 3851 gửi các tổ chức  tín dụng. Theo đó, yêu cầu bên thế chấp (người vay tiền ngân hàng) được giữ bản chính giấy chứng nhận đăng ký xe trong thời hạn hợp đồng có hiệu lực.

Hai văn bản lập tức khiến  dư luận “dậy sóng”. Trong khi người dân và doanh nghiệp vận tải hoang mang bởi việc bị xử phạt do chỉ có bản sao mang theo thì các ngân hàng lo “cuống cuồng” khi khách vay nhất loạt đòi trả giấy tờ.

tai-xe-o-to-9416-1499159530

 Một tài xế cho biết, các hãng taxi cũng chỉ cho nhân viên giữ giấy tờ bản sao.

Ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc Hãng Taxi Ba Sao (Hà Nội) cho hay, hiện hãng này đang bị giữ 11 xe vì lỗi không có giấy tờ bản chính. “Sau khi CSGT xử phạt, chúng tôi không trình được bản đăng ký vì ngân hàng giữ nên họ xem là xe không có giấy tờ nên đã giữ xe.

Hãng tôi bị giữ 11 chiếc, các hãng khác cũng bị giữ xe” - ông Huy nói. Ông Huy đã làm công văn hỏi ngân hàng cho vay nhưng họ trả lời, việc giữ giấy tờ lâu nay vẫn thực hiện, còn CSGT trả lời công ty ông Huy là làm đúng theo quy định.

Ông Đỗ Hoàng Tuấn, đại diện một doanh nghiệp vận tải ở Quảng Ninh bức xúc: “Doanh nghiệp đang bị thiệt hại hàng trăm triệu đồng chỉ vì không được giữ giấy tờ gốc”. Theo ông Tuấn, 18 chiếc xe tải của ông bị xử lý lỗi quá tốc độ, hiện cũng đang bị giữ tại bãi xe hơn 10 ngày nay vì thiếu giấy đăng ký xe bản gốc.

Sau khi CSGT yêu cầu xuất trình giấy đăng ký xe bản gốc, ông Tuấn đã liên hệ với chi nhánh Ngân hàng Vietinbank – nơi làm thủ tục vay mua xe trả góp để xin giấy tờ gốc. Tuy nhiên, chi nhánh này lại phải gửi công văn lên hội sở xin bản gốc tại Trung tâm lưu trữ hồ sơ. Dự kiến, việc trả lại giấy tờ gốc lên đến 15 - 20 ngày.

“Trong khi đó, một xe mất 500 ngàn tiền bãi/ngày, chưa kể tiền hàng hóa trên xe. Ước tính doanh nghiệp lỗ hàng trăm triệu đồng”, ông Tuấn nói.

Một cán bộ tín dụng Ngân hàng Quốc Dân (NCB) khi được hỏi không giấu sự lo lắng khi cho vay mua ô tô đã trở thành “thị trường ngách” của NCB nhiều năm nay. Với lãi suất hấp dẫn chỉ 6,8% trong 9 tháng đầu sau đó cộng biên độ lên mức xấp xỉ 11% về sau, tín dụng cho vay mua xe đã rất phát triển trong thời gian qua.

“Mấy tháng trước, tôi làm thủ tục cho 5 khách hàng vay mua xe với khoản vay 300-500 triệu/khách (có thể lên tới 85% giá trị xe). Nay nghe tin phải mang giấy tờ gốc nếu không bị xử phạt, rất nhiều khách hàng đã gọi đến đề nghị ngân hàng hỗ trợ. Hiện, ngân hàng cũng chưa biết tính sao”, nhân viên này cho biết.     

Sử dụng đăng ký xe công chứng?

Giám đốc Pháp chế một ngân hàng cổ phần đóng trên địa bàn Hà Nội kể mấy hôm nay, các chi nhánh thuộc ngân hàng ông đang làm việc tới tấp gửi ý kiến về hỏi phòng vấn đề này. 

“Tôi đã hỏi các bạn tôi bên Nhật, Úc, họ cho biết các giấy tờ chính đều có thể thế chấp ngân hàng. Thông tin về chủ xe, chỉ cần tra trên hệ thống là ra ngay.  Còn ở Việt Nam, công an có thể thu giữ giấy phép lái xe chứ việc nhất quyết bắt người dân mang giấy tờ bản gốc là khá cứng nhắc, không hợp lý vì chỉ cần bị mất giấy tờ là xe của họ rất dễ bị tẩu tán, cầm đồ”, ông nói.

Theo vị này về phần ngân hàng, nếu không có giấy tờ thế chấp, chắc chắn sẽ  không thể cho vay mua ô tô món lớn. “Hiện, chúng tôi rất sốt ruột chờ ý kiến từ phía Ngân hàng Nhà nước”, ông nói.

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Thanh thì bày tỏ sự “bất bình”. “Số lượng các doanh nghiệp kinh doanh vận tải vay ngân hàng mua xe rất lớn. Lâu nay, lái xe vẫn sử dụng được các bản sao công chứng, nay sao lại xử phạt. CSGT cần phải nêu rõ cơ sở, mục tiêu của việc này” - ông Thanh nói.

“Ngân hàng Nhà nước và Bộ Công an nên sớm họp bàn thống nhất ban hành một văn bản hay thông tư liên tịch về việc này. Nghề vận tải hiện rất khó khăn, đừng để họ thiệt hại thêm vì những thủ tục như vậy nữa” - ông Thanh đề nghị.

Luật sư Trần Công Trục, công chứng viên Văn phòng công chứng Ngô Hồng Tuấn (Hà Nội) cũng chỉ ra, theo Luật công chứng, các văn bản, hợp đồng giao dịch được công chứng có giá trị như bản gốc nên việc CSGT xử lý người đưa các giấy tờ bản sao là không đúng theo Luật Công chứng. 

Video: Bắt hàng loạt nhân viên ngân hàng làm giả giấy tờ đi mua đồ trả góp

Theo vị luật sư này, người lái xe trình cho CSGT các giấy tờ chứng minh chiếc xe đó đang được thế chấp tại ngân hàng, hoặc bản công chứng đăng ký xe là hoàn toàn hợp lệ. Ông Trục cũng cho hay, việc CSGT yêu cầu bản chính sẽ gây khó khăn cho các chủ doanh nghiệp làm dịch vụ cho thuê xe vì chiếc xe dễ bị cầm cố.

Một lãnh đạo Cục Đăng kiểm cũng khẳng định, khi phương tiện đi đăng kiểm, ngành đăng kiểm chấp nhận cả xe có đăng ký xe bản chính và xe có các giấy tờ thể hiện xe đó đang được thế chấp tại ngân hàng. Tuy nhiên, với bản sao giấy đăng ký xe dù được công chứng vẫn không được chấp nhận.

Hiện Luật Giao thông đường bộ và Nghị định Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ có quy định lái xe khi điều khiển phương tiện phải có giấy đăng ký xe nhưng không ghi rõ bản đăng ký xe được công chứng có hiệu lực hay không.

Trao đổi với PV, ngày 5/7, một đại diện Ngân hàng Nhà nước thừa nhận đây là vấn đề khá bất cập và chắc chắn phải khẩn trương gỡ vướng. “Nếu ngân hàng cho vay mà không có thế chấp thì cũng… kinh không dám”, vị này nói. Được biết, hiện NHNN đã giao Vụ Pháp chế khẩn trương xem xét để sớm có văn bản gửi Bộ Công an và Bộ Tư pháp theo quan điểm tạm thời gỡ vướng, tạo điều kiện không xử phạt người dân, doanh nghiệp.

Lãnh đạo Phòng 10 Cục CSGT cho hay, thời gian qua đơn vị xử lý một số trường hợp tài xế điều khiển xe chỉ có đăng ký bản sao theo đúng hướng dẫn trên các tuyến cao tốc phụ trách. “Thời gian đầu thực hiện theo hướng dẫn, lực lượng tuần tra phát hiện đăng ký bản sao phạt hành chính 300.000 đồng lỗi tài xế xe ô tô không mang đăng ký quy định chứ không phạt lỗi không có đăng ký”, vị phó trưởng phòng nói. 

(Nguồn: Tiền Phong)
Chuyên đề: Tin Kinh tế
Bình luận
vtcnews.vn